Tình yêu và giới tính hôm nay

Mẹ chồng buồn vì nàng dâu quá đảm

Mẹ chồng: Mẹ thấy mình như hết “sứ mệnh lịch sử” từ lúc có con về.

Ảnh minh họa

“Ơ, bà ơi, con Lan chưa về à”, vừa về nhà là ông ấy hớt hải hỏi con dâu, cứ như mình không ở đấy. “Mới 4 giờ mà, 5 giờ tan sở, tắc đường nữa là 6 giờ nó mới tới nhà, có việc gì mà ông mong nó?”. Cũng chả thấy ông đáp lời. Mình vào bếp làm cơm tối, hỏi thêm lần nữa ông mới quay sang: “Bà vừa hỏi gì, tôi đang xem cái này, đợi con Lan về tôi hỏi nó xem… Lâu về thế nhỉ”.

Đến khi vừa nghe tiếng xe máy, ông chạy ra ngay: “À bà ơi, nó về rồi… Con về à, vào đây xem cho bố cái này, ngày mai mấy ông bà ở tổ dân phố tập kịch để diễn buổi cuối năm…”. Thế là hai bố con xúm xít. Mẹ hỏi “vở gì” thì ông ấy xua tay “Để bố con tôi bàn xong, tối tôi kể cho bà nghe, bà nấu cơm cho nó đi’. Mẹ lại thừa ra, làm bữa tối xong thì ngóng con trai về. Nhưng vừa về tới nhà, nó cũng lại vội vàng: “Vợ con đâu mẹ nhỉ?”.

Bữa cơm dọn ra, bố thì hỏi con dâu về kịch bản, quần áo diễn. Con trai thì hỏi vợ về chuyện cơ quan. Mình như không hiển hiện, mãi sau con dâu lấy lòng: “Hôm nay ăn muộn, mẹ có đi bộ thể dục không, quần áo, bát đĩa mẹ để con dọn một mình, mẹ đi kẻo các bác đợi”.

Mẹ đã là vợ, là mẹ của những người đàn ông ấy nhưng sao giờ thấy như không phải. Một thời mẹ về thì nhà có cơm ăn, mẹ giặt thì nhà có áo mặc, mẹ ốm thì bố con ăn mì tôm, nhếch nhác, quần áo vứt đầy nhà tắm. Nhưng giờ, tất cả trọng trách ấy không quan trọng nữa, dường như hai người đàn ông ấy dần quên mẹ.

Cuối tuần, con vào bếp thì bố bảo: “Con Lan làm à, ngon thật, từ ngày có con về, cả nhà được ăn nhiều món mới, ngày nào cũng là cuối tuần thì tốt” (cứ làm như cả tuần con đi làm thì họ phải chịu những bữa ăn của mẹ).

Chuẩn bị cho bố con đi họp đồng ngũ, hay đi chơi xa, ông ấy đều bảo: “Bà thấy bộ này ổn thật chứ, để tôi hỏi con Lan xem thế nào” (bố không tin gu thẩm mỹ của mẹ nữa). Khi con dâu mang lọ dầu, chai xịt chống muỗi, phòng sốt xuất huyết, ông xuýt xoa: “Con không chuẩn bị thì bố quên mất” (phải đâu mẹ không lo cho ông ấy, mà vì đi với đoàn, có cả bác sỹ rồi).

Con đi chọn đồ cho mẹ thì lần nào cũng được các bạn mẹ khen đẹp. Mẹ vui lắm nhưng sao lại cứ tủi thân ngay, rồi bỗng dưng thấy buồn. Từ ngày con về hình như mẹ rớt từ số 1 về số n.

Mẹ dường như chẳng có nhiều điều để dạy con như những bà mẹ chồng khác. Mẹ cũng không có cơ hội nghe con hỏi “Mẹ ơi, con nên thế này hay thế kia” mà chỉ nghe con khuyên “Mẹ ơi, theo ý con thì mẹ nên…”. Căn nhà cũng mới hơn vì được con trang trí thêm lọ hoa, những tranh giấy treo trên tường. Mẹ thấy cuộc sống thay đổi quá. Có cần thiết không con nhỉ? Có lúc mẹ thấy con khéo thật nhưng có lúc mẹ lại nghĩ tốn kém không cần thiết, cứ như những gì mẹ làm trước đây thì vẫn ổn mấy chục năm đó thôi.

Có lúc mẹ cũng muốn “lên giọng” cho ra dáng mẹ chồng như mấy bà trong câu lạc bộ nhưng lúc ấy chắc bố và chồng con cũng chẳng bênh mẹ tí nào đâu. Đôi khi mẹ cố gắng nhìn lại, thấy con đúng là giỏi lại ngoan, đúng là con trai mẹ may mắn. Nhưng sao mẹ vẫn buồn và không thấy được thoải mái.

Ảnh minh họa

Nàng dâu: Dẫu con có được yêu chiều đến vậy thì những gì con làm vẫn chỉ là người đến sau.

Ngày mới yêu anh, con được nghe nói: “Mẹ không chu toàn từng chi tiết nhưng rất thương chồng con, cũng vì thế mẹ không khắt khe nên em đừng sợ”. Và lần đầu tiên gặp mẹ, con đã thấy mình may mắn vì tính mẹ đơn giản và dân dã. Thái độ chân thành của mẹ đã xóa đi trong con tất cả những nghi ngại của một nàng dâu. Những kinh nghiệm mà các chị đi trước dặn dò, con đều thấy không đúng với trường hợp của mình.

Giải thích về lối sinh hoạt của gia đình mình, chồng con nói: “Ngày trước mẹ phải vất vả mưu sinh kiếm tiền nên việc nhà mẹ không lo hết được, em cố gắng giúp mẹ”. Nghe anh kể về những việc mẹ làm, con thấy thương và cả ngưỡng mộ nghị lực của mẹ. Chính vì thế, dù con không thấy căn nhà mình xinh xẻo, điệu đà, không thấy món ăn cầu kỳ nhưng con vẫn không thấy nản. Công việc của con ở cơ quan khá nhàn nhã nên con cũng muốn chăm chỉ việc nhà, để mẹ có thời gian đi câu lạc bộ, để “bù đắp”. Mẹ thấy không, chính chồng con đã ngầm dạy vợ hiểu rằng “mẹ có vị trí riêng, không được phàn nàn về mẹ”.

Con cũng thấy mẹ chẳng khác gì mẹ đẻ con ở quê, vì quen cái khổ ngày xưa nên ăn uống tiết kiệm, giản tiện mọi thứ có thể, nấu ăn hay làm đẹp cũng đều đơn giản. Con muốn làm mới một chút cho gia đình mình, để bố mẹ và chồng con được hưởng những món ngon, những lọ hoa đẹp trong nhà.

Con hạnh phúc khi bố khen, khi chồng xuýt xoa thấy vợ đảm, hạnh phúc khi đi mua đồ cùng mẹ được mọi người nhận xét “cứ như con gái”.

Song, gần đây hình như mẹ dường như khó chịu với con. Có lúc con buồn nghĩ rằng “đúng là mẹ chồng nàng dâu, được ba bảy hai mốt ngày”. Hôm trước mẹ bảo thích ăn nem con rán thì hôm nay khi bố và chồng con khen, mẹ lại dừng đũa bảo: “Ăn nhiều, cholesterol cao”. Có lần ở trên tầng, con nghe mẹ nói dỗi với chồng con: “Đi mà hỏi vợ con, mẹ không biết đâu…”.

Con có trách chồng rằng: “Tại sao cứ về nhà là hỏi em, không hỏi thăm mẹ, để mẹ buồn”. Anh ấy nói rằng: “Vì mẹ đang ở đó rồi, anh tưởng em cà kê về muộn, không giúp mẹ”. Mẹ ạ, với anh ấy, mẹ luôn là người tuyệt vời nhất. Những gì con làm cũng là để anh ấy yêu thêm, chứ trong sâu thẳm con biết mẹ vẫn là số một.

Con cũng khó xử khi bố bảo rằng “bà để con Lan làm đi” hay “thôi, tôi cứ hỏi con Lan cho chắc”. Chỉ là vì bố xem con như con gái và nghĩ giữa mẹ và con chẳng có gì để nghi ngại nhau nên mới nói thế. Những gì con đang cố gắng chỉ là để gia đình mình yên vui, để báo đáp ân tình của bố mẹ.

Về làm dâu, con nghĩ mẹ đơn giản là điều may mắn của con. Nhưng cuối cùng chính sự cố gắng đảm đang của con lại sinh ra ái ngại khi chợt thấy ánh mắt tủi thân của mẹ. Còn bao thứ con cần hỏi mẹ như chuyện về quê thăm nội ngoại, chuyện sinh con đẻ cái, chuyện Tết nhất, hương hoa… Con nghĩ vì sự vô tâm của bố và chồng con mà mẹ con mình e ngại nhau.

Mẹ, nếu như mẹ con mình không để ý nhau nữa, lúc ấy mẹ cứ bảo “Đấy giờ tôi thành thừa rồi” thì chắc bố và chồng con sẽ hiểu và điều chỉnh. Thực lòng, con không muốn nghĩ mình hơn mẹ điều gì và con cũng biết, con mãi mãi không bao giờ có thể thay thế được vị trí của mẹ.

Như Bình

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/me-chong-buon-vi-nang-dau-qua-dam-14670/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY