Một thời, đèo Lũng Lô nằm trên trọng điểm đánh phá ác liệt của Thực dân Pháp, nhằm cắt đứt con đường chi viện và hành quân của ta lên mở Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy 5 châu chấn động địa cầu”. Con đèo huyền thoại này đã đi vào không ít thơ ca, truyện, ký, nhạc thậm chí còn là cả hội họa nữa. Hết sứ mệnh lịch sử, lại thêm Quốc lộ 6 nối nhịp đi Tây Bắc đã hanh thông nên đường 13A để nối với Quốc lộ 37 nay chỉ là con đường phụ để xe đi các tuyến nhỏ lẻ như Văn Trấn, Nghĩa Lộ, Phù Yên tìm lăn bánh qua. Và trong cái sự vận hành này, những tháng năm lịch sử hào hùng của hàng nghìn thanh niên trai trẻ các dân tộc đã đóng góp và ngã xuống, rồi hàng vạn tấn bom mà Pháp trút không thương tiếc xuống đây ít được nhắc đến!
Ngày hòa bình chưa được kiến thiết tại Miền Bắc, đường lên “Tây bắc núi vút trùng nghìn xa” vẫn lấy Quốc lộ 32 rồi nối nhịp với Quốc lộ 37 qua các địa danh như Trung Hà, Phố Vàng, Thu Cúc, Phù Yên, Bắc Yên làm chính để lên Điện Biên. Hồi ấy, tuyến đường này không chỉ “Dân công đỏ đuốc từng đoàn” mà còn là lộ hành để các văn nghệ sỹ đi thực tế Tây Bắc, viết lên những trang truyện sống động khích lệ tinh thần kháng chiến của dân tộc.
Bộ đội công binh Trung đoàn 151 phá đá trên đèo Lũng Lô, mở đường vào chiến dịch Điện Biên Phủ. (ảnh tư liệu).
Hết ông Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Đoàn Giỏi… mà trong đó đi bộ nổi tiếng nhất vẫn là cụ Nguyễn. Nghe kể, ngày ấy, sáng từ Hà Nội, Cụ Nguyễn đi bộ, trưa đã đến Phố Mía – “Nhớ cơm Phố Mía, nhớ chè Đông Viên” (Sơn Tây) bây giờ để giở cơm nắm ra ăn. Nhảo chân nhằm Tây Bắc, chiều tối Cụ đã đàng hoàng ngồi rít Thu*c lào ở ngã ba Thu Cúc, giáp với chân đèo Lũng Lô bây giờ để mà chiêm nghiệm cuộc sống, nói chuyện với người Mường, người Tày nơi đây rồi.
Nói đến Lũng Lô, hẳn ít người Việt nào lại không thuộc nằm lòng câu thơ của Nhà thơ Tố Hữu: “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ. Đèo Lũng Lô anh hò chị hát…”. Dốc Pha Đin dài 32km còn đèo Lũng Lô dài có… 15km thôi. Cũng như mọi người, ai đến đây, nếu câu thơ trên thức tỉnh, đem đến sự so sánh thì người ta sẽ cấn cá rằng ngắn như Lũng Lô sao Nhà thơ lại gọi Đèo và dài như Pha Đin sao nhà thơ lại gọi là dốc?
Cái này chắc cũng có nguyên do của nó, xuất phát bằng sự thực tế của sự gian nan một thời được mệnh danh là “Tứ đại kinh hoàng” về đèo lên Tây Bắc ngày ấy như Pha Đin, Cờ-ra-vô, Sìn Hồ . Vì ngày ấy, đèo Lũng Lô ngắn nhưng mức độ phức tạp về địa chất, khúc khuỷu về địa hình thì không ai có thể xem thường cho được. Còn Pha Đin thì tuy có dài nhưng địa hình của nó có phần thuận hơn. Phải chăng chính do hai sự so sánh và cảm nhận về tầm quan trọng này mà Tố Hữu đã dùng hai từ Dốc và Đèo để gọi cho hai nơi yết hầu quan trọng lên Tây Bắc ngày ấy.
Đèo Lũng Lô – Một thuở hào hùng.
Năm 1953, Pháp chọn và thiết lập Cứ điểm Điện Biên Phủ. Với cứ điểm quân sự kiên cố có một không hai này, ngoài bình định Việt Nam thì Pháp còn có tham vọng là chế ngự cả Đông Dương. Đứng trước sự hênh hoang, lại thêm vận mệnh dân tộc với hai chữ Hòa Bình được đặt ra, ta quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, tiêu diệt căn cứ bê tông, sắt thép hết sức hiện đại về quân sự này.
Theo quyết định của Trung ương, tuyến đường lên Tây Bắc được bí mật và củng cố lại để phục vụ cho chuyển quân, chuyển lương, chuyển khí tài cho Chiến dịch. Và đèo Lũng Lô đã trở thành một trong những tuyến đường được đưa lên tầm quan trọng nhất.
