I. Dẫn nhập
Ngay từ khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã nhẹ nhàng chinh phục lòng người, và phát triển, ảnh hưởng rộng lớn ở nhiều lĩnh vực trong các giai tầng xã hội. Nhìn lại quá khứ, đặc biệt trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo từ thập niên 1930 đến đầu thập niên 1970, tuổi trẻ Việt Nam đến với Phật giáo với số lượng vô cùng đông đảo, kiến thức Phật học của họ cũng vô cùng uyên bác điển hình như cư sĩ “Tâm Minh Lê Đình Tám,[…], Trần Đăng Khoa, Lê Thanh Cảnh, Lê Quang Tiết, Trương Xướng, Tôn Thất Quyên, […], Tôn Thất Tùng, Võ Đình Cường v.v…”(1).
Cùng các tổ chức gia đình phật tử với sự phát triển rộng khắp từ nông thôn đến thành thị, các Phật học hội, các tổ chức dành cho thanh - thiếu niên sinh hoạt ra đời ngày càng nhiều và thu hút tầng lớp học sinh, sinh viên rất mạnh. Lịch sử minh chứng thời vàng son này có được là nhờ sự dìu dắt của các bậc cao tăng thạc đức như HT.Giác Thiên, HT.Tịnh Khiết, HT.Giác Nhiên, HT.Tố Liên, HT.Mật Tể, HT.Đôn Hậu, HT.Thiện Hoa, HT.Trí Thủ, HT.Thiện Siêu, HT.Minh Châu, v.v…
Nhưng nhìn lại ngày nay, một thực tế cho thấy, nhiều thanh niên Việt Nam gần như hờ hững với Phật giáo, đặc biệt là giới trí thức trẻ. Ngay như ở Tp.Hồ Chí Minh, là nơi phát triển Phật giáo mạnh nhất trong cả nước, Tp.Huế được mệnh danh là cái nôi của Phật giáo cũng không tránh khỏi tình trạng này. “Vấn đề đặt ra ở đây là liệu Phật giáo có còn sức hấp dẫn đối với tuổi trẻ nữa không?”(2) Câu trả lời đương nhiên là không thể dưới dạng phủ định, và cũng không thể nằm trong tình thế bi quan. Tuy nhiên, muốn tìm ra giải pháp để đẩy lùi tình trạng nói trên không phải là việc dễ dàng. Với mục đích đóng góp vào sự nghiệp hoằng pháp chung, bài tham luận này xin đưa ra một số giải pháp xem như là ý kiến tham khảo để lý giải tại sao nhiều thanh niên Việt Nam ngày nay không mặn mà với Phật giáo.
II. Nội dung
1. Nguyên nhân
Trước khi đưa ra giải pháp cho vấn đề nêu trên, bài viết này xin nêu ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng số lượng thanh thiếu niên trong thời kỳ hội nhập không mặn mà với giáo lý Phật đà. Một trong những vấn đề then chốt dẫn đến tình trạng trên chính là do ảnh hưởng của thời đại. Hay nói cách khác, thế hệ trẻ lớn lên trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa. Sự bùng nổ thông tin của khoa học công nghệ phát triển nhanh như vũ bão. Tuổi trẻ tiếp nhận lượng kiến thức và thông tin vô cùng lớn chỉ trong thời gian rất ngắn. Những thành tựu của khoa học công nghệ như hệ thống internet, vệ tinh, truyền hình cáp quang, vi tính, điện thoai di động, v.v… đã phát triển đến đỉnh cao, giúp cho con người có thể nắm bắt mọi biến chuyển của các nền văn hóa, kinh tế, chính trị một cách nhanh chóng cho dù chúng diễn ra bất cứ nơi nào.
