Sinh con là thời điểm có nguy cơ cao cho sự khởi phát của các triệu chứng tâm thần, đặc biệt là ở phụ nữ có nguy cơ bị rối loạn lưỡng cực. Hai báo cáo gần đây của tổ chức Cofidential Enquiry về tỷ lệ Tu vong của người mẹ sau sinh cho thấy tỷ lệ Tu vong trong năm đầu sau sinh của các bà mẹ do các bệnh tâm thần và do tự sát chiếm tỷ lệ cao. Loạn thần sau đẻ là một loại bệnh nặng nhất, trong số các bệnh tâm thần sau sinh. Nó có thể gây hậu quả không tốt cho các bà mẹ, trẻ sơ sinh và toàn bộ gia đình. Khả năng phụ nữ khởi phát hưng cảm hay giai đoạn loạn thần ngay trong tháng đầu sau sinh cao khoảng 22 lần so với các thời kỳ khác trong cuộc đời. Loạn thần sau đẻ có thể xảy ra với tất cả các phụ nữ, ở tất cả các tầng lớp xã hội, tất cả các mức độ giáo dục, nghề nghiệp. Nhiều người xuất hiện tự nhiên mà không có tiền sử về bệnh tâm thần, với tỷ lệ xuất hiện giai đoạn của loạn thần sau đẻ là 1-2/1000 sản phụ. Nhưng những người có tiền sử bị rối loạn lưỡng cực, thì có nguy cơ bị loạn thần sau đẻ là rất cao, với tỷ lệ bị loạn thần sau đẻ là 25%- 50% sản phụ (Jones and Craddock2005; Brockington I).
Những phụ nữ đã bị loạn thần sau đẻ thì trong tương lai có nguy cơ cao rối loạn cảm xúc lưỡng cực, dù có sinh con hay không sinh con. Các phụ nữ có tiền sử bản thân hoặc gia đình có người bị rối loạn cảm xúc và loạn thần sau đẻ thì có nguy cơ bị loạn thần sau đẻ nhiều gấp 100 lần so với dân số nói chung.
Phân loại bệnh học của loạn thần sau đẻ vẫn còn bàn cãi. Hiện tại DSM- IV và ICD-10 chưa có phân loại riêng cho loạn thần sau đẻ, nhưng có nhiều bằng chứng gợi ý rằng, đa số loạn thần sau đẻ là có các biểu hiện của rối loạn lưỡng cực (hưng cảm, trầm cảm) và khởi phát là do có thai.
Nghiên cứu hồ sơ và các ca lâm sàng của loạn thần sau đẻ, Brockington I.; Robertson E. thấy rằng có sự biểu hiện tiềm tàng hoặc có các triệu chứng báo hiệu trong vài ngày đầu sau đẻ. Khi phỏng vấn các phụ nữ đã hồi phục cũng cho thấy rằng có quan hệ rất chặt chẽ giữa quá trình sinh đẻ và khởi phát bệnh.
Trong một nghiên cứu trước của Heron J, Robertson; Blackmore E, đã khảo sát khái niệm giai đoạn tiềm tàng bằng cách kiểm tra thời giai khởi phát các triệu chứng lâm sàng, và đã tìm ra rằng 51% trong số 101 phụ nữ đã có các triệu chứng khởi phát trong 3 ngày sau sinh. Rất nhiều phụ nữ có các triệu chứng lâm sàng kín đáo, nhẹ. Protheroe đã ghi nhận rằng sự biến đổi cảm xúc nhanh chóng xuất hiện trước khi có các triệu chứng loạn thần. Những nghiên cứu tiến cứu, ở những phụ nữ có tiền sử bị rối loạn cảm xúc với những cảm xúc căng thẳng, lo âu, hoặc phấn kích trong lúc mang thai, đó chính là các triệu chứng tiên lượng cho sự khởi phát cấp của loạn thần sau đẻ.
Sự biểu hiện giai đoạn cấp của loạn thần sau đẻ với các triệu chứng cũng rất đột ngột, phát triển nhanh như: các hoang tưởng phát triển mạnh, ảo giác, hưng cảm hoặc trầm cảm, hành vi kì dị, lú lẫn nặng, cảm xúc phấn chấn và những triệu chứng cảm xúc khác có thể phát triển trong vài ngày đến vài tuần.
Phụ nữ bị loạn thần sau đẻ cần phải được can thiệp y khoa sớm, thường bệnh nhân phải được nhập viện, để đảm bảo an toàn cho mẹ và con. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho kết quả rất tốt. Nếu được phát hiện, điều trị kịp thời có thể hồi phục trong vòng 2 tháng và có thể hồi phục hoàn toàn, mặc dù có thể vẫn còn trầm cảm kéo dài. Việc phát hiện muộn thì điều trị lâu hơn, nặng hơn, khó điều trị hơn và nguy cơ mất an toàn cho mẹ và trẻ. Đặc biệt việc quản lý kém, sẽ dẫn đến tự sát, làm tổn thương tới trẻ sơ sinh, có thể là giết con. Chính vì vậy, điều quan trọng là gia đình của bệnh nhân, các chuyên gia y tế phải có nhận thức và kiến thức về các biểu hiện sớm của bệnh, để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Chủ đề liên quan:
loạn thần nCoV sau sinh Sức khỏe toàn dân sức khỏe việt nam Viêm phổi cấp virus corona