Để mở rộng và cải tạo lại đèo Lũng Lô, theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ tham mưu chiến dịch ngày đó, các đơn vị công binh và dân công của hai địa phương là Yên Bái và Sơn La tập trung sức lực để mở đường. Phải nói tinh thần yêu nước của người Việt ta mạnh mẽ thật. Chỉ trong một thời gian ngắn huy động đã có tới 125.000 dân công các dân tộc mà tập trung nhiều nhất là người Mường, người Tày đã chủ động tình nguyện đăng ký có mặt để góp sức.
Ngày ấy, khu thung lũng xã Thượng Bằng La của Yên Bái, dưới các tán lá rừng bí mật, 125.000 dân công đã tề tựu với các dụng cụ tự mình trang bị để cùng các đơn vị công binh mở đường. Dưới những tán rừng cổ thụ này, ngoài dân công, bộ đội còn là sự tìm đến của các văn nghệ sỹ. Họ đến để góp sức, họ đến để sáng tác động viên bộ đội và dân công.
Và nay, đèo Lũng Lô đã trầm mặc với một quá khứ dữ dội, ít các phương tiện qua lại.
Tại Thượng Bằng La, vào một đêm tối trời, sau cuộc hành quân dài đến nơi tập trung, Nhạc sỹ Đỗ Nhuận, hồi ấy là anh lính trẻ của Đại đội súng cối 267 thuộc Đoàn B08 đã có bật trào cảm hứng sau những vất vả để viết lên bài “Hành quân xa” nổi tiếng đến tận bây giờ. “Hành quân xa dẫu qua nhiều gian khổ vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi. Mắt ta sáng chí căm thù bảo vệ đồng quê ta tiến bước đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi…”. Hào sảng, nhiệt thành, bất chấp gian khổ, kể cả cái ch*t vẫn vô tư đã có một thời hiển hiện sống động bằng những ngày hào hùng mở đường qua đèo Lũng Lô này.
Lại nữa, chàng nhạc sỹ đa tài Khóa II Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương do Pháp mở ở Hà Nội là Tô Ngọc Vân trước những xốn xang về Tây Bắc và chiến dịch cũng đã xếp bút nghiên lên đây. Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn; bốn con người tài hoa nức tiếng được cả thày dạy Pháp kính nể về tài họa thì người xếp hàng thứ hai là Tô Ngọc Vân cũng đã có mặt ở Lũng Lô trong những ngày đầu đầy gian khó này.
Ngoài việc góp sức thì những bức họa gắn với bộ đội và dân công ngày mở con đường gian khó này đã lần lượt ra đời. Nổi tiếng nhất trong các bức họa lấy Lũng Lô làm đề tài này của Tô Ngọc Vân phải kể đến là bức “Qua đèo Lũng Lô”. Và đây cũng là bức họa di cảo của đời ông khi ông ngã xuống trên chiến dịch này. Ngày 17/6/1954, tại đây, quân và dân ta đã nghẹn ngào đưa tiễn con người tài hoa, được coi là họa sỹ đầu đàn của nền hội họa Việt Nam về với đất mẹ!
Để tránh hậu họa cho con đường tiếp viện Tây Bắc này, biết Lũng Lô là yết hầu, nếu làm tê liệt đoạn đèo 15km này thì Việt Minh sẽ rơi vào lúng thế nên Thực dân Pháp tập trung đánh phá mạnh. Trong 200 ngày đêm của chuỗi chiến dịch mở và bảo vệ đường ngày ấy, Pháp đã ném xuống Lũng Lô 12.000 tấn bom tương đương với 2.000 quả bom. Mỗi ngày, trung bình Pháp đã cho từ 16 – 18 máy bay đến đây ném bom và ngày cao điểm họ đã ném xuống đây 200 quả bom.
Trong các loại bom phá, bom nổ chậm thì nguy hiểm nhất là Pháp đã chế tạo và đưa vào đây sử dụng một loại bom có tên gọi là “Bom bươm bướm”. Loại này có cánh nhỏ, xòe ra như cánh bướm, khi ném xuống không nổ ngay mà chúng chỉ bị kích nổ khi có người giẫm hay cuốc xẻng động vào. Và loại bom này đã lấy của quân và dân ta không ít sinh mạng và đem thương tật đến cho nhiều người.
Ấy thế mà vượt lên tất cả, vì tiền tuyến, vì Chiến dịch có tên Điện Biên Phủ quân và dân ta vẫn vượt khó, hy sinh tính mạng để con đường đèo huyền thoại có tên Lũng Lô này thông suốt ngày đem. Những đoàn xe thồ, những đoàn quân vẫn bí mật, âm thầm tiến lên Tây Bắc, áp sát Cứ điểm Điện Biên Phủ. Hàng trăm nghìn tấn vũ khí, nhu yếu phẩm, quần áo đã được chuyển qua đây đáp ứng kịp thời cho quân và dân ta để có sức mạnh làm lên chiến thắng.
Giờ, Quốc lộ 32A nối với Quốc lộ 37 lên Tây Bắc đã được trải nhựa phẳng phiu. Con đường 13A cũ, qua đèo Lũng Lô đầy nguy hiểm đã trở lên “trầm mặc” với vài chuyến xe qua mỗi ngày.
Chủ đề liên quan:
Ở Hà