Cũng chính vì sự phát triển này đã làm thay đổi các mối quan hệ và tư tưởng của giới trẻ trong xã hội một cách nhanh chóng. “Sự thành tựu khoa học kỹ thuật quá thuyết phục đối với thế giới nên nhiều người phát sinh tâm lý thực dụng, coi trọng vật chất, của cải, kỹ thuật khoa học vật lý hơn là những giá trị tâm linh đạo đức của Thánh hiền ngàn xưa.”(3)
Kế đến, từ khi đất nước ta mở cửa và hội nhập vào thương trường quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam làm ăn. Khi du nhập vào, họ mang theo truyền thống văn hoá cũng như các phong tục tập quán của họ theo. Lẽ dĩ nhiên nền văn hoá đó không có gì xấu xa cả mà chỉ không phù hợp với truyền thống của chúng ta mà thôi. Chẳng hạn như sòng bạc, M*i d*m, C* c**c… nhiều quốc gia trên thế giới cho phép và xem đó là một loại hình kinh doanh, giải trí; nhưng ở Việt Nam thì không được chấp nhận. Khi các trào lưu này vào Việt Nam, nhiều bạn trẻ không hiểu mà cho rằng đó là văn hóa “Tây”, “hiện đại” rồi chạy theo, bỏ quên mất truyền thống của ông bà để lại…
Bên cạnh đó, cũng từ nền khoa học công nghệ phát triển mạnh, các loại hình giải trí như phim ảnh bạo lực, văn hoá phẩm đồi truỵ, các trò chơi trực tuyến không được kiểm soát cẩn thận.“Những cảnh ồn ào náo nhiệt vang tiếng sung bắn liên hồi, tiếng đao kiếm khua chói tai và những tiếng kêu khắc khoải từ những tụ điểm chơi video games quy tụ hàng chục thanh thiếu niên và lác đác thấy có dăm ba người lớn.” (4) Những thú vui này đã chiếm thời gian rất nhiều của tuổi trẻ.
Hay nói cách khác, khi dòng thác khoa học công nghệ phát triển mạnh thì cuộc sống con người cũng chịu ảnh hưởng theo dòng chảy ấy. Cuộc sống ngày nay tất bật hơn, bận rộn hơn. Các bạn trẻ ít có thời gian rảnh rỗi để đến sống trải nghiệm trong các đoàn thể phật tử hoặc tham dự các buổi thuyết pháp của Chư tôn đức tăng ni.
Một nguyên nhân khác nữa là vấn đề tổ chức, các khóa học giáo lý chưa thực sự sinh động khiến cho buổi học trở nên đơn điệu, nhàm chán; hoặc chưa nhắm vào tính thực tiễn của thực trạng xã hội giúp cho giới trẻ tháo gỡ những bế tắc trong cuộc sống.Trong khi đó, các trò chơi giải trí ở bên ngoài xã hội vô cùng hấp dẫn, phong phú và đa dạng đáp ứng mọi thị hiếu cũng như các nhu cầu của giới trẻ.
2. Các giải pháp để tuổi trẻ đến với đạo Phật
a. Thay đổi mô hình tổ chức
Trong bối cảnh toàn cầu đang hướng về đạo đức của tuổi trẻ, thì việc thu hút thanh - thiếu niên đến chùa, việc đổi mới mô hình tổ chức và sinh hoạt là hết sức cần thiết, thậm chí là cấp bách. Nhìn lại thời kỳ vàng son của tổ chức Gia đình Phật tử, ta thấy tổ chức này đã xây dựng một hệ thống, một chương trình sinh hoạt phù hợp với điều kiện xã hội, với mặt bằng kiến thức của tuổi trẻ lúc bấy giờ; nhất là tuổi trẻ nông thôn.
Trong cuốn Lịch sử Gia đình Phật tử Việt Nam, Kiêm Đạt viết: “Trong thực tế, nông thôn Việt Nam có nhiều nét đặc thù. Trên lý thuyết, khó mà thấu hiểu được. Trình độ học thức còn non kém gợi ý cho ta lề lối truyền đạt giản dị hơn. Đời sống vất vả, bận rộn theo từng thời vụ, lưu ý cho ban huynh trưởng thiết lập một thời khắc biểu sao cho thích ứng. Tuy thế, các thiếu nhi nông thôn thường nổi bật đức tính cần cù, thích đoàn thể, tương trợ lẫn nhau, thích lễ lượt”(5). Nhờ vậy, tổ chức Gia đình Phật tử trở thành điểm tựa tinh thần, là nơi quy hướng, tạo luồng sinh khí mới cho bao thế hệ trẻ trở về tu học và đẩy lùi các thế lực ngoại bang lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, việc cập nhật phương pháp giảng dạy cũng như canh tân tính khế lý và khế cơ của tổ này vẫn chưa được cập nhật. Mặc dù cho đến nay, chương trình hướng dẫn cho Gia đình Phật tử đã nhiều lần chỉnh sửa và thay đổi, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cho giới trẻ trong thời kỳ hội nhập. Mặt khác, như trên đã trình bày, tuổi trẻ ngày nay sống trong thời đại “bùng nổ thông tin” thì việc cập nhật giáo án, phương thức tổ chức, phương pháp giảng dạy là điều rất cần thiết.
