Ông cho rằng sau hội nghị, cần có một chương trình hành động cụ thể tiếp sức cho doanh nghiệp trụ vững và có thể hồi phục trong thời gian tới. Chương trình này cần có có địa chỉ, có thời gian, có người thực hiện, có chế tài cụ thể.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, trước hết, các bộ cũng phải tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, chứ không phải vấn đề gì cũng đẩy lên Thủ tướng; nhấn mạnh việc Chính phủ tiếp tục đổi mới trong điều hành thông qua áp dụng công nghệ, xây dựng Chính phủ điện tử.
Một số ý kiến đề xuất tổ chức hội nghị theo hình thức vừa trực tuyến vừa truyền hình trực tiếp để cộng đồng doanh nghiệp và người dân theo dõi.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh, mặt trận thứ nhất là “chống dịch như chống giặc”, mọi người dân là chiến sĩ trên mặt trận đó. Bây giờ, tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam đã khó khăn nhiều, phải có mặt trận thứ 2 là mặt trận phát triển kinh tế, trong đó, doanh nghiệp, doanh nhân là chiến sĩ. “Chúng ta giữ cho mặt trận thứ 2 về kinh tế không bị đứt gãy, giữ được việc làm cho người lao động và có sự tăng trưởng cần thiết, là yêu cầu cấp bách hiện nay”.
Thủ tướng khẳng định sự cần thiết tổ chức hội nghị để phục hồi nền kinh tế sau dịch bệnh với chủ đề hướng vào tái khởi động nền kinh tế sau dịch.
Về sản phẩm sau hội nghị, Thủ tướng gợi ý, có thể là một quyết định về chương trình hành động tái khởi động nền kinh tế hoặc một nghị quyết nêu các biện pháp cần thiết thúc đẩy phát triển doanh nghiệp…
Tại hội nghị, cần có báo cáo về tình hình doanh nghiệp hiện nay và các định hướng lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển các loại hình doanh nghiệp, giữ nhịp độ phát triển.
Thủ tướng nhất trí việc tổ chức hội nghị theo hình thức vừa trực tuyến vừa truyền hình trực tiếp và thời gian tổ chức vào thời điểm phù hợp, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh bởi bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là quan trọng nhất.