Đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại TP. HCM bởi đến hiện tại, đã xuất hiện nhiều ca lây ra cộng đồng nhưng lại chưa thể tìm ra nguồn lây. Virus lây lan mạnh và rất nhanh, nếu không xác định, truy vết được các ca lây nhiễm đồng nghĩa với việc không thể dập dịch. Nếu chúng ta không ngăn được, trong thời gian ngắn, từ F0 sẽ lây ra F1, F2, thậm chí F3, F4. Những người này lại trở thành F0 và gây ra các ổ dịch mới khiến dịch lan rộng rất khó để kiểm soát.
Đặc biệt, trong chuỗi lây nhiễm Covid-19 tại TP. HCM lần này có trường hợp 5 người tại một công ty phục vụ mặt đất ở sân bay Tân Sơn Nhất mắc bệnh, 6 nhân viên khác tiếp xúc gần (F1) có xét nghiệm âm tính nhưng người nhà của họ (F2) lại có người dương tính. CDC TP. HCM nhận định đây là ổ lây nhiễm đã có từ trước của các công nhân ở công ty này.
Cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm cho nhân viên làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất. |
Theo GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, người có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng lại lây SARS-CoV-2 cho những trường hợp tiếp xúc đang là vấn đề đau đầu của ngành y tế thành phố. Nếu không xác định được cơ chế lây nhiễm việc phòng chống dịch sẽ gặp nhiều khó khăn, các xét nghiệm kiểm tra truy tìm nguyên nhân đang được thực hiện.
Trước tình hình này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu việc xét nghiệm cần tiến hành rà soát lại trong cộng đồng, sân bay, cần làm nhanh xét nghiệm kháng thể đối với nhóm bốc xếp ở sân bay. Ông Sơn nhấn mạnh phải có những bằng chứng khoa học để xem các nhóm bệnh nhân vì sao tiếp xúc với người âm tính nhưng lại dương tính, phải làm thật nhanh việc này để có giải pháp chống dịch hiệu quả nhất.
Người có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng lại lây SARS-CoV-2 cho những trường hợp tiếp xúc đang là vấn đề đau đầu của ngành y tế thành phố. |
Lý giải về ca bệnh lạ này, trả lời báo Doanh nghiệp và Tiếp thị, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng đây không phải trường hợp "ngoại lệ" của virus. Bà Nga đưa ra 3 tình huống lý giải cho ca bệnh F1 âm tính, F2 dương tính này.
- Tình huống 1: F1 mắc bệnh từ F0 nhưng không có hoặc triệu chứng rất nhẹ. Có thể F1 mắc bệnh đã khỏi trong khi F2 bị lây nhiễm nhưng chưa khỏi. Vào thời điểm xét nghiệm, F1 sẽ âm tính còn F2 vẫn dương tính. Lúc này, muốn biết F1 có phải nguồn lây hay không thì phải làm xét nghiệm kháng thể.
- Tình huống 2: Không phải lúc nào xét nghiệm cũng xác định được ca bệnh dương tính ngay, có trường hợp phải xét nghiệm tới lần thứ 3 mới xác định dương tính với Covid-19. Đây cũng là lý do vì sao cần cách ly F1 để theo dõi.
- Tình huống 3: Dịch bệnh lây lan trong cộng đồng và người nào cũng có thể là nguồn lây nhiễm. Có thể F2 lây nhiễm ở đâu khác chứ không phải lây từ F1. Trừ trường hợp F2 trẻ nhỏ, người già, người nội trợ… không đi đâu và tiếp xúc với ai nhưng mắc bệnh thì mới có thể khả năng cao lây từ F1.
Với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP. HCM, mỗi cá nhân nên có ý thức tự bảo vệ mình thực hiện đầy đủ theo nguyên tắc 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Ánh Dương
Theo Người đưa tin
Chủ đề liên quan: