12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Kỳ 4: Bệnh nền khi bị COVID-19 - Làm gì để vượt qua?

Đây là lời kể của anh L.N.Trường - Một người trẻ, có bệnh nền và từng mắc COVID-19.


Khi được thông báo trong công ty có F1, tôi đã chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất. Vì hơn ai hết, tôi hiểu rằng, chỉ cần bạn F1 đó có kết quả dương tính thì nguy cơ nhiễm của tôi là rất cao, vì tôi có tiếp xúc gần trong quá trình làm việc. Lúc này tôi thấy mình cũng bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, sốt, tiêu chảy, nên rất cẩn thận và hạn chế tiếp xúc tối đa với mọi người ở chung cư. Đến khi được thông báo bản thân là F1 tôi đã chạy ra phường để xin cách ly. Ngày vào cách ly, tôi đã sốt, cơ thể mệt mỏi nên được chuyển thẳng đến Bệnh viện Nhiệt Đới, và lúc này tôi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Bản thân hơi thừa cân và có dấu hiệu của tiểu đường type 2 nên tôi khá lo lắng. Nhưng biết rằng sợ hãi không giúp mình kháng bệnh. Tôi cố gắng nghĩ thật đơn giản và lạc quan rằng: Có bệnh thì chữa…

Vào Bệnh viện Nhiệt Đới là lúc tôi nhận ra, COVID-19 rất đáng sợ và khác xa với bệnh cảm cúm mà trước đây tôi từng bị. Ba ngày đầu, tôi có biểu hiện sốt nhẹ, người mệt mỏi và tiêu chảy. Đến ngày thứ 4, tôi bắt đầu bị mất vị giác, sốt nặng hơn, nhức đầu nhiều hơn. Mất vị giác khiến tôi ăn uống không ngon, như cực hình, nhưng vẫn cố gắng nuốt cho đủ bữa.

Ngày thứ 6, tôi bắt đầu thấy khó thở, đo SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu) phát hiện chỉ có 94%-95% nên phải thở ống để phổi không thiếu oxy, truyền kháng sinh, bác sĩ cũng chích nhiều thuốc ở tay và bụng. Có lúc nồng độ SpO2 hạ thấp xuống cả 89%, bác sĩ chỉ định tôi phải thực hiện nằm sấp ít nhất 2 tiếng/ngày, tự theo dõi SpO2 của mình nếu thấp bất thường thì bấm chuông báo bác sĩ ngay. Dù vậy, tôi vẫn rất lạc quan. Tư thế nằm sấp có phần hơi khó chịu, nhưng tôi vẫn cố nằm sấp 4-5 tiếng/ngày để mình mau khỏe. Thậm chí, khi điều trị tôi còn làm việc bằng điện thoại và máy tính. Cũng may lúc ấy công việc khá trơn tru, không áp lực nên tôi vừa làm, vừa tập nằm sấp, vận động nhẹ cho tay chân thoải mái.

Cùng phòng điều trị với tôi có một bệnh nhân người nước ngoài, khá lớn tuổi, lại mắc bệnh tai biến, không tự đi đâu được. Có lần ông ấy cố với tay lấy đồ trên bàn nên đã ngã từ giường xuống đất. Tôi cố la lớn “Bác sĩ ơi! Cứu!” nhưng chẳng ai ở gần để nghe thấy. Lúc đó tôi đang thở ống, vì quá lo nên tôi đã bứt dây chạy lại đỡ ông ấy dậy. Nhưng ngặt nỗi thể trạng của tôi lúc đó quá yếu, ông ấy lại quá to nên tôi không đỡ nổi. Rồi tôi cảm thấy khó thở, cố gắng quay trở lại giường để gắn ống thở và đo SpO2 thì thấy chỉ còn 86-87%.

Khó thở làm tôi càng mệt mỏi, nằm bên ống thở, nhìn tay được vô kháng sinh, ngực thì đau như đá đè. Tôi không ngờ cũng có lúc một người trẻ như tôi lại phải phụ thuộc vào máy thở để bản thân không thiếu oxy. Cảm giác lúc ấy rất khủng khiếp, thậm chí tôi đã từng nghĩ “Có khi nào tôi… không qua khỏi hay không?”. Dù vậy, lúc nào tôi cũng có một niềm tin về việc mình sẽ được trị khỏi, niềm tin về mình đang ở trong bệnh viện điều trị COVID-19 tốt nhất Việt Nam.

Đến ngày thứ 8, tôi cảm thấy mình thở khỏe hơn, đo thử SpO2 thì được 96%, vị giác của tôi trở lại, sau đó tôi được chuyển đến một phòng mới để nhường ống thở cho bệnh nhân khác. Ngày thứ 14, sức khỏe tôi ổn định hơn rất nhiều nên được chuyển đến Bệnh viện Dã Chiến Củ Chi. Ở đây không gian rộng rãi, thoải mái, không khí trong lành, hàng ngày tôi dành thời gian đi bộ hơn 1 tiếng để ra mồ hôi. Tôi xem Euro, nói chuyện với anh em để tinh thần phấn chấn và đỡ buồn hơn. Ở Củ Chi được 14 ngày thì tôi được cho về nhà, tự cách ly và theo dõi sức khỏe.

Trải qua một tháng “đánh vật” cùng COVID-19, tôi nhận thấy rằng, bên cạnh chế độ ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ, thì tâm lý đóng vai trò rất quan trọng. Một khi tâm lý tốt thì sức khỏe cũng tốt lên vài phần. Vì thế, hãy lạc quan nhất có thể, tin tưởng vào đội ngũ y bác sĩ và cố gắng đừng dính điện thoại nhiều quá. Vì thông tin tiêu cực có thể khiến tâm trạng của bạn tệ hơn. Nếu được cách ly ở Củ Chi hay Cần Giờ thì đây thực sự là một trải nghiệm quân đội rất đáng nhớ. Hãy cố tập thể dục nhiều hơn, lấy điện thoại chụp cái cây, ngọn cỏ, sâu róm hoặc ốc sên chắc hẳn sẽ giúp bạn đỡ buồn hơn rất nhiều…

Tôi nghĩ COVID-19 có thể ảnh hưởng một chút đến sức khỏe của tôi sau này. Tuy nhiên, COVID-19 cũng giúp tôi hiểu hơn về công việc hàng ngày, thêm cảm phục tinh thần và trách nhiệm trong công việc của đội ngũ y bác sĩ. Nếu có cơ hội, một ngày nào đó tôi sẽ quay lại và cảm ơn họ. COVID-19 còn giúp tôi nhận ra mình không cô đơn. Vì xung quanh luôn có rất nhiều người lo cho tôi, từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đến các bạn chung phòng và các y bác sĩ nữa… Hàng xóm ở chung cư cũng không ai xa lánh, ngược lại họ còn lo lắng và hỏi thăm kinh nghiệm điều trị của tôi.

Hiện tại, số ca nhiễm đang ngày một tăng, nhiều cơ sở cách ly quá tải khiến việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân trở nên thiếu thốn và khó khăn hơn. Tuy nhiên, nếu chẳng may là F0 các bạn cần cố gắng lạc quan, tin tưởng vào đội ngũ y bác sĩ của chúng ta. Với những bạn có bệnh nền, hãy cố gắng giữ mình hơn, nếu có triệu chứng bất thường phải báo ngay với đội ngũ y tế. Ngoài ra, tôi khuyên mọi người nên ăn uống, bổ sung đề kháng cho mình thời điểm này và thực hiện tốt 5K. Tôi mong cho đại dịch chóng qua đi, mọi người ai cũng bình an và sớm được về nhà...

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/ky-4-benh-nen-khi-bi-covid-19--lam-gi-de-vuot-qua-31632/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY