Tình yêu và giới tính hôm nay

Lộn ruột khi chàng rể mắng con gái

Đau lòng nhất “phận” làm bố mẹ vợ có lẽ là khi nghe thấy chàng rể kêu tên mình lên để “dạy vợ”.

“Ba mẹ dạy cô thế thì mang về đó mà sống, nhà này không có thói đó...”, vừa đến cổng nhà con gái, ông Lâm Thành (Võ Thị Sáu, Tp.HCM) sững người vì nghe câu nói đó. Ông định quay ra, nghĩ vào bây giờ chỉ tổ bẽ mặt. Đúng lúc đó, chàng rể trông thấy bố vợ, liền đổi giọng: “Ba, ba đến khi nào vậy, con... mà ba vô đi!”.

Trong tình thế đó thì cách hay nhất là đổi bại thành thắng, vào hỏi cho ra nhẽ vì cớ gì mà cậu rể lại dám mang cả mình ra mắng vợ. Sau khi đã hỏi “tội” hai vợ chồng, ông quay ra nói với con rể: “Cái thói mà anh nói là thói gì?”, “Anh lấy tư cách gì mà nói về việc tôi dạy con tôi”, “Mà vợ chồng ở vơí nhau, có gì không nên không phải thì góp ý, sao phải mang nhà này nhà kia ra mà nói vậy”.

Sau khi kàm một tràng giáo huấn, ông Thành đứng dậy bỏ về, con rể con gái giữ kiểu gì cũng không ở lại. Ngay tối đó, hai vợ chồng con gái trở nhau về xin lỗi ba mẹ. Biết con rể không phải kẻ quá trớn, chẳng qua là nóng nảy nên dại miệng, ông Thành vui vẻ bỏ qua. Nhưng chàng rể từ bữa đó thì ăn nói ý tứ hơn hẳn.

Ảnh minh họa

Nhưng không phải ai cũng có thể dạy con rể được như ông Thành. Bà Hường nghe ông Thành kể thế thì nhận xét: Chàng rể nhà ông biết điều đấy. Hôm trước tôi đi trông cháu cho con gái. Đang ngủ thì nghe hai đứa cãi nhau dưới nhà. Xuống can ngăn, thì chàng rể quát thẳng vào tôi: “Bà lên nhà đi, tôi đang dạy vợ tôi, đây là nhà tôi.”.

Giận thằng con rẻ quá, bà Hường bỏ về ngay trong đêm. Con gái đuổi theo khóc lóc xin mẹ tha lỗi. Còn chàng rể chẳng có được lời nào. Chồng bà thì biết nhẫn nại hơn, không muốn gia đình mất hòa khí nên gọi điện cho hai con về. Nhưng chỉ có con gái về, con rể thì chối, nói là “đi công tác”.

Chuyện nhà ông Trần Minh Tâm (Thị xã Bà Rịa, Vũng Tàu) còn ái ngại hơn. Hôm gia đình có giỗ kỵ, ông bà gọi con dâu, rể, trai, gái về đông đủ. Không hiểu chuyện gì mà ngay sau bữa ăn thì vợ chồng cô con gái út “vặc” nhau. Sẵn chút men, chàng rể càng la lối ầm ĩ, chửi tục trước mặt bố mẹ vợ. Ông Tâm vốn khẳng tính, nghe thế thì tức giận, liền mắng: “Anh về nhà anh đi. Ở đây không chứa người ăn nói thô lỗ thế”. Cô út khóc lóc kéo chồng về.

Hôm sau, nghe vợ khuyên giải, chàng rể cũng đến xin lỗi ông Tâm. Thấy thằng rể, nhớ lại những gì nó nói, cục giận trong ông lại sôi lên. Mặc con rể xin xỏ, ông coi như không có nó. Từ đó chàng rể và nhà vợ ngày càng xa cách. Việc gì nhà vợ, anh ta cũng e ngại, đôi khi còn nói: “Ba có tha lỗi cho tôi đâu, tôi đã xin lỗi rồi, có chuyện gì bên nhà thì cô tự lo.”

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, chả ai muốn chuyện xích mích, nhưng có những mâu thuẫn mà nếu xảy ra giữa bố mẹ với con gái hay con trai thì khác, với con rể thì lại khác. Âu cũng là do quan niệm dâu con rể khách, các ông bố bà mẹ vợ luôn giữ khoảng cách với con rể nên không dễ chấp nhận việc để “khách lấn chủ”.

Còn các ông con rể cũng nghĩ mình chẳng qua là khách nên cũng chả nhất thiết phải quan tâm nhiều đến tâm tư, nguyện vọng, sĩ diện, tình cảm của “chủ” - ổn thì không sao, không ổn thì nhà ai nấy biết. Mọi chuyện sẽ được giaỉ quyết ổn thỏa nếu rể không còn là khách, mà được coi và được đối xử như con.

Đức Thành

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/lon-ruot-khi-chang-re-mang-con-gai-21875/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY