12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Mật vịt: Trị sỏi hay tạo thêm sỏi?

(SKGĐ) Nhiều người thấy vịt tiêu hóa được cả sỏi, vỏ ốc nên cho rằng dùng mật vịt sẽ trị được sỏi thận, sỏi mật… Nhưng nhiều chuyên gia khẳng định mật vịt không thể chữa được bệnh còn gây nguy hiểm.

Xơ gan, tử vong vì nuốt mật vịt

Chị Nguyễn Thị L. 46 tuổi, ở Nam Định bị sỏi trong gan. Được người quen mách nuốt mật vịt sống sẽ thải được sỏi ra ngoài, chị cũng làm theo. Nuốt được 2 chiếc mật vịt, chị bị đau bụng dữ dội phải đi cấp cứu. Khi được chuyển đến Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, chị L. đã trong giai đoạn suy gan, suy thận cấp và hôn mê.... Dù được lọc máu nhưng chị vẫn tử vong.

TS.BS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc BV Bạch Mai cho biết: Hàng năm trung tâm đều phải cấp cứu cho vài chục trường hợp bị nhiễm độc mật với các triệu chứng như vàng da, vàng mắt, nhiều trường hợp ngộ độc mật nặng dẫn đến viêm gan, suy gan, chảy máu khắp nơi, hoặc vô niệu (không tiểu tiện được. Trong các trường hợp ngộ độc mật, có không ít người ngộ độc vì mật vịt.

Những người dùng mật vịt cũng như nhiều loại mật khác trị bệnh bởi vì họ liên tưởng: Mật giúp các con vật này tiêu hóa tốt, như mật vịt giúp vịt tiêu hóa được sỏi, vỏ ốc, vỏ hến; Vậy thì người dùng mật của chúng vào sẽ giúp tiêu hóa tốt và có thể làm mòn những viên sỏi trong cơ thể người. Nhưng PGS.TS Đỗ Khắc Hiếu, Trưởng bộ môn công nghệ tế bào động vật, Viện Công nghệ sinh học, Hà Nội cho biết rất nhiều người chỉ biết uống mật vịt để chữa sỏi thận, sỏi gan mà không biết rằng nó còn gây viêm gan. Nguyên nhân, theo PGS.TS Đỗ Khắc Hiếu là do trong mật vịt, ngan, ngỗng chứa acid chenodeoxycholic (CDC) có thể gây viêm gan. Việc dùng nhiều mật vịt sẽ dẫn tới bị xơ gan.

Không chữa sỏi mà còn gây sỏi

Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông Y Việt Nam cho biết, mật vịt có tên là gia áp đảm, có vị đắng, tính hàn, có tác dụng tả hỏa, tiêu độc, chống kinh phong, co giật nhưng không có tác dụng chữa sỏi. Dùng mật vịt chữa sỏi mật, thận, gan là cách dùng dân gian thiếu cơ sở khoa học, chưa được nghiên cứu chứng minh. Đồng quan điểm này, thầy thuốc nhân dân, bác sỹ Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam cũng khuyên không nên dùng mật vịt trị bệnh. Vì đường dẫn mật thông với ruột, nơi chứa rất nhiều vi khuẩn nên mật động vật dễ bị nhiễm vi khuẩn. Việc nhiễm khuẩn đường lại là một nguyên nhân gây ra sỏi mật. Do đó việc dùng mật vịt nhiễm khuẩn cũng là cách gia tăng nguy cơ bị sỏi.

Còn với những người khỏe mạnh, dùng mật càng dễ nguy hiểm. Nguyên nhân là bản thân mỗi người đều có một cái mật rất to tiết ra đủ dịch mật để tiêu hóa thức ăn. Việc sử dụng lượng lớn mật, với nồng độ "đậm đặc" sẽ bị nhiễm độc gây ra phá hủy tế bào gan. Sau đó, chất độc của mật đi qua ống thận gây viêm ống thận cấp dẫn đến vô niệu không tiểu tiện được.

Cách sơ cứu khi ngộ độc mật

Khi ngộ độc mật, bệnh nhân có dấu hiệu đau bụng dữ dội, nôn, tiêu chảy, vàng da, đi tiểu ít, có khi vô niệu. Nặng hơn có thể bị phù não, phù phổi cấp, nhịp tim chậm, co giật toàn thân, vàng da, vàng mắt, suy gan, suy thận… Khi thấy các dấu hiệu này, người nhà hoặc bệnh nhân cần gây nôn trước rồi nhanh chóng đưa đi cấp cứu.

Hà Linh

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/mat-vit-tri-soi-hay-tao-them-soi-6368/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY