Sức khỏe hôm nay

Mẹ bầu thích ăn đồ cay, nóng: Thai nhi trong bụng sẽ có phản ứng như thế nào?

Trong thời gian mang thai, nhiều mẹ bầu thường có thói quen ăn những thực phẩm có tính cay, nóng. Tuy nhiên, nhiều mẹ bầu cũng thắc mắc liệu thói quen ăn uống này có ảnh hưởng đến bé hay không

Trên thực tế, bà bầu thèm ăn cay do khi mang thai, cơ thể thay đổi hormone dẫn tới việc thói quen và sở thích cũng bị rối loạn. Không chỉ thay đổi khẩu vị khi ăn uống mà những yếu tố ngoại hình hay những dấu hiệu khác về sức khỏe của mẹ cũng thay đổi không ít.

Vì thế, nhiều mẹ bầu thường có xu hướng thèm ăn các món cay, nóng. Tuy nhiên, may mắn là thực phẩm cay không ảnh hưởng tới bé trong bụng.

Theo các nghiên cứu về dinh dưỡng thì sự thèm ăn cay của phụ nữ mang thai thường phát sinh từ sự thay đổi nội tiết tố, tạo cảm giác thèm ăn, hoặc do người mẹ đã quá ngán ngẩm với các món ăn dưỡng thai thường ngày.

Trên thực tế, ở rất nhiều quốc gia trên thế giới thì việc ăn cay khi mang thai là bình thường. Việc sinh con vẫn không có vấn đề bất ổn, thậm chí đứa trẻ sinh ra còn có khẩu vị đa dạng và “dễ nuôi” hơn. Khi ở trong bụng mẹ, bé thích thay đổi vị giác hơn. Nếu bé được nếm thử nhiều vị khác nhau trước và sau khi sinh thì sau này bé sẽ ít kén ăn hơn. Nghiên cứu cho rằng những trẻ được thưởng thức nhiều hương vị sẽ dễ chấp nhận những vị mới và thúc đẩy ăn uống tốt hơn. Nếu bé được nếm nhiều vị ngay từ trong bụng mẹ, thói quen đó sẽ được củng cố suốt cuộc đời. Nếu bạn muốn cho bé nếm được nhiều thứ hơn, bạn có thể chọn những loại thực phẩm có thể vận chuyển được qua dịch ối hoặc sữa mẹ như vani, cà rốt, tỏi, hoa hồi và bạc hà.

Nhưng, đồ tốt cho sức khỏe nếu ăn quá nhiều cũng gây hại. Đối với đồ cay cũng vậy, nếu bạn sử dụng chúng ở mức độ vừa phải sẽ tốt cho sức khỏe các mẹ bầu. Vì thế, mẹ bầu nên ăn cay với tần suất vừa phải, và ăn ở nồng độ cay vừa. Mẹ bầu cũng cần lựa chọn các thực phẩm cay một cách an toàn. Không nên ăn các thực phẩm có nồng độ cay quá cao, không nên ăn cay thường xuyên. Ngược lại, ăn quá nhiều thức ăn cay có thể ảnh hưởng nhất định đến bà bầu gây ra những rủi cho cho sức khỏe như:

Ốm nghén nặng hơn

Hiện tượng ốm nghén thường phổ biến ở giai đoạn đầu của thai kỳ do thay đổi nồng độ hormone. Bà bầu ăn cay có thể khiến cơn ốm nghén diễn ra mạnh mẽ hơn.

Ợ nóng

Chứng ợ nóng thường gặp khi mang thai, đặc biệt là ở giai đoạn cuối thời kì mang thai. Khi mà em bé của bạn bắt đầu chiếm nhiều chỗ hơn. Nguyên nhân của chứng ợ nóng là do sự gia tăng hormone progesterone làm mất nắp trong khí quản của bạn, làm cho nước dạ dày không ngừng quay trở lại. Thêm vào đó, thực phẩm cay có thể làm chứng ợ nóng bị nặng hơn vì chúng làm gia tăng sự sản xuất axit trong dạ dày, đặc biệt là trong những tháng cuối của thai kỳ.

Táo bón

Các yếu tố dẫn đến táo bón thai kỳ bao gồm: Sự thay đổi nội tiết tố progesterone gây ra sự co giãn và lỏng lẻo của các dây trong thành ruột. Do trọng lượng của thai nhi trong bụng mẹ đè lên ruột. Tác động của việc này lên các khoảng trống trong bụng khiến chuyển động trong ruột trở nên khó khăn hơn. Do hoạt động của ruột non bị suy yếu và chậm lại. Trong quá trình mang thai, nếu mẹ ăn đồ cay nóng quá nhiều cũng sẽ dẫn đến chứng táo bón. Nếu chứng táo bón tiếp diễn trong thời gian mang thai quá lâu, mẹ sẽ có thể bị trĩ.

Ảnh hưởng đến nội tiết tố

Bà bầu ăn cay nhiều có thể ảnh hưởng đến nội tiết tố trong cơ thể. Điều này có thể gây nám da, nổi mụn do lượng nhiệt tăng cao trong người cao thay đổi.

Gây co mạch, khởi phát cơn đau túi mật, tuyến tụy

Chất capsaicin có trong vị cay của ớt không hề tốt cho niêm mạc hầu họng, thực quản. Nó có thể gây hại cho những mẹ bầu có tiền sử bị viêm loét dạ dày. Vị cay còn gây co mạch, khởi phát các cơn đau ở túi mật, tuyến tụy…

Quỳnh Hoa

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/me-bau-thich-an-do-cay-nong-thai-nhi-trong-bung-se-co-phan-ung-nhu-the-nao-28786/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY