Tình yêu và giới tính hôm nay

Ly hôn và cuộc chiến phân chia tài sản

Khi không còn tình yêu, quyết định chia tay sẽ giải thoát cho cả vợ và chồng, nhưng chia tay thế nào để đẹp cả đôi đường thì không phải người nào cũng làm được.

Cuộc sống của vợ chồng Vy - An đã xuất hiện những vết rạn từ lâu, chỉ đến khi An công khai đi lại với cô gái khác thì Vy không chịu nổi, cô quyết định ly hôn. Mọi thủ tục Vy đều nhờ luật sư làm, An cũng không ý kiến gì nhiều. Chỉ đến phần định giá và chia tài sản thì cả hai lại nảy sinh mâu thuẫn gay gắt.

Căn nhà mà họ ở chung An đồng ý nhường lại cho mẹ con Vy, nhưng riêng ba mảnh đất ở ngoại thành và chiếc ô tô vừa mua đầu năm thì anh nhất định cho rằng nó phải thuộc về anh. Tất nhiên Vy không bao giờ đồng ý điều đó, cô cho rằng tất cả tài sản đều phải chia đôi. Và thế là hai vợ chồng lao vào cuộc chiến dành giật tài sản, họ thuê luật sư tìm mọi kẽ hở của nhau, miễn sao chiếm được phần nhiều.

Ảnh minh họa

An thì cho rằng mọi thứ trong gia đình đều do bàn tay anh làm ra, và quả thực với mức lương hơn 1.000 USD, chưa kể thưởng và các khoản hoa hồng khác, thì An hoàn toàn có lý khi cho rằng anh ta làm ra thì phải được hưởng phần nhiều hơn. Nhưng Vy cũng không phải "gà mờ", cô lý luận rằng, ai làm ra không quan trọng, quan trọng hơn đó là khối tài sản chung, có được từ khi họ nên vợ nên chồng, nên về nguyên tắc và quy định của pháp luật, thì cô và con hoàn toàn có quyền được hưởng một phần từ số tài sản là ba mảnh đất là chiếc xe hơi đời mới...

Cứ thế, từ đôi vợ chồng hạnh phúc họ trở thành kẻ thù trên hai chiến tuyến, không gặp nhau thì thôi, chứ cứ giáp mặt nhau ở tòa là họ bắt đầu to tiếng, kể tội nhau và dùng mọi lời lẽ để giành phần tài sản lớn hơn về phía mình.

Không giàu có như vợ chồng An - Vy, Hùng và Hạnh chỉ có chung một căn nhà nhỏ trong ngõ, nơi nhiều năm về trước từng chứng kiến những nụ cười hạnh phúc trong cuộc sống gia đình họ. Cả hai đều là viên chức nhà nước, đồng lương chỉ đủ sống, hoặc khá lắm cũng chỉ dành ra được đôi ba triệu mỗi tháng phòng khi con ốm đau hoặc nhà có việc cần. Chính vì vậy, khi ly hôn, tài sản, mà đặc biệt là ngôi nhà duy nhất đã trở thành mối quan tâm quan trọng nhất với họ.

Hạnh thì cho rằng: cô nhận nuôi cả hai con thì đương nhiên ngôi nhà sẽ phải thuộc về mẹ con cô, Hùng chỉ có một mình có thể về ở nhà bố mẹ đẻ hoặc ở tạm phòng tập thể trên cơ quan. Nhưng Hùng không đồng ý thế, anh ta không muốn ra đi trắng tay, ngôi nhà tuy nhỏ nhưng với thực trạng giá nhà đất lên vùn vụt như hiện nay thì 1/2 số tiền bán nhà cũng đủ để anh mua được miếng đất nhỏ khác để bắt đầu cuộc sống. Mâu thuẫn nảy sinh từ đó, ai cũng có lý của mình và khăng khăng cho mình là đúng. Không có tiền thuê luật sư, họ bèn nghĩ cách tạo thêm sức mạnh cho mình bằng cách lôi bạn bè, gia đình vào cuộc chiến.

Sự chanh chua của hai cô em gái trước đây là thứ khiến Hùng bực mình và ghét nhất thì nay nó trở thành trợ thủ đắc lực cho anh. Hai cô em gái không thể chấp nhận để anh trai mình ra đi với hai bàn tay trắng để về ăn bám bố mẹ sau bao năm làm hùng hục nuôi người dưng, chính vì vậy họ thường xuyên nhắn tin, gọi điện khủng bố Hạnh để chị chấp nhận nhường nhịn và nghe theo ý Hùng.

Nhưng họ hàng nhà Hạnh cũng không vừa, họ đưa ra lý lẽ: một mình Hạnh phải nuôi hai đứa con, trong khi đồng lương của cô cũng không khá khẩm hơn chồng là bao, nếu nhường nhà thì không biết bao giờ cô mới có khả năng mua nhà mới, còn đi thuê thì cuộc sống của ba mẹ con càng chật vật hơn. Vì lẽ đó, "không đời nào và không bao giờ có chuyện nhường nhà cho người cha bạc bẽo đó" - Hạnh tuyên bố.

Chia tay là thực tế không ai mong muốn, nhưng khi chuyện xảy ra, việc đầu tiên mà các cặp vợ chồng nên quan tâm là những chấn động tâm lý của bản thân và quan trọng nhất là của những đứa con. Tài sản cũng quan trọng, nhưng nếu biến việc này thành những cuộc tranh đấu thì người tổn thương nhất là các con, lũ trẻ không có tội, và nhất là không bao giờ muốn cha mẹ chúng đứng ở hai chiến tuyến, coi nhau như quân thù quân hằn.

Chưa kể, sự công bằng nào cũng chỉ mang tính chất tương đối, nếu là nhường nhịn để cho con có cuộc sống yên ấm, hạnh phúc hơn thì chắc chắn chả cha mẹ nào nỡ lòng. Bản thân người viết cũng gặp không ít trường hợp ly hôn người đàn ông để lại toàn bộ tài sản cho vợ con, bởi họ quan niệm, khi cuộc sống gia đình đã không hạnh phúc thì tiền bạc, của cải cũng trở nên vô nghĩa. Thế mới biết, dù ở thời đại nào, gia đình cũng luôn là nền tảng vững chắc tạo nên hạnh phúc.

Lê Nga

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/ly-hon-va-cuoc-chien-phan-chia-tai-san-19748/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY