12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Mất vía vì nước uống đóng chai

(SKGĐ) Đang chăm mẹ mới mổ ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Tp.HCM, chị T. Huyền (Cần Đước, Long An) lại gặp phải chuyện dở khóc dở cười khi chính chị cũng phải nhập viện do… uống nước uống đóng chai dỏm bán ở cổng bệnh viện.

Phát bệnh vì nước rởm

Chị Huyền cho biết mấy hôm trước trời mưa to, phòng bệnh hết nước uống nên chị chạy vội ra cổng mua một chai. Trời mưa, đèn lờ mờ khiến chị không phân biệt được rõ, cứ nghĩ đã mua đúng hiệu LaVie nên thản nhiên ngửa cổ uống ngay tại chỗ. Nửa đêm hôm đó chị bị cơn đau bụng quằn quại. Chị đau đến mức tái xanh mặt mày và phải gọi bác sĩ trực cấp cứu ngay trong đêm.

Nằm trên giường bệnh, chị thều thào kể lại: “Sau khi uống nước. Hơn 2 tiếng sau tôi bị đau đến ngất xỉu. Lúc bấy giờ nhìn sang chai nước đó mới biết là mua trúng chai LaVe chứ không phải La Vie”.

Chính vì đơn giản, dễ làm, lợi nhuận cao đã khiến thị trường nước uống đóng chai trở nên… bát nháo. Dạo một vòng quanh các cửa hàng bán nước uống đóng chai, người tiêu dùng sẽ không khỏi hoa mắt như đang lạc vào mê hồn trận.

Bên cạnh những thương hiệu quen thuộc như Aquafina, LaVie, Vikoda… các sản phẩm nhái với cái tên na ná kiểu như Aquatina, Aquafifa, LaVe, LaVi… cũng ngập tràn. Giá cả các nhãn nước đóng chai này thường được bán với giá rẻ hơn khá nhiều so với các nhãn có tiếng tăm khác. Nếu một chai nước nhái có dung tích 1,5 lít được bán từ 6.000-7.000 đồng/chai thì các nhãn có tiếng phải bán đến 8.000-9.000 đồng/chai.

Khi mua những chai nước nhái này, nhiều người không biết rằng họ đang uống những chai nước kém chất lượng, có khả năng gây bệnh. Nguyên nhân bắt nguồn từ những cơ sở sản xuất hộ gia đình, sản xuất “chui”, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Công xưởng nhếch nhác tại một cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết đóng chai

Công nghệ tiên tiến, thẩm thấu… nói cho có mà thôi!!!

“Công nghệ lọc ozone hay thẩm thấu bằng tia cực tím được ghi trên nhãn các chai nước nhái chỉ là… nói cho có mà thôi. Vì nếu làm đúng theo công nghệ đó thì chủ đầu tư phải bỏ ra hàng tỷ đồng, bao giờ cho thu lại vốn và có lãi hả chú? Hàng tháng còn phải trả nợ ngân hàng nữa?”. Anh Phương, nhân công tại một cơ sở sản xuất nước uống đóng chai ở quận Tân Phú, Tp.HCM thừa nhận với chúng tôi như vậy.

Cũng chính vì đơn giản, dễ làm và lợi nhuận cao nên hiện có quá nhiều cơ sở sản xuất “nước uống đóng chai tinh khiết” hình thành. “Chỉ cần khoảng 60 triệu đồng, một khoảnh đất nhỏ thôi là có thể dựng nên cơ sở chuyên sản xuất “nước uống đóng chai tinh khiết”.

Anh Phương cũng cho biết, hiện tại các cơ sở sản xuất nước uống như chỗ anh đang làm có rất nhiều, cho nên về giá cả cũng phải cạnh tranh gay gắt. Thông thường, một chai nước 1,5 lít tại xưởng của anh xuất ra có giá 3.500 đồng, đến các đại lý nhỏ lẻ thì giá rơi vào khoảng 6.000-7.000 đồng.

Chỉ dựa vào giá thành 3.500 đồng cho mỗi một chai nước, bao gồm cả vốn đầu tư công nghệ, tiền thuê nhân công, mặt bằng, vận chuyển… cũng đủ để người ta đặt dấu hỏi lớn về chất lượng nước của những cơ sở sản xuất này trong khi các nhà sản xuất không bao giờ chịu lỗ.

Bình nước cũ được tái sử dụng

Anh Thắng, công nhân của một cơ sở sản xuất nước tinh khiết ở Q.12, Tp.HCM không hề dấu diếm khi tôi đặt vấn đề: “Tôi đi làm ở mấy nơi rồi nên tớ dám khẳng định, không ít các cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết đóng chai tự quảng cáo, giới thiệu sản phẩm của mình là nước khoáng thiên nhiên, nước uống thiên nhiên tinh khiết hoặc nước khoáng vừa thiên nhiên vừa tinh khiết, được sản xuất theo công nghệ tiên tiến nhất. Nhưng thực chất chỉ là nước giếng khoan, nước máy được lọc bằng than hay sỏi. Thậm chí có nơi lấy nước sông, đóng chai ngay cạnh nhà vệ sinh... thì có trời mà biết!?”.

Trong quá trình tìm hiểu tư liệu thực hiện bài viết này, chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến công nghệ “nước đóng chai tinh khiết” dán nhãn hiệu Asona trên địa bàn Sóc Sơn, Hà Nội. Từ ngoài ngõ đi vào chỗ gọi là công xưởng sản xuất, hai bên lối đi la liệt chai nhựa rỗng đang được phơi trên nền đất ẩm thấp lẫn cỏ rác. Vào đến nơi, chúng tôi phải liên tục khịt mũi vì mùi hôi thối bốc lên từ khu nhà vệ sinh rộng nằm cạnh đấy.

Mặt bằng công xưởng chỉ rộng chừng 20m2 nhưng bề bộn bình đựng nước cáu bẩn. Nhìn trước nhìn sau, chúng tôi chỉ thấy có mấy cái máy cũ là có tí liên quan đến hai chữ “công nghệ”, mấy thứ còn lại trong công xưởng đều mang nặng dấu ấn thủ công đúng như lời tâm sự của một nữ công nhân ở đây: “quy trình sản xuất ở đây phần lớn được làm bằng tay”.

Chưa cần luận bàn đến việc quy trình sản xuất được làm bằng tay hay bằng máy móc, chỉ riêng vấn đề bảo đảm vệ sinh ở công xưởng này đã là vấn đề nóng bỏng. Ngay trong khu dùng để lọc nước, quần áo của nhân viên cứ vô tư treo đầy phía trên. Ngay cạnh khu đóng chai là khu vệ sinh đang bốc mùi nồng nặc… Ấy thế nhưng những cảnh đó đều trở thành “chuyện nhỏ như con thỏ” khi chúng tôi thấy phía sau khu lọc nước là chiếc vòi bơm đang ra sức bơm nước từ lòng sông vào bể chứa của công xưởng để chờ được hô biến thành nước đóng chai tinh khiết!?

Nhập nhằng khâu kiểm tra

Ma trận nước uống tinh khiêt đóng chai

Quy trình sản xuất nước uống đóng chai hiện nay đã bị "tối giản" tới mức chỉ cần mấy mét vuông nhà, vài chiếc bình lọc... là đã có thể cho ra sản phẩm. Và việc mở cơ sở sản xuất kinh doanh nước tinh khiết đóng chai hiện nay cũng quá đơn giản. Chỉ cần lấy mẫu nước của cơ sở sản xuất rồi nộp cho cơ quan y tế dự phòng kiểm tra, xét nghiệm mẫu nước, nồng độ PH... vậy là có thể được cấp giấy phép hoạt động.

Theo số liệu thống kê cho thấy, hiện cả nước có hàng nghìn cơ sở sản xuất, hàng trăm nghìn cơ sở kinh doanh nước tinh khiết đóng chai nhưng chủ yếu là do các cơ sở sản xuất quy mô vừa và nhỏ cung cấp. Sự bát nháo của thị trường nước tinh khiết đóng chai khiến cơ quan chức năng gần như không quản lý xuể.

Mới đây, các thành phố lớn trên cả nước như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng… cho công bố hàng loạt nhãn hiệu nước tinh khiết đóng chai nhiễm khuẩn, đặc biệt là khuẩn coliforms có thể gây ra các bệnh về đường tiêu hóa. Tình trạng hỗn loạn nước tinh khiết đóng chai này đã từng được TS. Lâm Quốc Hùng, Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm cảnh báo: “Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là do đa số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nước uống đóng chai có quy mô nhỏ và vừa, công nghệ còn chưa được đầu tư thoả đáng, địa bàn sản xuất không bảo đảm điều kiện vệ sinh... Trách nhiệm của người sản xuất, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đóng chai trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế, có tư tưởng đối phó với các quy định của pháp luật”.

Một cán bộ (xin được giấu tên) thanh tra Sở y tế Hà Nội khẳng định: “Lần nào kiểm tra các cơ sở sản xuất nước tinh khiết trôi nổi chúng tôi cũng đều thấy vi phạm đủ kiểu như hạ tầng sản xuất chưa đạt, không kiểm nghiệm mẫu nước nguồn dùng để sản xuất 2 lần/năm theo quy định, nhân viên sản xuất không có kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa được khám sức khỏe để hạn chế vi khuẩn bệnh đường ruột lây lan sang sản phẩm…”. Nhưng điều đáng nói ở đây là không hiểu vì sao, sau những giấy phạt cụ thể như thế các cơ sở sản xuất nước tinh khiết đóng chai vẫn có thể xoay sở để trở lại hoạt động một cách bình thường?

HL2007

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/mat-via-vi-nuoc-uong-dong-chai-16425/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY