Tình yêu và giới tính hôm nay

Lạc lối tuổi xế chiều

Có phải công thức chung cho những ông chồng già bỗng nhiên hư hỏng là “trẻ không hư già đổ đốn”

Ảnh minh họa

Không chơi phí đời

Tâm sự của một người vợ, chị Thanh Mai (Ninh Bình) từng có chồng rất hiền lành, chăm chỉ nhưng sau 25 năm chung sống lại biến thành một con người mất hết nhân cách.

Cứ mỗi chiều, khi mọi nhà quây quần bên mâm cơm sau một ngày làm việc mệt nhọc, tôi lại phải lặn lội đi tìm chồng hết nhà này đến nhà khác.

Chồng tôi là một nhân viên văn phòng bình thường. Được sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khá đặc biệt: anh là trẻ không cha. Sự thiếu thốn bàn tay chăm sóc của người cha trong gia đình khiến anh lầm lì ít nói, ngại tiếp xúc với mọi người, nhưng anh lại rất hiền lành. Lúc nào anh cũng chỉ biết hùng hục làm và làm. Anh cũng không bao giờ gây gổ va chạm với ai bởi anh sợ người ta sẽ chửi anh là đồ con hoang.

Tôi là hàng xóm gần nhà anh. Tôi thương cái tính lầm lì, ít nói của anh, thương cái nết chăm chỉ hiền lành. Mặc dù cha mẹ phản đối nhưng tôi vẫn cương quyết lấy anh cho bằng được vì tôi tin mình không chọn nhầm người. Sau khi cưới nhau, chúng tôi có với nhau hai cậu con trai. Cuộc sống vợ chồng 25 năm cứ êm ả trôi. Con trai lớn của chúng tôi đã lấy vợ có nhà cửa cơ ngơi đàng hoàng, còn cậu con út cũng đang là sinh viên năm thứ ba trường Đại học Ngoại thương.

Những tưởng từ nay chỉ có hai vợ chồng già lo lắng cho nhau an dưỡng tuổi xế chiều. Nhưng cũng kể từ khi thằng út tôi vào đại học, chồng tôi như biến thành người khác. Ngoài giờ đi làm về là anh tụ tập bạn bè không nhậu nhẹt thì cờ bạc thâu đêm suốt sáng. Nếu không cờ bạc thì anh lại rủ bạn đi hát hò rồi gái gú…

Nhận thấy sự biến đổi nơi anh, nhiều lần tôi đã khuyên nhủ một cách rất chân tình: “Hai vợ chồng mình già rồi phải làm gương cho các con, các cháu nhìn vào. Nói gì thì nói cũng làm ông làm bà cả rồi, anh như thế con dâu nó không nể phục”.

Đáp lại những lời “rút ruột rút gan” của tôi là bộ mặt tỉnh bơ không hề hối lỗi của anh. Thậm chí có lần anh còn nạt lại: “Làm gương làm kiếng gì, giờ tôi già rồi, không cần cô phải dạy. Tôi đã nuôi chúng trưởng thành, đã làm xong nghĩa vụ. Giờ tôi còn cuộc đời phải sống chứ không phải để làm gương”.

Nói rồi anh lại khoác áo, gọi điện cho bạn bè tụ tập đánh bài. Có lần ức quá tôi chạy theo kéo anh lại thì nhận luôn một cái tát nổ đom đóm mắt, ngã giúi đầu vào cánh cửa. Thấy tôi nằm ôm đầu đau đớn nhưng anh cũng không động lòng, vẫn dắt xe, nổ máy đi.

Nhiều lần không chịu được, tôi đã phải gọi các con về họp gia đình để chúng khuyên nhủ bố, nhưng anh vẫn ngang ngược không chịu thay đổi.

Tuần trước, thằng con lớn của tôi mới nói có vài câu tỏ ý khuyên bố đừng cờ bạc, lô đề, trai gái nữa thế là bị anh đạp thẳng kèm theo câu chửi: “Mày là con tao chứ không phải ông nội tao. Tao đẻ mày chứ mày không đẻ tao nên đừng có mà lên mặt dạy đời”.

Cứ thế, không khí gia đình tôi ngày càng ngột ngạt. Càng ngày anh càng tệ hơn, ngoài giờ làm việc là anh đi biền biệt hai, ba ngày không thèm về nhà. Nhiều lần tôi định làm đơn ly dị anh cho nhẹ người những ngẫm lại các con đã lớn, con dâu đã có, làm ông làm bà hết rồi chẳng nhẽ lại ra tòa bỏ nhau người ta cười vào mặt, nên tôi đành ngậm ngùi chịu đựng “sống chung với lũ”.

Vì sao tôi đổ đốn?!

Đây lại là tâm sự rất chân thành của anh Hoàng Hùng (Tp.HCM), từ một người chồng hết lòng vì gia đình, vì công việc nhưng lại bị vợ đẩy vào con đường bồ bịch:

Ở cái tuổi ngoài 50, có thể nói tôi thành đạt khi đang nắm giữ cương vị tổng giám đốc của một công ty xuất nhập khẩu lớn. Tôi cũng có một gia đình tạm gọi là hạnh phúc với vợ đẹp, con cái đủ cả trai lẫn gái học hành giỏi giang và ngoan ngoãn… Nhưng rồi một ngày tôi đã mất cả gia đình và danh dự.

Tôi quen và lấy vợ tôi cách đây 20 năm. Thời đó, tôi khá nhút nhát, còn cô ấy lại rất mạnh mẽ, cá tính. Có lẽ vì thế mà cô ấy đã cuốn hút tôi giống như quy luật bù trừ của tạo hóa. Chúng tôi quyết định kết hôn dù trong tay hai đứa lúc đó chẳng có gì ngoài hai tấm bằng đại học.

Tôi xin vào làm nhân viên tại một công ty xuất nhập khẩu với đồng lương lúc bấy giờ là 200 nghìn/ tháng. Còn vợ tôi thì là công nhân may mặc lương cũng chẳng khá hơn là mấy. Cuộc sống vất vả nhưng chúng tôi vẫn luôn yêu thương nhau.

Vì thương vợ, thương con nghèo khổ. Tôi làm ngày, làm đêm, cố gắng không biết mệt mỏi để gia đình có ngày khấm khá. Sự nỗ lực của tôi đã được đền đáp xứng đáng. Trong vòng 15 năm, từ một nhân viên, tôi leo lên trưởng phòng, đến giám đốc, rồi tổng giám đốc. Tiền bạc tôi mang về nhà ngày càng nhiều, vợ con tôi được sống sung túc. Nhưng kèm theo đó là những ngày tháng tôi phải đau đầu, mệt mỏi.

Vì công việc, tôi phải thường xuyên đi nhậu nhẹt tiếp khách. Người ngoài nhìn vào có thể thấy tôi ham mê đàn đúm rượu chè, nhưng họ có biết đâu tôi đã chán ngấy việc tiệc tùng chè chén. Tôi phải thường xuyên nén mệt mỏi mà giao đãi đối tác mới mong công ty ăn nên làm ra. Người ngoài nghĩ thế đã đành, còn đằng này vợ tôi cũng thế.

Mỗi lần thấy tôi trở về nhà trong tình trạng mệt mỏi, chếnh choáng hơi men cô ấy lại xầm xì nét mặt và buông ra những lời lẽ khó chịu. Cô ấy lục lọi tìm điện thoại di động của tôi để kiểm tra tin nhắn. Tôi đã quá quen những hành động thô lỗ, xâm phạm quyền riêng tư đó của vợ, bởi từ ngày tôi lên chức cô ấy luôn sợ mất chồng bởi cô chân dài nào đó.

Nhưng vợ tôi không hiểu, tôi làm gì có thời gian để nghĩ đến những chuyện đó và cũng chẳng ao ước có được điều đó. Cái tôi ao ước là sẽ nghe được những câu cảm thông hỏi han của vợ: “Anh mệt không, em lấy cho anh ly nước nhé” chỉ thế thôi mà sao với tôi khó quá.

Những biến động kinh tế gần đây, công ty tôi cũng không nằm ngoài quy luật. Hợp đồng bị trả về, nợ nần chồng chất… Tôi loay hoay tìm cách chống chọi để vực công ty qua cơn giông bão. Tôi về nhà muộn hơn, thậm chí còn ngủ qua đêm ở công ty. Những lần như thế vợ tôi lại lồng lộn ghen tuông. Cô ấy cứ như điên loạn chửi bới tôi là kẻ nói dối, rằng tôi bồ bịch bên ngoài nên không về nhà. Nhiều lần cô ấy còn xông thẳng tới công ty để kiểm tra làm tôi mất mặt.

Cứ thế, tôi ngày càng sợ về nhà, sợ gặp vợ. Đúng lúc đó tôi gặp một người con gái. Cô ấy đã nhìn thấy sự mệt mỏi, nỗi cô đơn trong tôi và tôi đã yêu cô ấy lúc nào không hay. Phải lừa dối vợ, bản thân tôi rất dằn vặt tự trách mình đã không giữ trọn tình nghĩa vợ chồng với cô ấy.

Rồi chuyện vỡ lỡ, tôi trở thành tội đồ, thành kẻ khốn nạn, bạc tình trong mắt vợ, thành người cha vô trách nhiệm với con. Thành một ông giám đốc thiếu nhân cách “già rồi còn thích chơi trống bỏi”.

Góc chuyên gia

Điều gì làm một người đàn ông thay đổi?

Theo Chuyên gia tư vấn tâm lý Hà Thanh Phương (Công ty tư vấn An Việt Sơn, Hà Nội) thì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một người đàn ông thay đổi:

Có thể do bản tính của người đó thích khám phá những điều mới mẻ, cũng có thể do cuộc sống vợ chồng sau nhiều năm chung sống trở nên nhàm chán, khiến người trong cuộc muốn tìm niềm vui khác để khỏa lấp.

Niềm vui mới ở đây không phải chỉ có chuyện ngoại tình, nó có thể là cờ bạc, rượu chè, những điều này ảnh hưởng không nhỏ tới hạnh phúc gia đình và khiến nhiều gia đình tan vỡ.

Thông thường thì nam giới thường hay sa ngã và thích sa ngã hơn nữ giới, nhưng cũng có rất nhiều trường hợp nữ giới lại là người đổ đốn khi bước vào tuổi già.

Tùy theo từng trường hợp để tìm cách ứng xử cho đúng, bởi mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh rất khó để có thể áp dụng một mẫu số chung cho mọi gia đình.

Khôi Nguyên (thực hiện)

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/lac-loi-tuoi-xe-chieu-17661/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY