Sức khỏe hôm nay

Làm sao để con hết mồ hôi trộm?

(SKGĐ) Bổ sung vitamin D là điều cần thiết nhưng đó không phải là cách duy nhất!

Nằm ngủ cũng ra mồ hôi

Bé Bin năm nay 2 tuổi, bé khỏe mạnh và khá nhanh nhẹn. Tuy nhiên, điều khiến mẹ bé đau đầu là bé ra rất nhiều mồ hôi, ngay cả trong lúc ngủ. Nếu mẹ không để ý để lau cho bé, thì khi bé ngủ dậy, mồ hôi thấm ướt cả lưng áo, đầu tóc cũng ướt mồ hôi.

Chứng ra mồ hôi trộm thường gặp ở những trẻ thiếu vitamin D trong giai đoạn sớm, thường gặp nhất ở trẻ dưới 1 tuổi, là giai đoạn này hệ xương phát triển mạnh, hoặc những trẻ sinh non, thiếu cân, trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, trẻ còi xương hoặc trẻ bị các rối loạn tiêu hóa kéo dài. Các triệu chứng là trẻ thường quấy khóc, khó ngủ, giật mình, rụng tóc vùng gáy do ra nhiều mồ hôi lúc ngủ…

Đắp quá nhiều chăn, mặc quá ấm trong lúc ngủ hoặc phòng ngủ bí bách cũng sẽ khiến bé ra nhiều mồ hôi do bị nóng. Bé sợ hãi khi mới đi học hoặc ban ngày nô nghịch quá nhiều cũng khiến trẻ dễ bị đổ mồ hôi trong lúc ngủ. Trong trường hợp trẻ ra mồ hôi nhiều và cha mẹ không lau kịp, trẻ sẽ dễ bị nhiễm lạnh, nếu gặp gió, nhiệt độ cơ thể trẻ bị hạ sẽ dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm như viêm phổi, viêm phế quản…

Trong thành phần mồ hôi có calci nên nếu mồ hôi ra nhiều có thể khiến trẻ bị thiếu calci nhẹ. Tình trạng này khiến trẻ bị khó ngủ, hay quấy khóc… Ra mồ hôi ra quá nhiều còn khiến trẻ bị mất các chất điện giải khiến cơ thể dễ mệt mỏi, lâu dần khiến cơ thể trẻ suy yếu.

Chú trọng chăm sóc và dinh dưỡng

Bạn nên cho bé tắm nắng thường xuyên để bổ sung vitamin D cho bé. Thời điểm tắm nắng tốt nhất cho bé là trước 10 giờ sáng, khoảng 30 phút. Chú ý tránh cho mắt bé tiếp xúc thẳng với ánh nắng mặt trời mà chỉ để da tiếp xúc nhiều với ánh nắng. Khi thấy có ánh nắng gắt thì không nên cho trẻ tiếp tục tắm nắng.

Cần giữ cho phòng bé thông thoáng, yên tĩnh, tránh ồn ào, duy trì nhiệt độ lý tưởng trong phòng là 210C, nên tắm rửa sạch sẽ hằng ngày cho trẻ.

Trước khi cho trẻ ngủ nên cho trẻ ăn no (nhưng tránh quá no), cho trẻ mặc áo thoáng mát (nên lựa chọn chất liệu cotton cho trẻ để thấm hút mồ hôi). Nên thường xuyên dùng khăn bông lau  mồ hôi ở lưng, đầu, nách và tay chân bé để tránh mồ hôi ngấm vào người gây nhiễm lạnh cho trẻ. Chú ý mùa đông chỉ đắp chăn vừa đủ ấm, tránh để trẻ bị nóng quá.

Mẹ nên cho bé ăn thêm các loại rau quả có tình mát như rau má, cải ngọt, cải đắng, bí đao, bí đỏ, thanh long, cam… Cũng có thể dùng một số thực phẩm bổ sung calci như cá, nghêu trai hến…

Về nước uống, có thể cho trẻ uống nước rau má, nước từ một số cây thảo dược như át ti sô, bột sắn…

Thực phẩm cần hạn chế là những thực phẩm dễ sinh nhiệt như thịt bò, mỡ, tôm cua, cá biển.Các loại quả ngọt nhiều đường như mít, sầu riêng, xoài… cũng nên hạn chế, nhất là vào mùa hè vì những loại quả này nhiều đường khi vào cơ thể có những men xúc tác sẽ làm lên men và gây ra nhiệt, khiến tình trạng ra mồ hôi của trẻ càng trầm trọng hơn.

Chữa mồ hôi trộm bằng cháo cá quả

Dùng 200g cá quả rửa sạch nhớt, bỏ nội tạng, hấp cách thủy. Sau đó gỡ lấy thịt ướp với gia vị. Xương cá giã nhỏ lọc lấy nước. Dùng 50g gạo, 2g ngũ vị xay thành bột mịn, cho vào nước lọc xương cá khuấy đều đun nhỏ lửa đến khi cháo chín. Cho cá và gia vị vào rồi khuấy đều cho sôi lại. Cho trẻ ăn ngày 1 lần, ăn trong vòng 5 ngày.

Chú ý: Trong trường hợp trẻ bị ra mồ hôi trộm kèm lên cơn sốt, mọc răng, thóp đầu chậm lấp đầy, tóc lưa thưa… thì bạn cần đưa trẻ gặp bác sỹ để kiểm tra và có lời khuyên chữa trị thích hợp.

Nguyên Hà    

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/lam-sao-de-con-het-mo-hoi-trom-4391/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY