Không được lòng đồng nghiệp là một trong những vấn đề vô cùng nan giải đối với những cá nhân đang làm việc trong môi trường công sở. Điều này lại càng trầm trọng hơn khi người không được lòng đồng nghiệp không ai khác chính là người giữ vai trò lãnh đạo.
Người ta vẫn nói, người thu phục được nhân tâm, làm chủ được quần hùng mới có khả năng lãnh đạo, lèo lái tổ chức. Vậy phải làm cách nào khi mà “trên bảo dưới không nghe” và có những làn sóng chống đối ngầm trong nội bộ nhóm. Đó là câu hỏi mà một nàng công sở vừa đặt ra để tham vấn ý kiến của cư dân mạng. Cụ thể, cô bộc bạch:
“Chào mọi người, xin được nghe ý kiến, mình đi thẳng vào vấn đề luôn nhé. Mình đi làm được 5 năm, công ty hiện tại là thứ 3, làm được 1 năm. Mình làm văn phòng quản lý 1 team nhỏ trong bộ phận, do team đó có liên quan đến vị trí công việc của mình. Chuyện chả có gì, lượng công việc hơi nhiều, đòi hỏi chuyên môn, kinh nghiệm cao, yêu cầu ngoại ngữ giỏi, mức lương cỡ chỉ 10 triệu.
Lúc mới vào, do so với người cũ, mình nhỏ tuổi (28) nên không được coi trọng ý kiến. Sắp xếp công việc nhưng không ai chịu làm, rồi đến khi sếp hỏi tiến độ công việc chưa xong, quay lại nói sao cái gì cũng mách sếp. Có khi còn gọi mình "sếp được chưa", "sếp này kia". Mình cố gắng để chứng minh năng lực cho mọi người thấy.
Sau 1 năm năng lực đi ngược chiều mối quan hệ với đồng nghiệp, dù cố gắng vẫn không thể "thân" với ai cả, xã giao, vẫn pha trò cho mọi người vui. Giờ mọi người đã nghe theo sự sắp xếp của mình, công nhận năng lực và chuyên môn. Nhưng khi đi làm, mình cứ thấy cô đơn một cõi. Cảm thấy không được vui và thoải mái như những chỗ cũ.
Ở công ty cũ mình tự tin là người vui vẻ, năng động, hay pha trò. Ở đây, do lượng công việc quá nhiều nên trong giờ chỉ dí dép lên chạy để làm cho kịp. Mình cảm thấy hơi buồn, không biết do mình đã thay đổi, hay tính mình khó quá, không khéo trong giao tiếp nên không thể hòa hợp với đồng nghiệp được.
Bạn mình nói người ta đi làm có bè có phái, ăn uống vui vẻ, còn mình làm bạn với công việc! Cấp dưới của mình có 1 người mới nghỉ việc, nói rằng lương và công việc không phù hợp. Mình cũng muốn tổ chức chia tay đồng nghiệp như người ta. Nhưng lúc sắp nghỉ, bạn bảo do mình không tốt nên bạn mới nghỉ, cả hội đi ăn mà không gọi mình. Mình thì chả biết gì, cứ vô tư cho đến khi sếp trên của mình nói cho mình biết.
Biết rằng đi làm có người này người kia, không phải là Phật để ai cũng quý cũng mến. Tính mình ham học hỏi, thích đọc sách nhưng có chút yếu lòng, hay nhạy cảm, suy nghĩ vẩn vơ nên dễ buồn”.
Không được lòng đồng nghiệp thật sự đề nan giải, đặc biệt điều này lại xuất phát từ cấp dưới. Bởi lẽ, nếu không có sự hợp tác và hỗ trợ của nhân viên, người làm sếp cũng khó có thể hoàn thành công việc cũng như gặt hái được những thành tựu. Có vẻ đây cũng là vấn đề mà không ít người phải đối mặt. Bằng chứng đến từ việc rất nhiều bình luận bày tỏ quan điểm trong vấn đề này đã được để lại bên dưới:
“Có thể ngoài giờ làm, bạn không thân nhưng nếu hợp tác mà vui vẻ thì vẫn tốt hơn là làm đúng nhiệm vụ. Mà nghe bạn kể chắc là người thích làm việc vui vẻ hòa đồng với đồng nghiệp nhỉ”.
“Bạn đi làm chứ có phải là đi chơi đâu. Công ty trả lương cho bạn đến làm việc, bạn bỏ ra sức lao động và chất xám,công việc áp lực là đương nhiên. Còn về vấn đề đồng nghiệp, kể cả thân cũng là quan hệ cá nhân thì nên rạch ròi, trách nhiệm của ai vẫn phải tự mà hoàn thành. Việc cả nhóm đi ăn với nhau và không rủ bạn, coi như không biết cho đẹp mặt thôi”.
“Theo quan điểm cá nhân mình thì không biết bạn mong muốn "thân" với các bạn member theo nghĩa nào. Chung quy lại đi làm thì công việc và sự hợp tác trong công việc vẫn là chính yếu. Dù bạn có thật sự thân với một ai đi nữa thì vốn dĩ vẫn phải có sự rõ ràng giữa công việc và mối quan hệ riêng tư.
Mình đi làm chứ không phải đi chơi mà cần vui vẻ hay sợ cô đơn. Vị trí của bạn là leader thì rõ ràng công việc của bạn sẽ khác với những người còn lại. Việc nhân viên nghỉ và nói là do bạn thì mình thấy chuyện đó bình thường”.
Xét ra, mối quan hệ đồng nghiệp cũng chỉ xoay quanh phạm trù công việc. Cho nên, nếu đã không được cấp dưới “ưa”, thì chị em công sở cứ căn cứ và các giá trị, KPI trong công việc để đưa ra biện pháp cũng như cách thức tương tác phù hợp. Người không thích chúng ta thì rất nhiều và chẳng việc gì phải làm họ thích bằng mọi giá. Tuy nhiên, chúng ta có thể khiến cấp dưới nể phục bằng cách dùng năng lực chuyên môn và thái độ trong công việc để chứng minh.