Tình yêu và giới tính hôm nay

Mắng dâu, mắng cả thông gia

“Các cụ xưa dạy: 'lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống', quả cấm có sai. Con mà không có bố, hỏi sao không 'mất dạy' cho được”.

Bà Mai chì chiết con dâu như thế, khi vô tình chứng kiến cảnh hai vợ chồng cậu con quý tử “cãi vã”. Nghĩ lại, nếu ngày ấy nó chịu nghe bà lấy đứa con gái bà bạn thân, nhà vừa giàu có, lại ngoan hiền thì mâu thuẫn ngày hôm nay chắc gì đã xảy ra. Con với chả cái, “đường quang không đi lại đâm quàng bụi rậm”, bà Mai ấm ức.

Ảnh minh họa

Trông tượng mẹ mà vẽ tượng con

Chẳng là, cô con dâu bà có “lý lịch trích chéo” không lấy gì làm tự hào: mẹ cô quá lứa lỡ thì, không chồng, đến “tứ tuần” mới sinh cô để làm bầu bạn. Bà thấy mất mặt khi phải làm thông gia với nhà ấy, nên bà đã phản đối kịch liệt cuộc hôn nhân này. Thế nhưng, cuối cùng bà phải chịu thua bởi một phần nói con không nghe lời, một phần bị ông nhà thuyết phục rằng: “con cái không chọn được bố mẹ để sinh ra”, rồi con bé cũng hiền lành, nết na...

Vì vậy, dù bên ngoài có tỏ ra “bằng mặt’, nhưng thực sự bà không hề “bằng lòng” chút nào. Nhà thông gia có việc gì bà cũng tìm cách để không phải tham dự. Nhiều lần muốn gạt bỏ tất cả để “chung sống hoà bình” với con dâu, nhưng cái nhìn thiếu thiện cảm về “quá khứ” của thông gia luôn ám ảnh tâm trí bà. Nó là rào cản vô hình ngăn cách bà với con dâu. Và mỗi khi con dâu mắc lỗi, bà Mai nghĩ ngay tới câu: “Con hư tại mẹ”.

Chuyện hôm nay cũng vậy, vợ gì mà chồng nói một câu, cãi một câu. Mẹ chồng nói nó, thì nó vì bênh mẹ ruột mà dám hỗn láo, thách thức bà rằng: “Mẹ thật quá đáng! Con sai mẹ nói con thôi chứ đừng đụng chạm đến mẹ đẻ con”. Nghe vậy, quá tức giận nên bà Mai đã tát con dâu, rồi dọa “trả về cho mẹ đẻ”, nhưng không ngờ nó bỏ đi thật.

Hai ngày con dâu vắng nhà, con trai không trách mẹ một câu nhưng cứ đi làm về là nó lên phòng. Có hôm còn đi uống rượu cho thật say mới chịu về nhà khiến bà Mai không thể không suy nghĩ. Hay là bà “quá đáng” thật?

Kể ra từ ngày về làm dâu nhà bà, con dâu chưa từng lơ là việc gì, giỗ chạp, tết nhất nó đều lo chu đáo. Những khi trái gió trở trời, bà ốm, nó cũng sốt sắng lo lắng, hỏi han. Thật ra trong giao tiếp, ứng xử, có nhiều cái nó còn ngoan hơn cả chồng nó. Vậy mà, hình như chưa bao giờ bà thông cảm cho con dâu. Nó mệt, chồng nó giúp đỡ thì bà xót con mà cho rằng nó õng ẹo, đùn việc cho chồng. Nó đi đâu về muộn nhờ nấu cơm hộ thì bà cho nó mải chơi, ỉ lại. Kể con bé cũng tội nghiệp thật! Nó không có may mắn có cha như mọi người, lẽ ra cần phải được cảm thông và chia sẻ hơn mới đúng. Thế mà bà lại đay nghiến con vì chuyện ấy. Có khi nào lần này chúng nó ly hôn vì bà không nhỉ?

Bà đang nghĩ sẽ nhờ con trai làm cầu nối cho mình, thì bất ngờ con dâu xuất hiện. Nó về nhà xin lỗi bà, mong bà bỏ qua chỉ vì lúc đó thấy mẹ chồng xúc phạm mẹ đẻ nên đã phản ứng như thế. Con dâu cũng bày tỏ là bấy lâu luôn muốn sống tốt để “chuộc lỗi” cho quá khứ, nhưng lại sợ bà không chấp nhận. Thấy con thực tâm như vậy, bà Mai nghĩ nếu mình không thay đổi lối suy nghĩ thì bà sẽ còn làm khổ con cái bởi sự khắt khe, hẹp hòi, định kiến của mình.

Nguyễn Dịu

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/mang-dau-mang-ca-thong-gia-21482/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY