Tình yêu và giới tính hôm nay

Mẹ Teresa - Thiên sứ của đấng toàn năng

Theo huyết thống, tôi là người Anbani. Theo quốc tịch, tôi là người Ấn Độ. Theo đức tin, tôi là một nữ tu công giáo. Theo ơn gọi, tôi thuộc về thế gian. Theo con tim, tôi hoàn toàn thuộc về Trái Tim Chúa Giêsu - Mẹ Teresa.

Từ trái tim đến trái tim

Vào ngày 26/8/1910, mẹ Teresa được sinh ra trong gia đình gốc Albani đã có 2 con nhỏ. Tên khai sinh của mẹ là Agnes Gonxha Bojaxhiu. Cha của Agnes là một doanh nhân. Ông làm chủ một công ty và một cửa hàng thực phẩm. Ông thường du hành đó đây, biết nhiều thứ tiếng và rất quan tâm đến chính trị. Cùng với vợ mình là bà Drana, ông đã dạy cho Agnes những bài học bác ái đầu tiên trong đời.

Nhưng chẳng mai, khi Agnes lên 9 tuổi, cha Agnes đột ngột qua đời. Và cũng kể từ đó, một mình mẹ Agnes phải bươn chải hầu nuôi dạy 3 đứa con thơ. Để sinh sống, bà Drana phải lao động rất vất vả bằng nghề thêu may. Dù vậy, bà vẫn dành thì giờ để dạy các con đến nơi đến chốn. Chính sự mộ đạo của bà Drana đã phần nào ảnh hưởng đến cuộc đời Agnes sau này.

Ngày đó, gia đình nhỏ của mẹ con bà dù bận cách mấy cũng luôn giữ thói quen cầu nguyện vào mỗi tối và đi lễ nhà thờ hằng ngày. Dù gia cảnh nghèo khổ nhưng bà Drana vẫn luôn khuyến khích các con giúp đỡ người khác.

Sống trong môi trường bác ái đó, từ bé Agnes đã tỏ ra thiên hướng của người thích làm thiện nguyện. Ngày đó, bà Drana tình nguyện chăm sóc một phụ nữ nghiện rượu và bà góa có 6 con ở gần nhà. Mỗi ngày hai lần, bà đến rửa ráy và cho người phụ nữ nghiện rượu ăn, và đến chăm sóc 6 đứa con của bà góa. Những ngày bà Drana không đi được, thì Agnes luôn tình nguyện thay mẹ đi làm các việc đó với niềm vui sướng thật tâm. Khi bà góa qua đời, những người con của bà đến sống với bà Drana như con ruột của mình.

Sức mạnh và lòng bác ái của mẹ Teresa

Đến 18 tuổi, Agnes quyết định trở thành một nữ tu Công giáo, để làm công việc truyền giáo và truyền bá thông điệp về tình yêu và lòng từ bi trên thế giới. Năm 1928 bà trở thành một nữ tu Công giáo và thay đổi tên của mình từ Agnes Gonxha Bojaxhiu thành Teresa. Và sau đó bà tham gia vào dòng tu Loreto Sisters. Để thực hiện công việc truyền giáo ở Ấn Độ, bà đã được gửi tới Calcutta, Ấn Độ vào ngày 6/1/1929. Ở nơi đây bà được bổ nhiệm làm giáo viên tại trường trung học St Mary. Nữ tu Teresa lúc này đã trở thành Mẹ Teresa vào ngày 24/5/1937.

Mẹ Teresa đã đạt được khoảng 124 giải thưởng lớn, trong đó có các giải uy tín như:

- Giải thưởng Padmashree (năm 1962 từ Tổng thống Ấn Độ)

- Giải thưởng quốc tế John F.Kennedy (1971)

- Giải thưởng Bharat Ratna

- Bằng khen của Nữ hoàng Elizabeth

- Giải Nobel Hòa bình (1979)

- Giải thưởng Hòa Bình của Đức Giao Hoàng John XXIII

- Huân chương Tự do (giải thưởng công dân Mỹ cao quý nhất) và nhiều giải khác nữa…

Tất cả số tiền của giải Nobel đều được Mẹ Teresa xung vào công tác thiện nguyện.

Mẹ Teresa đã dạy tại Trường Trung Học St. Mary từ năm 1931 đến năm 1948. Cảnh người nghèo khổ bên ngoài tu viện đã tác động sâu sắc tới bà để rồi bà quyết định tìm mọi cách giúp đỡ những người khốn khổ đó.

Năm 1948 bà được phép rời khỏi trường tu viện và bắt đầu nhiệm vụ giúp đỡ cư dân khu ổ chuột ở Calcutta, Ấn Độ. Do chưa tìm được nguồn ngân quỹ cho các hoạt động từ thiện, thời điểm đó mẹ Teresa hoàn toàn dùng sức và tâm huyết của mình để làm thiện nguyện.

Bà bắt đầu mở một trường học ngoài trời miễn phí cho trẻ em khu ổ chuột và dành thời gian rỗi chăm sóc những người vô gia cư. Do đấy là khu vực có dân trí thấp và là nơi tập trung của nhiều thành phần bất hảo nên lúc đầu, công việc của bà đã gặp không ít khó khăn. Nhưng lòng tận tâm của bà đã nhanh chóng thu phục được cư dân nơi hợp tác một cách tự nguyện. Cảnh tượng một nữ tu hằng ngày thầm lặng đi giúp đỡ mọi người nhanh chóng trở thành hình ảnh quen thuộc tại nơi nghèo khổ tối tăm đó.

Thay vì nghi ngờ và xa lánh, giờ đây trẻ con nhà nghèo đã được cha mẹ khuyến khích đến lớp của mẹ Teresa ngày một đông. Những kẻ du thủ du thực khi gặp mẹ chẳng những đã cúi đầu chào mà còn tự nguyện giúp mẹ sửa chữa lại phòng ốc lớp học... Những thành công bước đầu trong công tác thiện nguyện của mẹ Teresa đã thu hút được sự chú ý của giới thượng lưu ở Calcutta. Sự hỗ trợ tài chính bắt đầu được rót vào, vì vậy Mẹ Teresa có thể mở rộng phạm vi phục vụ xã hội của mình.

Từ việc chỉ dạy chữ cho trẻ em nghèo, chăm sóc người cùng khổ, giờ đây mẹ Teresa đã có thể mở rộng việc hỗ trợ người nghèo nhiều hơn nữa. Khi nhận thấy khu ổ chuột thiếu những cơ sở hạ tầng cơ bản như bệnh viện, phòng khám cho người nghèo… mẹ Teresa đã dùng tiền của các nhà hảo tâm để xây trạm xá đầu tiên ở đây. Chưa hết, để có thể trực tiếp chăm sóc người nghèo và tiết kiệm kinh phí, mẹ Teresa còn bỏ công đi học những lớp y tế cơ bản và bắt đầu điều trị cho những người không đủ tiền trả viện phí.

Những nỗ lực của mẹ Teresa nhanh chóng ảnh hưởng đến những học sinh cũ của bà. Họ đã noi theo gương bà để làm thiện nguyện và cùng bà sáng lập nên Dòng tu Thừa sai Bác ái. Ngày 7/10/1950, Mẹ Teresa được Tòa Thánh cho thành lập Dòng Thừa Sai Bác Ái để chăm lo cho những kẻ khốn cùng chỉ có 12 nữ tu và một nguồn tài chính eo hẹp. Nhưng ngay sau khi được sáng lập, Dòng tu Thừa sai Bác ái đã dồn sức xây dựng trung tâm khám chữa bệnh cho người nghèo. Những người nghèo khổ đang chết dần trên đường phố được mang vào trung tâm để chăm sóc.

Chẳng mấy chốc dòng tu của mẹ Teresa đã tạo được sự tin tưởng của các nhà hảo tâm trên khắp thế giới. Dòng tiền được họ rót vào trung tâm từ thiện mẹ Teresa cũng nhiều hơn. Mẹ Teresa đã sử dụng các khoản tài trợ và hàng ngàn các nhà truyền giáo đã tham gia cùng bà để thành lập nhiều trung tâm cho người nghèo trên toàn thế giới.

Năm 1980, mẹ xây dựng nhà cho người vô gia cư, trẻ em mồ côi, người bị phong cùi, lao… Mẹ Teresa cho xây dựng các nhà bếp cung cấp thức ăn, các chương trình tư vấn gia đình và trẻ em, trại mồ côi, và trường học... Một trong những công việc đang kể nhất của bà là việc thành lập trung tâm cho những bệnh nhân AIDS vào năm 1985, ở đó hàng ngàn bệnh nhân được cung cấp nơi ăn chốn ở.

Những năm cuối đời của mẹ Teresa

Trong những năm cuối đời, mẹ Teresa phải đối mặt với một số vấn đề về sức khỏe như bị cơn đau tim khi đến Rôma, Ý năm 1983 trong chuyến viếng thăm Giáo hoàng John Paul II. Sau cơn đau tim thứ hai năm 1989, bà được đặt máy tạo nhịp tim nhân tạo.

Năm 1991, sau khi mắc bệnh cúm lúc đang ở Mexico, bệnh tim trở nặng. Bà muốn từ nhiệm khỏi vị trí lãnh đạo Dòng Thừa sai Bác ái, nhưng các nữ tu, trong một cuộc bỏ phiếu kín, yêu cầu bà ở lại. Nhưng đến tháng 4/1996, mẹ Teresa bị té ngã gãy xương đòn, rồi phải qua lần phẫu thuật tim, sức khỏe bà suy giảm rõ. Sức khỏe yếu kém buộc mẹ Teresa từ chức lãnh đạo dòng tu vào ngày 13/3/1997 và từ trần ngày 5/9/1997 ở tuổi 87.

Ngày 19/10/2003, Đức Giáo Hoàng John Paul II đã phong chân phước cho Mẹ Teresa. Buổi lễ phong chân phước diễn ra tại Rome, Ý đánh dấu bước đầu tiên của việc phong Thánh cho bà.

Thanh Tuấn

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/me-teresa--thien-su-cua-dang-toan-nang-16423/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY