12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Làm gì khi sụn khớp bị lão hóa?

(SKGĐ) Thoái hoá sụn khớp là một trong các bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi, gây đau, ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động và đời sống sinh hoạt hằng ngày của người bệnh, có thể để lại di chứng trên khớp gây tàn phế.

 

Thoái hóa sụn khớp là gì?

Thoái hóa khớp chính là quá trình lão hóa của tổ chức sụn khớp, xương dưới sụn, màng hoạt dịch và  phần mềm quanh khớp, đay là một quá trình tất yếu của người cao tuổi và những người trẻ tuổi ít vận động hoặc vận động quá sức tạo áp lực lớn lên khớp. Việc điều trị không thể làm dứt điểm được quá trình thoái hóa khớp mà chỉ có thể làm quá trình này chậm lại, giảm đau và duy trì chức năng vận động của khớp.

Sụn khớp không có mạch máu hoặc dây thần kinh, chúng được nuôi dưỡng nhờ sự thẩm thấu nhờ tổ chức xương dưới sụn, màng hoạt dịch và dịch khớp. Do vậy, sụn rất dễ bị thoái hóa âm thầm theo năm tháng mà gần như không có dấu hiệu báo trước. Thống kê cho thấy có khoảng trên 50% số người trên 65 tuổi có hình ảnh X-quang thoái hóa sụn - khớp và lứa tuổi trên 75 thì hầu hết có ít nhất một khớp bị thoái hóa.

Thoái hóa sụn khớp do đâu?         

Trao đổi về nguyên nhân thoái hóa sụn khớp, BS CK.II, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Lực, (Nguyên giám đốc Trung tâm Xương Khớp - Chấn thương chỉnh hình; Trưởng khoa Xương khớp, Bệnh viện E) cho biết: Thoái hóa khớp là tổn thương của toàn bộ khớp (sụn khớp, xương dưới sụn, màng hoạt dịch ) và có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng có 2 nguyên nhân chính:

- Nguyên nhân nguyên phát hay gặp ở những người tuổi cao. Tuổi càng cao thì hiện tượng lão hóa các cơ quan càng mạnh, trong đó có khớp xương. Có nhiều yếu tố thuận lợi gặp ở người cao tuổi bị thoái hóa xương như: tình trạng béo phì, yếu tố di truyền, yếu tố nội tiết và chuyển hóa ( mãn kinh, đái tháo đường)

- Nguyên nhân thứ phát có thể gặp ở nhiều lứa tuổi xảy ra do hủy hoại sụn trong viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp nhiễm khuẩn, bệnh gút, chảy máu trong khớp. Một số trường hợp do trong tiền sử có chấn thương mạnh tại khớp như: bị ngã, tai nạn lao động, tai nạn trong chơi thể thao... gây gãy xương, cal lệch, đứt dây chằng, các dị dạng bất thường trục khớp bẩm sinh khớp gối quay vào, khớp gối quay ra ngoài, các vi chấn thương do nghề nhiệp, trong một số bệnh: bệnh to đầu chi, bệnh da xám nâu hay alcapton niệu, bệnh nhiễm sắc tố sắt...  

Biểu hiện của thoái hóa sụn khớp

Trao đổi về các biểu hiện của thoái hóa sụn khớp bác sỹ Lực cũng cho biết: Vị trí thoái hóa khớp thường gặp ở các khớp chịu lực: khớp gối, cột sống cổ và cột sống thắt lưng. Ngoài ra còn gặp thoái hóa các khớp nhỏ ở khớp bàn ngón cái, các khớp ngón gần, các khớp ngón xa. Tỉ lệ thoái hóa khớp ngón tay ở phụ nữ cao hơn nam giới (đặc biệt là phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh). Trong bệnh thoái hóa khớp ngón tay thường xuất hiện các cục bướu nhỏ, cứng ở điểm cuối của các đốt ngón tay, làm cho ngón tay bị to ra và biến dạng, thỉnh thoảng có đau.

Với cột sống thắt lưng do chịu lực kéo dài bởi ngồi, đứng sai tư thế hoặc mang vác nặng đến khi tuổi càng cao rất dễ bị thoái hóa. Thoái hóa cột sống thắt lưng có thể gây chèn ép dây thần kinh tọa làm cho người bệnh có cảm giác đau buốt từ thắt lưng lan tới mặt ngoài đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, mắt cá ngoài và tận ở các ngón chân như có luồng điện chạy từ trên xuống có cảm giác tê, nhức...

Trong giai đoạn đầu của thoái hóa sụn khớp, người bệnh thường thấy đau tăng khi đi lại, làm việc nhiều, giảm đau khi được nghỉ ngơi. Vào buổi sáng khi mới ngủ dậy thường có dấu hiệu cứng khớp nhưng thường diễn ra trong khoảng 30 phút, sau đó sẽ giảm.

Với những người làm công việc văn phòng, đặc thù công việc như ngồi lâu, cúi nhiều, lái xe đường dài, tuổi trên 40 rất dễ bị thoái hóa đốt sống cổ. Biểu hiện của thoái hóa đốt sống cổ người bệnh thường thấy đau mỏi vai gáy, co cứng cơ cạnh cột sống làm hạn chế cử động cổ, có khi đau sâu trong cơ xương dạng nhức nhối lan từ cổ xuống cánh tay, cẳng tay, ngón tay về phía dây thần kinh bị ảnh hưởng. Có khi dấu hiệu chèn ép động mạch đốt sống  làm cho người bệnh thấy đau đầu, chóng mặt...

Với người lớn tuổi thì khớp gối là loại dễ bị thoái hóa do quá trình chịu lực quá tải kéo dài, nhất là với những người lao động nặng, mang vác nặng, phải đứng lâu... người bệnh thường có dấu hiệu lục khục khớp khi vận động và khớp gối cũng thường hay sưng, biến dạng, tràn dịch... dẫn đến lệch trục, biến dạng, dính khớp gây tàn tật cho người bệnh nếu không được điều trị sớm. Tuy vậy, với người trên 60 tuổi thì thoái hóa khớp phần lớn không có nguyên nhân rõ rệt mà thường kết hợp nhiều nguyên nhân.

Tùy theo vị trí khớp bị thoái hóa mà có các triệu chứng đặc thù, nhưng thoái hóa khớp nếu được phát hiện sớm và điều trị tốt thì bệnh có thể hạn chế được tổn thương và duy trì chức năng của khớp.

Các giai đoạn điều trị bệnh thoái hóa khớp

 Có nhiều biện pháp nhằm kiểm soát đau, duy trì và cải thiện khả năng vận động của khớp, hạn chế và ngăn ngừa biến dạng khớp. Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc điều trị và chẩn đoán về thoái hóa sụn khớp, các bác sỹ chuyên khoa chia làm các giai đoạn:

Giai đoạn điều trị không dùng thuốc

- Tránh cho khớp bị quá tải bởi lực đè quá mức bằng giảm cân, và giảm các vận động chịu tải như mang xách nặng, ngồi xếp bằng, quỳ gối, chạy nhảy, ngồi xổm.

- Người bệnh cần điều chỉnh cách sống phù hợp, cải thiện chế độ lao động, tránh mang vác nặng, nên thay đổi tư thế làm việc, sinh hoạt tránh khớp chịu tải trọng kéo dài. Sự trợ giúp của tổ chức y tế qua việc giáo dục, phổ biến kiến thức về bệnh thoái hóa khớp là rất cần thiết. 

- Các biện pháp vật lý trị liệu như massage, kích thích cơ, châm cứu, tập vận động khớp và các biện pháp dùng nhiệt lượng như hồng ngoại, sóng ngắn, điện phân, nhiệt, tắm khoáng, đắp bùn khoáng... có tác dụng giảm đau, có thể giúp điều chỉnh tư thế xấu, duy trì dinh dưỡng cơ và các mô cạnh khớp, giúp cải thiện chức năng vận động của khớp.

Giai đoạn điều trị nội khoa

- Sử dụng các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol hoặc paracetamol kết hợp codein. Đây thường là sự lựa chọn đầu tiên song chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng không nên sử dụng kéo dài

- Có thể phối hợp thuốc giảm đau với thuốc kháng viêm không steroid. Tuy nhiên, sự lạm dụng thuốc này sẽ dẫn đến nhiều tác dụng phụ tai hại như đau dạ dày, xuất huyết tiêu hóa. Nên dùng dưới dạng gel xoa ít tác dụng phụ hơn. Trong điều trị thoái hóa khớp các bác sỹ khuyến cáo không nên sử dụng các thuốc nhóm corticoide.

Việc sử dụng các thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm: glucosamin sulphate, chondroitin sulphate, hyaluronic acid, diacerin... cần được duy trì kéo dài.      

Điều trị ngoại khoa chỉ có chỉ định khi triệu chứng lâm sàng không cải thiện với điều trị nội khoa và phục hồi chúc năng tích cực. Mục đích để sửa chữa các biến dạng của khớp, làm cứng khớp ở tư thế cơ năng, giải ép hoặc cắt bỏ những gai xương khi gai ở một số vị trí đặc biệt, chèn ép vào các bộ phận xung quanh (thần kinh hoặc tủy sống ...), nội soi khớp, ghép sụn... Thay khớp nhân tạo khi khớp bị hư hại nặng, mất chức năng vận động. Có thể nói rằng với tiến bộ không ngừng của y học, phẫu thuật thay khớp nhân tạo đã giải phóng hàng triệu người trên thế giới tránh được sự tàn tật, nâng cao chất lượng cuộc sống.

 Trần Phương

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/lam-gi-khi-sun-khop-bi-lao-hoa-14484/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY