Gia đình tôi có 6 người, trong đó lớn nhất là ba mẹ trên 80 tuổi, có bệnh nền, và nhỏ nhất bé Tỏi 4 tháng tuổi. Vì vậy, ngay khi biết TP.HCM đang có ổ dịch liên quan đến điểm nhóm hội thánh truyền giáo Phục Hưng tôi đã không khỏi lo lắng, hoang mang. Do tính chất công việc chồng phải ra ngoài nhiều, nên mỗi ngày như một, tôi và chồng luôn dặn nhau phải thật kỹ càng, đi đâu cũng khẩu trang, sát khuẩn tay sạch sẽ, chồng thì cứ hết việc lại chạy ào về nhà với vợ con. Những tưởng chỉ cần đề phòng là ổn, ấy vậy mà, cũng có ngày gia đình nhận được tin “sét đánh”- dương tính với COVID-19.
Tôi vẫn nhớ như in cái ngày hôm đó, một người từng tiếp xúc với chồng thông báo rằng anh ta đã dương tính COVID-19. Trước đó, cả công ty chẳng một ai biết người này sinh hoạt trong điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng nên có tiếp xúc, trao đổi công việc. Trưa ngày 28/5/2021, chồng tôi có triệu chứng sốt, ngay lập tức anh gọi đến HCDC và được hướng dẫn đến bệnh viện khai báo và xét nghiệm. Kết quả, chồng tôi dương tính với COVID-19. Bố mẹ, bé Tỏi và tôi cũng lần lượt được nhân viên y tế tiến hành xét nghiệm.
Tôi vẫn cứ nuôi cái hy vọng nhỏ nhoi rằng mọi thứ không sao, mãi cho đến khi nhận được kết quả xét nghiệm, tôi và bé Tỏi đều dương tính. Tôi bàng hoàng, đầu óc trống rỗng. Vì điều này có nghĩa bé Tỏi 4 tháng tuổi sẽ trở thành “F0” nhỏ nhất viện, con sẽ được đưa đến bệnh viện để được điều trị như những “người lớn” khác, con phải truyền thuốc, vui chơi trên giường bệnh, thay vì sân nhà như bao bạn bè đồng trang lứa... Và dù muốn dù không, tôi buộc mình phải thật bình tĩnh để chuẩn bị các vật dụng cần thiết cho con và từ đó hành trình điều trị COVID-19 của hai mẹ con tôi đã bắt đầu!
Hai mẹ con tôi được chuyển đến phòng áp lực âm tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố lúc 22h đêm. Đêm đầu tiên ở khu điều trị, bé Tỏi ngoan, ngủ ngon lành, nhưng đối với tôi, đó là một đêm không ngủ. Một phần vì lạ chỗ, một phần vì lo lắng cho sức khỏe của con, của các thành viên khác trong gia đình và hoang mang không biết mình sẽ thích nghi với cuộc sống tại khu điều trị ra sao. Có vẻ thấy tôi hoang mang quá độ, đội ngũ y tế ở đây đã giải thích cặn kẽ, an ủi, động viên rằng trẻ ít gặp biến chứng do COVID-19 hơn so với người lớn. Nhưng tôi vẫn không tránh khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Thậm chí, có lúc, tôi còn nghĩ rằng, biết đâu con mình là ngoại lệ, lỡ có điềm gì xấu xảy ra với con thì sao…
Ngày thứ 2 ở viện, đúng nghĩa là bắt đầu một cuộc chiến! Vì Tỏi bắt đầu quấy khóc, bám mẹ hơn, nhưng bác sĩ bảo phải hạn chế ôm ấp để tránh lây nhiễm. Nhìn Tỏi khóc, tôi thương nhưng chẳng dám dỗ dành. Cũng kể từ ngày hôm đó, công việc của Tỏi 4 tháng tuổi là ngoan ngoãn cho các bác sĩ lấy dịch mũi họng. Riêng tôi phải tự xoay sở biết bao việc không tên như chăm con, đo các chỉ số cho con, dọn vệ sinh, giặt giũ... Nhưng tất cả những vất vả ấy vẫn chưa là gì so với nỗi lo khi nhận được tin chồng vì lo lắng dẫn đến chán ăn, kiệt sức, bị viêm phổi biến chứng của Covid và đang phải nằm phòng hồi sức hay những lúc tim đau thắt khi chứng kiến cảnh bé Tỏi bị lấy máu làm xét nghiệm. Cũng vì bệnh mà sữa mẹ của tôi cũng giảm dần. Thế nhưng chưa bao giờ tôi bỏ cuộc, lo lắng mấy, tôi cũng ráng lạc quan, cơm khó nuốt mấy, tôi cũng cố ăn để có thể có càng nhiều sữa mẹ cho con càng tốt.
Nhưng rồi. Không ai ngờ. Sang ngày thứ 3, tôi nhận được tin ông bà ngoại bé Tỏi cũng dương tính với COVID-19. Ông bà đã lớn tuổi, bản thân lại có bệnh nền. Tôi vốn khỏe mạnh, vậy mà khi bệnh, người đau như vỡ, nặng đầu, mất cả khứu giác và vị giác, ăn cơm như ăn cỏ, hai tay thì khô rát vì phải sử dụng quá nhiều cồn… Nghĩ đến bố mẹ già phải chống chọi với con virus “lắt léo” nên có lúc tôi bế tắc lắm! Suy nghĩ tiêu cực, khiến tôi càng mệt hơn. Rồi bỗng dưng tôi lại sợ, nếu một ngày bản thân không trụ được, thì ai sẽ là người chăm sóc con đây?
Từ ngày thứ 5 trở đi, cũng là đỉnh điểm của quá trình nhiễm, các triệu chứng của tôi bắt đầu tiến triển nặng và phức tạp hơn. Các bác sĩ chẩn đoán tôi bị tăng đông máu và rối loạn cục máu đông, nên dự định chuyển tôi sang Bệnh viện Nhiệt Đới để điều trị và nhờ người khác chăm sóc Tỏi. Nhưng ngặt nỗi, các thành viên khác trong gia đình cũng đang được điều trị. Biết hoàn cảnh khó khăn, các bác sĩ cũng cảm thông, cùng nhau hội chẩn, chọn phương án tiếp tục giữ tôi ở lại và phối hợp với Bệnh viện Nhiệt Đới để điều trị. Để chữa bệnh, tôi buộc phải truyền kháng sinh nhiều hơn, khiến cơ thể lúc nào cũng cảm thấy choáng và buồn nôn, tay thì chi chít những vết bầm tím do kim ven.
Cơ thể mệt mỏi, khiến tinh thần tôi cũng xuống dốc. Nhưng may thay, các y bác sĩ ở viện tâm lý lắm… Chốc chốc lại ghé qua phòng thăm hỏi. Họ trùm kín mít, xa lạ, chẳng ai thấy mặt ai, có chăng chỉ phân biệt được là nam hay nữ qua giọng nói, cử chỉ mà thôi… Ấy vậy mà quan tâm hai mẹ con tôi như người trong nhà: “Chị đỡ hơn chưa?”, “Hai mẹ con cố lên nhé, vì chủng SARS-CoV-2 này… lâu âm lắm!”. Nhờ đó mà tôi biết mình không lẻ loi, không cô đơn, biết mình phải cố gắng, vì tôi chính là chỗ dựa duy nhất của con vào lúc này!
Ở lâu trong viện, thay vì than thân trách phận, tôi quyết định nhìn vào những điều tích cực ở nơi đây. Càng về sau, viện càng có nhiều bệnh nhân hơn, thậm chí đã tăng hơn gấp 4 lần so với ngày hai mẹ con tôi vào. Dẫu vậy, trong khu điều trị tính ra chẳng thiếu thốn gì, thậm chí có lúc tôi còn có thể order cả phần vải mát lạnh. Về sức khỏe, hai mẹ con cứ hết âm lại dương, hệt như trò lô-tô, may rủi hết sức. Bác sĩ cũng động viên vì chủng virus này lắt léo, cứ âm rồi lại dương. Nên thôi cứ chờ khi nào báo được về thì mừng thôi… Những ngày này, tội nhất là bé Tỏi, con bị viêm da, cộng thêm thời tiết nóng bức khiến tình trạng da ngày một nghiêm trọng. Thấy thương, các bác sĩ cũng tạo điều kiện cho hai mẹ con đổi sang phòng khác cho thoáng mát hơn. Nhờ vậy, da Tỏi cũng cải thiện ít nhiều…
Cứ thế, nhờ vào tinh thần lạc quan, cùng với sự quan tâm, săn sóc, trình độ chuyên môn cao của y bác sĩ, hai mẹ con tôi đã dần dà khỏe mạnh. Đến ngày thứ 33 thì được bác sĩ thông báo tin vui, cuối cùng hai mẹ con cũng đã âm tính, được trở về nhà và sẽ tiếp tục cách ly y tế tại nhà thêm 14 ngày nữa.
Nhìn lại quãng đường không ngắn nhưng cũng chẳng dài, tôi cảm thấy thật nhẹ nhõm. Cảm thấy bản thân thật may mắn khi nhận được quá nhiều sự quan tâm, chăm sóc, động viên tận tình của các nhân viên y tế, bạn bè xung quanh. Tất cả tình thương ấy đã giúp tôi vững tâm hơn, từng bước thích nghi, đối mặt với bệnh bằng một tâm lý rất thoải mái, tích cực, vui vẻ. Có trải qua khó khăn, tôi mới nhận ra mình mạnh mẽ và giỏi chuyện chăm con đến nhường nào. Tỏi là bé đầu lòng, nên người mẹ như tôi phải học rất nhiều thứ. Ấy vậy mà khi ở viện, một mình phải xoay sở mọi thứ, không có sự trợ giúp từ người khác, tôi đã giỏi hơn rất nhiều… Khoảng thời gian điều trị COVID-19, cũng khiến tôi thấy thương và nể phục đội ngũ y bác sĩ. Những người đã phải rời xa gia đình, chịu nóng trong trang phục chống dịch kín bưng, không quản ngày đêm chăm sóc cho bệnh nhân. Họ trách nhiệm, tận tuỵ, có lý gì mình không thương và nể họ, đúng không?
Và tôi nghĩ, cuộc chiến với COVID-19 sẽ còn dài. Những người mẹ có con nhỏ như tôi, cần cẩn trọng, không nên lơ là các biện pháp phòng chống dịch. Thay vì sợ hãi, hoang mang tôi mong mọi người hãy lạc quan, tự học cách trang bị, bảo vệ sức khỏe để sống chung với dịch COVID-19. Đặc biệt, hãy có niềm tin đối với đội ngũ y bác sĩ, có như vậy chúng ta mới nhanh chóng chiến thắng COVID-19 và sớm trở lại cuộc sống bình thường...
Chủ đề liên quan: