Sức khỏe hôm nay

Làm gì khi trẻ bị đầy bụng?

Đầy bụng (đầy hơi) ở người lớn chỉ gây ra những khó chịu nhất thời. Tuy nhiên đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, các bé không thể tự giúp bản thân vượt qua triệu chứng này được mà phải cần đến sự giúp đỡ từ người lớn. Vậy, các bậc cha mẹ nên làm gì khi bé bị đầy bụng (đầy hơi)

Thoát đầy hơi nhờ ợ đúng cách

Đa số các trường hợp bé bị đầy hơi thường là do khi cho con bú, mẹ vô tình tạo ra bọt khí, và những bong bóng khí này từ miệng đi vào dạ dày của con. Vì vậy, cách chữa đầy hơi tốt nhất trong những trường hợp này là giúp con ợ.

Có nhiều cách giúp con ợ, và mỗi bé sẽ thích một cách của riêng mình. Mẹ có thể thử nhiều tư thế và phương pháp trước khi tìm ra “xì-tai” riêng của con.

- Ẵm bé trong tư thế đầu tựa vào vai, và vỗ lưng nhẹ nhàng cho bé

- Vẫn trong tư thế tựa đầu vào vai, nhưng lần này mẹ nhẹ nhàng xoa lưng bé theo chuyển động tròn dọc từ xương sống lên tới cổ.

- Cho bé ngồi trên đùi, và mẹ dùng tay xoa lưng cho bé

- Đặt bé nằm sấp trên đùi, xoa hoặc vỗ nhẹ lưng cho bé

Tuy nhiên, ợ hơi chỉ giúp con thoát khỏi những trường hợp đầy hơi do nuốt phải khí thừa trong quá trình cho bú mà không có hiệu quả với những trường hợp khí được tạo ra do quá trình tiêu hóa.

Massage cho bé

Theo một số nghiên cứu, viêc massage cho trẻ, nhất là trẻ sơ sinh không chỉ giúp bé hay ăn chóng lớn, điều hòa nhịp tim, cải thiện hoạt động của não bộ mà còn giúp bé giải phóng khí hiệu quả.

Để bé cưng nằm ngửa, mẹ dùng tay nhẹ nhàng xoa bụng cho bé theo chiều kim đồng hồ. Tuy nhiên, không nên massage bụng sau khi bé vừa ăn no. Khoảng thời gian hợp lý nhất là khoảng 1 tiếng sau khi ăn. Mẹ nhớ nhé!

Chườm nóng bụng cho trẻ

Dùng gói chườm nóng để chườm vùng bụng cho bé. Tận dụng được hơi nóng và sức nặng của gói chườm sẽ giảm được chứng đầy hơi cho bé.

Để làm việc này, hãy lấy 2 chiếc khăn tay và làm ấm chúng, không nên quá nóng. Bạn có thể nhúng nước nóng và vắt khô. Kiểm tra độ nóng bằng cách chườm lên tay bạn. Sau đó, gấp một chiếc khăn lại thành gói và đặt lên vùng bụng của bé. Lấy chiếc khăn thứ hai và quấn xung quanh bụng bé để cố định chiếc khăn thứ nhất. Cần cẩn thận quấn không quá chặt, không quá nóng.

Lưu ý điều gì khi bé bị đầy hơi?

Đầy hơi ở trẻ đôi khi là dấu hiệu của một vấn đề tiêu hoá. Chẳng hạn, chứng trào ngược dạ dày - thực quản không phải lúc nào cũng biểu hiện bằng nôn trớ, nên đôi khi nó bị nhầm lẫn là bé chỉ bị đầy hơi.

Dưới đây là 3 cách để bạn có thể kiểm tra những vấn đề nghiêm trọng hơn ở con mình:

- Xem chất phân của bé. Nếu bé bị táo bón hay tiêu chảy, đó có thể là dấu hiệu của các vấn đề về dạ dày và ruột. Dấu hiệu có thể là phân bé thay đổi về độ lỏng - rắn hoặc màu phân, tất cả đều có thể báo hiệu là bé gặp vấn đề về tiêu hoá.

- Ghi nhận cảm xúc chung của bé. Nếu bé có vẻ hài lòng trong hầu hết thời gian, nhìn chung là không có gì bất ổn với bé. Nhưng nếu bé bỏ bú hoặc khó ngủ, và bạn không thể trấn an bé, đó có thể là vấn đề nghiêm trọng hơn.

- Để ý những triệu chứng khác. Các triệu chứng như sốt hoặc có máu lẫn trong phân cũng cảnh báo những vấn đề khác ngoài đầy bụng đơn thuần.

Hãy đến gặp bác sĩ nhi khoa nếu bé của bạn biểu hiện bất cứ triệu chứng nào nêu trên.

Thanh Quế

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/lam-gi-khi-tre-bi-day-bung-24058/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY