Sức khỏe hôm nay

Mẹ cần kiêng cữ sau sinh đúng cách để không rước bệnh về già

Mỗi mẹ mỗi quan điểm và mỗi cách ở cữ sau sinh khác nhau nhưng có kiêng thì có lành. Bạn nên có kế hoạch nghỉ dưỡng sau sinh và kiêng cữ cẩn thận cho hành trình làm mẹ nhé!

Theo các bác sĩ chuyên khoa, không kiêng cữ là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh hậu sản sau này. Một số chứng bệnh hậu sản thường thấy là: bị đau đầu, nhức xương khớp, sức khoẻ giảm sút, băng huyết hoặc tổn thương vết sinh mổ…. Vùng kín của phụ nữ sau sinh cần khoảng thời gian 6 tuần để phục hồi. Việc không kiêng cữ quan hệ sớm sẽ dẫn đến những tổn thương.

Tránh gió trong thời gian cữ.

Cơ thể phụ nữ sau sinh rất yếu nên dễ cảm lạnh, đâu đầu. Vì vậy, khi kiêng cữ sau sinh bạn nên chú ý tránh gió, ra ngoài nên mặc ấm, chú ý nhất là 2 tai cần giữ ấm thường xuyên.

Ngay cả khi tắm cũng cần tắm nhanh, tắm bằng nước ấm pha chút rượu gừng nhằm giữ ấm cơ thể. Sau khi tắm nên xoa bóp cơ thể bằng rượu gừng và sử dụng dầu tràm thường xuyên có tác dụng giữ ấm và kháng khuẩn rất tốt.

Không khuân vác nặng

Một điều bạn cần nhớ khi kiêng cữ sau sinh không nên làm các việc mang vác nặng, rướn người, giơ tay để lấy đồ trên cao. Không chỉ dùng đến cơ tay, khi nâng vật nặng bạn phải gồng cơ bụng làm ảnh hưởng đến vết mổ lấy thai hoặc vết rạch tầng sinh môn.

Kiêng lạnh sau khi sinh

Sau sinh, thận khí suy nhược, sản phụ dễ bị nhiễm lạnh. Do vậy, không đụng tới nước lạnh, không tắm nước lạnh, giặt quần áo hay uống nước đá. Mẹ có thể lau người hoặc tắm rửa nhẹ nhàng, xông hơi một chút cho ra mồ hôi, rồi bằng nước ấm để tránh tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển.

Kiêng vận động mạnh

Sau sinh, cơ thể còn yếu, mẹ nên hạn chế việc vận động mạnh, nên đi lại nhẹ nhàng, giúp máu huyết lưu thông, cơ thể thoải mái là được. Tránh việc vận động mạnh, quá sức vì thời kỳ này bụng chưa co lại mức bình thường, vận động mạnh sẽ dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tắm nắng đúng cách và tránh xa các đồ điện tử

Tắm nắng rất có lợi cho việc phát triển của bé và phục hồi cho mẹ, tuy nhiên cần lưu ý thời gian tắm nắng không quá 30 phút và phải trước 8h sáng.

Sử dụng điện thoại, laptop, máy tính bảng, xem ti vi cũng là điều tối kỵ bạn phải tránh xa.

Việc sử dụng nhiều các thiết bị điện tử sau khi sinh sẽ khiến mắt bạn yếu và sau 40 tuổi sẽ mờ dần.

Nên dùng món ăn có tính ấm

Theo bác sĩ, những thực phẩm có tính ấm thường được sử dụng cho bà mẹ sau sinh như: nghệ, thịt kho tiêu, gừng... dùng được nhưng cần kết hợp thêm trong bữa ăn cùng với rau xanh, trái cây... Đặc biệt, từ xa xưa, dân gian và cổ truyền xem nghệ là thực phẩm rất tốt đối với bà mẹ sau sinh.

Những món ăn có gia thêm nghệ: như thịt heo nạc kho nghệ, trứng hay cải xào nghệ, khổ qua xào nghệ giúp hoạt huyết, đẩy sản dịch ra nhanh, giúp hệ tiêu hóa tốt. Các món như giò heo, đu đủ xanh, su hào, củ sen, cam, bưởi, mè - có chứa các thành phần dinh dưỡng giúp tạo sữa nhiều cho sản phụ cũng được khuyên dùng.

Không bó chặt bụng quá sớm

Việc bó bụng quá sớm, quá chặt ngay sau sinh có thể làm chèn ép mạch máu đến nuôi các cơ quan ở vùng bụng, làm ảnh hưởng xấu đến tiến trình lành sẹo tự nhiên đối với bà mẹ sinh mổ.

Bên cạnh đó, sau sinh và chăm sóc con nhỏ vốn có nhiều áp lực, cộng với việc bó bụng chặt gây cản trở sinh hoạt làm cho tâm lý bà mẹ có thể bị ảnh hưởng tiêu cực. Cần ăn uống điều độ, cho con bú sữa mẹ hoàn toàn, tập thể dục nhẹ nhàng khi các vết khâu đã lành sẽ giúp các bà mẹ lấy lại vóc dáng.

Tránh kiêng khem quá mức

Việc kiêng cữ sau sinh theo kinh nghiệm dân gian khá khắc khe như chỉ ăn các món ăn khô và mặn như nạc thịt kho tiêu, cá bống kho tộ… thậm chí kiêng ăn các loại rau, canh… để da thịt được săn chắc.

Nhưng thực tế, việc ăn các món khô và mặn lại ít rau xanh có thể khiến bạn bị tăng huyết áp, táo bón ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ.

Như vậy, tuy cần kiêng cữ sau sinh nhưng bạn không nên kiêng khem quá mức vì dễ dẫn đến tình trạng suy nhược cơ thể, dễ nhiễm bệnh, thiếu dưỡng chất thiết yếu, ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ.

Chú ý tư thế nằm ngủ và cho bé bú

Đối với mẹ sinh thường ngồi nhiều và ngồi lâu thì về sau dễ bị đau lưng hơn. Nếu bé hơi khó và phải cần bế nhiều thì bạn nên nhờ người thân giúp đỡ, vì khi ngồi quá nhiều, sau thời gian 3 tháng những cơn đau lưng sẽ xuất hiện rõ rệt.

Vì vậy, bạn chỉ cần ngồi cho con bú, thời gian còn lại dành cho việc nằm và nghỉ ngơi. Tốt nhất nằm nghiêng cho con bú sẽ thuận tiện cho người mẹ hơn.

Quỳnh Hoa

Theo Tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/me-can-kieng-cu-sau-sinh-dung-cach-de-khong-ruoc-benh-ve-gia-27100/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY