Sức khỏe hôm nay

Làm mẹ khó lắm ai ơi!

(SKGĐ) Mở cửa bước vào nhà con nhìn nhanh về phía mẹ rồi thản nhiên quăng ngay chiếc cặp xuống sô pha và đi thẳng lên phòng mà không buồn mở miệng chào, mẹ đứng đấy như người vô hình chỉ biết nhìn theo con thở dài.

Con gái mẹ bây giờ đã thành thiếu nữ, con đã lớn và đã thay đổi nhiều.

Người đặc biệt

Một ngày như mọi ngày. Công chúa, đỏng đảnh, kiêu kỳ, không bình thường… là những gì mẹ nghe người ta nói về con. Con gái mẹ bây giờ đã thành thiếu nữ, con đã lớn và đã thay đổi nhiều. Nhưng mẹ biết có một điều chẳng hề thay đổi ở con dù khi còn bé xíu cho đến bây giờ: “con là cái rốn của vũ trụ”.

Con luôn tự coi mình là “trung tâm”, là “đặc biệt”, là người quan trọng nhất trong bất cứ hoàn cảnh nào. Không những thế, con luôn nghĩ mình có khả năng siêu việt, là người có thể làm được những việc mà những người khác không thể. Nhưng thực tế, đến làm thế nào để nấu được một nồi cơm, con cũng không biết.

Con tự cho mình cái quyền sai bảo người khác, được nổi cáu với người khác và không tôn trọng một ai dù là trong suy nghĩ. Mỗi lần con nổi giận với mẹ, con đều buông lời trống không, thậm chí còn lớn tiếng quát tháo. Bố nhắc nhở thì con điềm nhiên không chút do dự: “Con biết mình là ai và con chẳng làm gì sai cả!”.

Gia đình mình không giàu nhưng con lúc nào cũng nghĩ mình là tiểu thư. Cách ăn mặc, chải chuốt của con khiến mọi người xung quanh choáng ngợp. Mặc kệ những lời xì xầm, bàn tán, con vẫn tự tin như một ngôi sao trên sân khấu.

Dù đã quen, nhưng khi tình cờ gặp Thảo My, bạn cùng học của con trong siêu thị, qua vài câu hỏi han, mẹ thực sự không tin vào tai mình: “Linh xa cách lắm cô ạ. Cháu không thân với bạn ấy nữa. Linh chỉ chơi với những bạn con nhà giàu, ăn mặc đẹp, nhiều tiền. Bạn ấy nói với cháu vì bạn ấy là ‘hot girl’ nên không thể chơi với những người bạn bình thường như tụi cháu được. Có ai nói gì thì bạn ấy gắt và bảo là ‘mọi người không phải ghen tỵ với mình như thế’. Bạn ấy mới nói với cả lớp là đã thi được học bổng đi du học Nhật. Tụi cháu không tin lắm vì sức học của Linh chỉ… Có thật không cô?”.

Con thích nói về bản thân, mẹ biết điều đó. Nhưng còn bao nhiêu điều con tưởng tượng trong đầu khi cho mình là người đặc biệt, là thiên tài? Con nói với cả nhà có công ty quảng cáo mời con làm người mẫu cho thương hiệu của họ, nhưng con không muốn ảnh hưởng đến chuyện học tập, nên con từ chối.

Con nói với khách của bố mẹ là con nói thông thạo cả ba ngoại ngữ Anh, Nhật, Hàn trong khi con phải chật vật mới qua được kỳ thi tiếng Anh ở trường, còn tiếng Nhật, Hàn thì gọi là được dăm câu học từ các bộ phim truyền hình. Con nói với bạn bè con thi học bổng, tham gia cuộc thi tài năng này, sắc đẹp nọ… Thực chất tất cả đều không có thật. Nhưng con vẫn tin, vẫn tiếp tục với những ảo giác không có thật đó.

Mẹ đã từng nhiều lần nói chuyện nghiêm túc với con, nhưng thật đau lòng khi con đáp lại: “Trong mắt của mẹ, con luôn là người hoàn hảo nhất, không đúng sao?”. Còn nỗi cay đắng nào hơn khi cái thế giới cổ tích, không thực đó của con lại do chính tay mẹ đặt những viên gạch đầu tiên.

Không phải lỗi của con

“Con hư tại mẹ lẫn cha. Cháu hư là tại cả bà lẫn ông”, câu nói ấy có vẻ như phần nào đó không còn đúng với gia đình tôi. Nếu cần một người để đổ lỗi, mọi tội lỗi dường như đều bắt nguồn từ tôi.

Khi Linh chào đời, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của vợ chồng tôi. “Ruộng sâu, trâu nái không bằng con gái đầu lòng”. Cái ước ao có một cô con gái của chồng đã được thỏa nguyện. Từ nhỏ Linh đã rất đáng yêu, là đứa cháu đầu tiên của cả hai gia đình nên được cưng chiều hết mức. Cũng có thể vì thế nên tôi thấy tự hào về Linh, dù nó mới chỉ là một đứa trẻ.

Ngay từ lúc Linh nhỏ xíu, tôi đã có thói quen khen con. Những lời khen đó sẽ chẳng có gì nghiêm trọng nếu chỉ dừng ở mức động viên, khích lệ. Nhưng vì yêu con, vì chưa từng suy nghĩ đến hậu quả nên tôi đã mắc sai lầm đúng giai đoạn hình thành tính cách cho con. Mỗi khi Linh làm được điều gì, dù rất nhỏ tôi cũng không tiếc lời khen ngợi và thậm chí đánh bóng quá mức với khách trước mặt con. Và tất nhiên vị khách nào cũng giống nhau, mỗi lần tôi khen Linh là hùa vào khen cùng. Tôi đã không nhận ra rằng nụ cười tự tin của con lúc đó được tạo nên từ một niềm tin không hề có thật.

Thấy con ngoan ngoãn vâng lời mỗi khi được khen, lại rất tự tin và chẳng bao giờ hỏi lại có đúng khả năng của con như vậy không, tôi càng dấn sâu hơn vào hố sâu tự tạo. Với tôi, lúc nào hình ảnh của Linh cũng phải là một đứa trẻ xinh đẹp, thông minh, dễ thương, chỉ số IQ cao ngất, học một biết mười… là một hình mẫu hoàn hảo. Hình mẫu tôi đã tự… nghĩ ra và áp đặt cho con. Có thể nói đó là sự ngộ nhận khủng khiếp mà chính bản thân tôi đã không nhận ra. Chồng thấy tôi quá cưng yêu con cũng đã nhắc nhở.

Nhưng vì Linh đối với tôi là một điều đặc biệt, gần như một điều kỳ diệu, một giấc mơ của người mẹ nên tôi đã không để tâm đến lời khuyên răn của mọi người xung quanh, tôi luôn bênh con bất kể trong trường hợp nào. Linh lớn lên trong sự bao bọc, chăm chút quá mức của tôi. Cái thế giới hoang tưởng của Linh bây giờ thực chất bắt đầu từ chính sự hoang tưởng của chính tôi.

Tôi thực sự thấm thía khi đọc được một thông điệp của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: “Chúng ta không thể ép con mình phải có tài được. Cũng không thể quá tự tin đến hoang tưởng khi ta cho con mình là có tài thì ai ai cũng phải nghĩ giống hệt mình. Bởi tài năng vốn là thứ trời cho. Trời không cho, đành chịu. Mang cách nghĩ ấy là cãi lại tạo hoá và áp đặt, không để trẻ em được phát triển một cách tự nhiên, hồn nhiên trong môi trường tuổi hoa của chúng…”.

Vậy nên nếu thương con, yêu con thì hãy tìm đúng cách, đừng đi quá đà mà tự tay xây cho con một lâu đài hư ảo, đặt con vào thế giới cổ tích huyễn hoặc. Làm mẹ cũng khó lắm…

Bảo Bình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/lam-me-kho-lam-ai-oi-17337/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY