Tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Hà Đông không bảo đảm các điều kiện bảo quản thực phẩm. Ảnh: Phương Nga |
Theo thống kê của ngành nông nghiệp Hà Nội, tỷ trọng cung cấp hàng hóa thực phẩm tại chợ truyền thống chiếm bình quân khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, có một bất cập là các chợ phát triển tự phát, tập trung chủ yếu ở nông thôn nên cơ sở hạ tầng yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Qua khảo sát một số chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội như chợ Thành Công, Hà Đông, Đục Khê (Hương Sơn, Mỹ Đức), Phủ Quốc Oai… không khó để nhìn thấy ngay những rủi ro về mất ATVSTP. Phổ biến nhất là tình trạng thực phẩm tươi sống bày bán la liệt mà không có tủ bảo quản. Tại một số chợ vẫn còn tình trạng thực phẩm đã nấu chín bày cạnh thực phẩm tươi sống. Cùng với đó, hàng hóa được bày bán la liệt, đa dạng, rất khó khăn trong kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng, nhiều mặt hàng thực phẩm nông sản tươi sống không có bao bì, tem nhãn… Bà Nguyễn Thị Hạnh, tiểu thương bán thịt tại chợ Hà Đông cho biết: “Trung bình mỗi ngày tôi bán hết hơn 1 tạ thịt lợn. Hàng được nhập tại lò mổ ở Thanh Trì. Điều mà tôi quan tâm hàng ngày là giá cả sản phẩm, còn trước đó lợn được nhập ở đâu tôi không để ý”.
Theo Phó Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sự hiểu biết các quy định về ATVSTP của cán bộ quản lý chợ và các hộ kinh doanh còn nhiều hạn chế. Cùng với đó là thói quen dễ dãi trong tiêu dùng của người dân, vô tình đã tiếp tay cho những người kinh doanh sản phẩm mất an toàn. Chia sẻ về những khó khăn trong công tác quản lý ATVSTP tại chợ, ông Loát cho biết: Hệ thống quản lý, thanh tra, kiểm tra liên ngành và kiểm nghiệm của các chợ chưa đầy đủ, thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị kiểm tra nhanh tại chỗ. Việc triển khai xét nghiệm lấy mẫu gặp nhiều khó khăn. “Trên thực tế, để phát hiện ra các chất độc tố, hóa chất tồn dự thực phẩm đòi hỏi quy trình lấy mẫu kiểm định hết sức phức tạp, chi phí lớn, thời gian kéo dài. Trong quá trình lấy mẫu và chờ kết quả kiểm định phải tạm dừng kinh doanh thực phẩm nghi có vi phạm” – ông Loát chia sẻ.
Để kiểm soát chặt ATVSTP tại các chợ truyền thống, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó phát huy vai trò chỉ đạo của các cấp chính quyền sở tại. Song song với đó, cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền và ký cam kết đối với các hộ kinh doanh. Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn cho người tiêu dùng có kiến thức và biết lựa chọn thực phẩm an toàn và thay đổi thói quen tiêu dùng từ dùng thịt nóng sang dùng thịt mát, hoặc thịt đông lạnh có kiểm soát về ATVSTP. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, truy xuất nguồn gốc hàng thực phẩm ra vào chợ. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về vệ sinh ATTP. Tuy nhiên theo ông Sơn, ngay từ đầu cần thực hiện tốt việc quản lý, xây dựng liên kết chuỗi từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. “Đây là khâu rất quan trọng, bởi nếu chỉ quản lý thực phẩm tại chợ thì chúng ta mới giải quyết được bề nổi của vấn đề” – ông Sơn phân tích.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, trước mắt cần đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị tại các chợ đã xuống cấp, phục vụ tốt cho các hộ kinh doanh. Cùng với đó, bố trí kinh phí cho việc tuyên truyền, mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho việc kiểm tra, phân tích mẫu. Mặt khác, cần nâng cao trách nhiệm của người kinh doanh thực phẩm về các mối nguy hiểm từ việc sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Toàn TP hiện có 454 chợ, gồm 15 chợ hạng 1, 65 chợ hạng 2, 311 chợ hạng 3, 63 chợ chưa phân hạng. Có 2 chợ đầu mối và 4 chợ hoạt động mang tính chất đầu mối. Qua rà soát, có 310/454 chợ đã được phê duyệt phương án bố trí sắp xếp ngành hàng. |