Gia đình bà P.T.T tặng hoa cảm ơn các y, bác sĩ đã điều trị khỏi cho 4 người trong gia đình. Ảnh: N.Mai
Ngày hôm qua (26/2), bệnh nhân thứ 16 và cũng là bệnh nhân cuối cùng dương tính với COVID-19 đến thời điểm hiện tại đã được điều trị khỏi. Như vậy, 16/16 ca mắc COVID-19 của Việt Nam đã khỏi bệnh. Nước ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Trong khi đó, các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam đã làm rất tốt, thậm chí, tốt hơn rất nhiều các quốc gia khác.
Để có được thành quả như vậy, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đầu tiên chúng ta phải kể đến là việc chủ động thực hiện các công việc phòng, chống dịch cần thiết từ rất sớm, ngay từ giữa tháng 12 Âm lịch. "Năm nay, không chỉ riêng tôi mà rất nhiều anh chị em trong ngành Y không có Tết Nguyên đán. Thậm chí đến vài tuần sau Tết, cá nhân tôi không nhớ ngày dương lịch, chỉ nhớ những mốc âm lịch...", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Từng chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội về khoảng thời gian "cắm chốt" ở bệnh viện để điều trị cho những bệnh nhân mắc COVID-19, BS Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết, anh đã có quãng thời gian xa nhà lâu nhất từ trước đến nay.
Ngay khi phát hiện ca dương tính đầu tiên được chuyển đến bệnh viện, BS Mạnh Hùng đã gọi điện về cho vợ nhờ chuẩn bị quần áo và những vật dụng cần thiết để anh ở lại bệnh viện cùng các đồng nghiệp chống dịch. Khi nghe thông báo, vợ anh không ngạc nhiên, không than vãn gì, chỉ lẳng lặng đi xếp đồ vào vali. Anh bảo: "Chắc cô ấy quen rồi".
Chuyện đi chống dịch (tả, sốt xuất huyết, cúm…) 5-7 ngày vẫn thường xuyên diễn ra, nhưng đây là lần đầu tiên BS Mạnh Hùng xa nhà lâu nhất. Điều đó đồng nghĩa với việc chừng ấy thời gian anh không được ăn món vợ nấu, không được ôm con, không được cùng con học bài. Nghĩa là không còn làm "người đàn ông có vợ con, gia đình". Khi ấy, anh hoàn toàn là người của công việc.
Cũng như BS Mạnh Hùng, điều dưỡng Trịnh Xuân Đồng (công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên - được tăng cường xuống Phòng khám Đa khoa Quang Hà từ ngày 4/2) cho biết, đã hơn 20 ngày qua, anh chưa được về thăm gia đình, thăm vợ con. Điều dưỡng Đồng là người chịu trách nhiệm chăm sóc cho các bệnh nhân nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 được cách ly tại Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc).
Ngày 24/2 vừa qua là dịp kỷ niệm 10 năm ngày cưới của vợ chồng BS Mạnh Hùng nhưng anh cũng không về được. Người bác sĩ ấy đành gác lại hạnh phúc riêng để tập trung làm tốt công việc của mình. Niềm mong mỏi lớn nhất của anh là tất cả các bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại đây đều được chữa khỏi và thực tế, điều đó đã trở thành hiện thực.
Cuối giờ sáng 25/2, cách ngày Thầy Thuốc Việt Nam đúng 2 ngày, tại Hội trường Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng, chống COVID-19 được tổ chức tại Hà Nội và hơn 700 điểm cầu trên cả nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đứng trên bục, ông không phát biểu chỉ đạo ngay mà có đôi lời "tâm sự" cùng mọi người.
Phó Thủ tướng chia sẻ, đáng lẽ ra, vào những ngày này, ngành Y tế sẽ tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống của ngành và sẽ có rất nhiều đơn vị gửi hoa chúc mừng; rất nhiều bằng khen, thậm chí là huân, huy chương cho những tập thể, cá nhân có thành tích cao trong công tác. Tuy nhiên, năm nay, do điều kiện đặc thù chống dịch bệnh COVID-19 nên chúng ta tổ chức hội nghị triển khai công tác y tế, công tác phòng, chống dịch kết hợp với hoạt động kỷ niệm Ngày Thầy Thuốc Việt Nam. Vì vậy, dù không có hoa chúc mừng, chúng ta vẫn phải nhớ ơn các thầy Thuốc.
"Nếu được cho phép, tôi xin mời các đồng chí tại hội trường đứng dậy 1 phút. Nhân ngày 27/2, chúng ta cùng nhau tri ân các thế hệ thầy Thuốc đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong đó có cả các y, bác sĩ đã hy sinh trong đại dịch SARS năm 2003, để lại cho chúng ta nhiều tấm gương và rất nhiều bài học quý báu ngày hôm nay", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Theo Phó Thủ tướng, những người thầy Thuốc giờ phút này vẫn đang ngày đêm vượt qua rất nhiều khó khăn gian khổ, hết lòng vì người bệnh. Rất nhiều người đang giành giật sự sống từ tay tử thần về cho các bệnh nhân. Nhiều cán bộ y tế thôn bản không chỉ khám chữa bệnh, mang Thuốc đến cho người dân mà còn mang tri thức, mang tinh thần "thầy Thuốc như mẹ hiền" đến mọi ngõ ngách của đời sống. "Thay vì có nhiều hoa, tôi xin đề nghị chúng ta có một tràng pháo tay thật dài để tri ân các thầy Thuốc", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Thời điểm khi phát hiện cả gia đình mắc COVID-19, bà P.T.T (trú tại xã Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) vô cùng lo lắng mà theo như bà miêu tả: "Người tôi như cọng rau luộc". Tuy nhiên, trải qua quá trình cách ly, chăm sóc, điều trị, đến thời điểm hiện tại, cả 4 thành viên trong gia đình bà đều đã khỏi bệnh, sắp được đoàn tụ.
Chia sẻ niềm hạnh phúc ấy trong ngày công bố khỏi bệnh của chồng, bà T nghẹn ngào: "Tất cả là nhờ sự động viên, hết mực quan tâm, điều trị của các y bác sĩ từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã nên gia đình tôi mới có được như ngày hôm nay". Bằng tất cả tình cảm chân thành, lòng biết ơn sâu sắc nhất, gia đình bà đã dành tặng bó hoa tươi thắm đến những người thầy Thuốc đã ngày đêm không quản ngại khó khăn, gian khổ chăm sóc, điều trị khỏi bệnh cho gia đình bà cũng như những bệnh nhân khác trên cả nước.
Trước đó, anh Li ZiChao - một trong hai người Trung Quốc mắc COVID-19 được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM chữa khỏi bệnh cũng đã gửi một bức tâm thư cảm ơn lãnh đạo Bệnh viện. Trong thư, anh Li ZiChao viết: "Chúng tôi đã rời bệnh viện được 3 ngày, nhưng tâm trí chúng tôi dường như vẫn còn nằm lại đó. Chúng tôi không thể quên được ấn tượng sâu sắc và tươi đẹp mà Bệnh viện Chợ Rẫy đã để lại. Sự chuyên nghiệp và ân cần của bác sĩ trong khám chữa bệnh đã dành cho chúng tôi, chúng tôi ghi nhớ từ tận đáy lòng, đặc biệt là vị bác sĩ đã cho cha tôi uống Thuốc thêm 10 ngày khi ông ấy không còn nằm viện. Hành động quan tâm và chăm sóc tử tế ấy khiến chúng tôi rất cảm động. Chúng tôi cảm ơn rất nhiều cho những bữa ăn ngon và cây trái cho gia đình tôi suốt thời gian nằm viện…".
Trong buổi xuất viện của mình trước đó, ông Li Ding (bố Li ZiChao) cũng đã xúc động nói lời cảm ơn các y bác sĩ, Bộ Y tế, Chính phủ Việt Nam: "Tôi không thể quên được ơn nghĩa của Việt Nam. Tôi rất vui mừng, cảm động. Lời đầu tiên tôi muốn nói là: Cảm ơn Việt Nam".
Trước những tình cảm mà người bệnh dành cho mình, dành cho tập thể các cán bộ, y bác sĩ của bệnh viện, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM) bày tỏ: "Trong 30 năm làm việc, không nhớ rõ có bao nhiêu bệnh nhân đã hồi phục, vượt qua lưỡi hái tử thần trở về với gia đình. Niềm hân hoan của họ khi xuất viện là niềm hạnh phúc, là một đóa hoa tô điểm cho cuộc sống của nhân viên y tế nói chung và của tôi nói riêng. Bất kể bệnh nhân là ai, người Việt hay người ngoại quốc, đối với chúng tôi, một lời cảm ơn cũng được coi như là phần thưởng quý giá cho thành quả đã đạt được".
Nhân ngày Thầy Thuốc Việt Nam 27/2, bà P.T.T (trú tại xã Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) thay mặt gia đình gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến các thầy Thuốc tại Phòng khám Đa khoa Quang Hà; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng như toàn thể các thầy Thuốc trên cả nước. Bà T mong rằng, các y, bác sĩ luôn mạnh khỏe để tiếp tục cứu chữa, giúp đỡ người bệnh và thực hiện sứ mệnh cao cả chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Chủ đề liên quan:
bệnh nhiệt đới bệnh viện chợ rẫy cảm ơn kỷ niệm lời cảm ơn ngày thầy thuốc ngày thầy thuốc việt nam nhân viên y tế quý giá thầy thuốc thầy thuốc việt nam thuốc việt thuốc việt nam thưởng việt nam y tế