Một thay đổi khác nữa cần phải quan tâm là cách tổ chức và giảng dạy cho thanh niên do chư tăng ni đảm trách trong các tự viện. Điểm qua nhiều cơ sở ở một số tỉnh - thành, chúng ta luôn bắt gặp hình ảnh quen thuộc là người thầy ngồi trên bục giảng “thao thao bất tuyệt” và thỉnh thoảng đọc cho học trò ghi. Trong khi đó, tuổi trẻ ngày nay rất hiếu động, thích cái mới, ham hiểu biết về khoa học, hứng khởi về tinh thần, ưu thảo luận và rất thực dụng. Vì vậy, trong các lớp học Phật pháp cần nên áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau. Chẳng hạn như phương pháp tương tác, phương pháp kiến tạo, phương pháp tính độc lập tự chủ của người học, v.v...
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Đây là những phương pháp giảng dạy đang được áp dụng trong hầu hết các nền giáo dục trên thế giới. Trong các phương pháp này, thầy và trò cùng tương tác nhau trong truyền đạt và tiếp thu kiến thức. Người thầy chủ động truyền đạt kiến thức mang tính khái niệm, cơ bản và theo hướng gợi mở, luôn có ý thức chừa những khoảng không gian cần thiết cho học trò phát triển tư duy sáng tạo, cũng như chủ động thiết kế chương trình, hoạt động và kiểm tra và hướng dẫn học viên những nguồn học liệu thích hợp.(6)
Trong một phúc trình về giáo dục của ông Jacques Delors, Chủ tịch Ủy ban UNESCO về Giáo dục cho thế kỷ XXI (UNESCO Commission on Education for the Twenty-First Century) có trình bày về bốn trụ cột của giáo dục (the Four Pillars of Education). Đó là: Học để biết, học để làm, học để tồn tại và học để chung sống.(7) Hay nói cụ thể hơn, trong một bài giảng, người thầy luôn tạo nguồn cảm hứng cho người học. Vị giảng sư phải phối hợp làm sao để kết thúc bài học đó, người học cảm thấy thích thú, muốn học nữa, và áp dụng được giáo lý ấy vào trong cuộc sống.
b. Hướng dẫn tuổi trẻ nắm bắt được tinh thần Phật giáo và khoa học
Ngoài việc đến chùa tụng kinh, lễ Phật, đa phần người phật tử được trang bị vốn kiến thức khá cơ bản như Tam quy ngũ giới, nhân quả, nghiệp báo, v.v... Việc luận giải và phân tích giáo lý để phật tử các giới, đặc biệt là thành phần học sinh, sinh viên nắm bắt được tin thần khoa học hàm chứa trong các bài pháp đó mới là điều cần thiết. Điều này trong các lớp học của phật tử chúng ta chưa làm được, hoặc giả có thực hiện nhưng chưa đủ tính thuyết phục.
Nếu làm được như thế thì đây là biện pháp hữu hiệu để giới trẻ trở về và gắn bó với Phật giáo nhiều hơn. Ví dụ như trong một bài thuyết pháp, khi đề cập đến tinh thần nhập thế, vị giảng sư cần nên nêu ra: “Này các tỳ kheo, hãy đi đi, đi khắp nơi vì lợi lạc và hạnh phúc của số đông, do lòng từ bi đối với cuộc đời, vì lợi lạc và hạnh phúc của Trời và Người.”(Mahàvagga I, 11 - Ðại phẩm). Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao đức Phật phải dạy như thế? Câu trả lời là do xã hội Ấn Độ cổ đại có quá nhiều tôn giáo với chủ trương ẩn cư không mang lại giải thoát và hạnh phúc cho đời. Mặt khác, đức Phật muốn phá bỏ tư tưởng của các tôn giáo yếm ly trần thế.
Không chỉ khuyên dạy đệ tử đi truyền bá chánh pháp, “chính Như Lai cũng đi. Như Lai đi về hướng Uruvela ở Senanigama để hoằng dương giáo pháp.”(8) Nói tóm lại, vị giảng sư cần nắm bắt được tình hình thực tế để trình bày sao cho phù hợp với lớp học để mang lại một nguồn lợi lạc vô biên giúp cho giới trẻ đối diện với sự thật, tiếp xúc với thực tế trong cuộc sống thường nhật.
Làm khơi dậy Bồ đề tâm của mỗi người để rồi từ đó họ có thể tự vạch ra hướng đi cho chính mình, tự quy định những giá trị sống thực cho chính đời mình như Hồ Chí Minh nhận xét: “Tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng yên vui và no ấm.”(9) Cũng như chương trình Nghị sự 21 do Chính phủ Việt Nam ban hành năm 2006: “Mục tiêu tổng quát của phát triển bền vững là đạt được sự đầy đủ về vật chất, sự giàu có về tinh thần và văn hóa, sự bình đẳng của các công dân và sự đồng thuận của xã hội, sự hài hòa giữa con người và tự nhiên.”(10)
Ngoài việc thay đổi mô hình tổ chức, phương pháp giảng dạy ra, chúng ta nên trang bị thiết bị và các phương tiện dạy học; đặc biệt là máy chiếu, thư viện, phòng đọc sách, v.v... Hiện nay, đa phần các tự viện chưa chú trọng đến việc này. Theo quan sát, chúng ta vẫn quen theo lối dạy truyền thống, ghi trên bảng hoặc đọc cho học trò ghi. Một điểm quan trọng khác nữa để thu hút giới trẻ học Phật pháp là giảng dạy bằng giáo án điện tử, sử dụng trình chiếu powerpoint, đây là phần mềm rất phổ biến cho lĩnh vực giảng dạy trên toàn thế giới. Áp dụng phần mềm này, người dạy có thể tạo ra bất kỳ hoạt động và trò chơi thú vị có liên quan đến bài học.
III. Kết luận
Tóm lại, những giải pháp nêu trên chỉ là sự gợi ý. Ngoài ra, còn có nhiều giải pháp nữa để giới trẻ hướng về đạo Phật. Đây chính là chúng ta đang áp dụng tính “khế lý và khế cơ” vào trong sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp nhằm thu hút giới trẻ trở về với Phật giáo và xem Phật giáo như điểm tựa tinh thần với ý nghĩa dẫn đường và động viên họ trong lao động, học tập, nghiên cứu để trở thành người hữu dụng cho đời, góp phần xây dựng cho quê hương đất nước.
Thích Quảng Đạt - Phật giáo huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII
2. Thích Nhật Từ, Trương Văn Chung, Nguyễn Công Lý (2014) Phật Giáo Với Mục Tiêu Thiên Niên Kỷ Của Liên Hiệp Quốc, Lê Cung, Để Tuổi Trẻ Việt Nam Đến Với Phật Giáo Trong Thời Hội Nhập, HCM, NXB Đại Học Quốc Gia, Tr, 875.
4. Nhật Từ, Trương Văn Chung, Nguyễn Công Lý (2014), Phật Giáo Với Các Mục Tiêu Thiên Niên Kỷ Của Liên Hiệp Quốc, bài viết “Phật Giáo Và Việc Giáo Dục Thanh Thiếu Niên Hướng Đến Đời Sống Lành Mạnh” (Chơn Minh Lê Khắc Hiếu), HCM, NXB Đại Học Quốc Gia, tr. 506
6. Thích Nhật Từ, Trương Văn Chung, Nguyễn Công Lý (2014), Phật Giáo Với Các Mục Tiêu Thiên Niên Kỷ Của Liên Hiệp Quốc, HCM, NXB Đại Học Quốc Gia, tr. 506.
7. Thích Nhật Từ, Trương Văn Chung, Nguyễn Công Lý (2014) Phật Giáo Với Mục Tiêu Thiên Niên Kỷ Của Liên Hiệp Quốc, Lê Cung, Để Tuổi Trẻ Việt Nam Đến Với Phật Giáo Trong Thời Hội Nhập, HCM, NXB Đại Học Quốc Gia, Tr, 875.