Dù đã ra viện, con trai chị vẫn ăn uống rất bập bõm, lười ăn hẳn và rất khó tính khi chọn món ăn. Chị Oanh rất lo vì con chị chỉ thích ăn những món ở ngoài hàng như: kem, sữa chua, nước sinh tố, bánh pizza, gà rán… mà với tình trạng sức khỏe hiện giờ của bé, chị không thể mạo hiểm cho bé ăn được.
Đem bức xúc này lên mấy diễn đàn kể với bạn bè, chị nhận được rất nhiều lời khuyên bổ ích. Hóa ra đây là nỗi lo chung của rất nhiều bà mẹ trẻ và giải pháp hữu hiệu nhất là để khắc phục vấn đề thực phẩm bẩn trong thời kỳ hiện nay là: “tự mình cứu mình”. Thời buổi công nghệ hiện đại, cái gì cũng có, nếu chịu khó, người ở thành phố cũng có thể tự trồng rau với máy làm rau mầm, với những thứ đơn giản như kem, sữa chua, sinh tố thì tốt nhất là nên tự làm ở nhà. Không để mình mãi lạc hậu với xu thế, chị Oanh bàn với chồng, lên kế hoạch chi tiêu cụ thể để việc mua sắm những vật dụng cần thiết để có thực phẩm sạch.
Khoái khẩu… handmade
Máy xay, ép hoa quả đa năng: Muốn sinh tố thanh long không hạt cũng có!
Đầu tiên, chị Oanh mua máy say sinh tố để về làm món khoái khẩu cho con trai, nhưng trên thị trường có quá nhiều loại máy để chị chọn lựa, loại nào cũng được giới thiệu là tốt, là tiện, là hữu ích.
Vốn là người cẩn thận nên chị Oanh đã đọc các bài hướng dẫn mua máy xay sinh tố trên mạng, chị quyết định chọn loại máy xay có lưỡi dao bằng inox hoặc kim loại chống gỉ, bình đựng, có thể là thủy tinh hoặc nhựa nhưng phải có khả năng chịu lực và chịu nhiệt tốt. Chị Oanh chỉ đang cân nhắc giữa loại máy chỉ xay thông thường hay đa năng để có nhiều công dụng hơn như ép nước, vắt cam, đánh trứng…
Cuối cùng vì không muốn nhà bếp của mình lỉnh kỉnh nhiều loại máy nên chị quyết định bỏ ra hơn 2 triệu đồng để “tậu” về cái máy xay đa chức năng. Với chiếc máy này chị có thể vừa xay được hoa quả, thịt và đồ khô (vì có 3 cối dành riêng cho mỗi loại) vừa có thể làm nước ép hoa quả, nó còn có chức năng nghiền nhỏ, thái mỏng, sợi, vắt… Điều khiến chị hài lòng nhất là loại máy này thậm chí còn có thể cho ra sinh tố thanh long không hạt, điều mà chồng chị vẫn thường xuyên nói để “thách thức” tài năng nội trợ của vợ.
Mát lạnh mùa hè với máy làm kem, sữa chua
Ngoài ra, chị Oanh cũng rất hứng thú với những loại máy tiện ích khác như máy làm sữa chua, máy làm kem, máy pha cà phê, máy nước bánh, lò nướng, nên cũng ngắm nghía, săm soi rất kỹ trong siêu thị. Máy làm sữa chua cũng có rất nhiều loại và giá cả, tùy thuộc vào thể tích và chất lượng máy, chỉ cần có 300-800.000 đồng là đã có thể có một máy làm sữa chua. Máy làm kem cũng không quá đắt, với những chiếc máy nhỏ dành cho gia đình giá chỉ khoảng 1,5-2 triệu đồng.
Vì “cục cưng” nhà chị rất thích ăn kem nên chị Oanh cũng mạnh tay, sắm chiếc máy làm kem đa năng Deni với giá 1.500 triệu đồng. Chị Oanh thích chiếc máy này vì nó có hình dáng rất xinh xắn lại rất tiện lợi. Không chỉ làm kem thông thường, nó còn có thể nghiền kẹo, hoa quả hay bất cứ thứ gì mà chúng ta muốn thêm vào trong chiếc kem của mình.
Sau khi sắm sanh những vật dụng cần thiết cho công cuộc “tổ chức cuộc sống sạch” thì nửa tháng lương đã bay vèo chỉ trong một buổi sáng. Nhưng chị Oanh vẫn tỏ ra rất phấn khích, cái cảm giác được tự tay làm mọi món ngon cho chồng con hẳn bà vợ nào cũng vui thích.
Làm sạch bề sâu
Nước sạch an tâm
Cũng gặp phải vấn đề về đồ ăn thức uống, chị Thu ở quận 5, Tp.HCM lại tỏ ra lo lắng vì nguồn nước của gia đình vì khu nhà chị ở gần cây xăng, nên rất có thể nguồn nước của gia đình nhà chị đã bị ô nhiễm từ lâu. Con gái chị Thu năm nay đã 5 tuổi nhưng rất còi cọc, thường xuyên ở tình trạng chán ăn, suy dinh dưỡng độ 2. Các bác sỹ khuyên anh chị nên chú ý hơn đến nguồn nước. Vì thế, 2 vợ chồng chị Thu quyết định mua máy lọc nước RO để cải thiện phần nào vấn đề nước.
Lượn qua một vòng mấy siêu thị điện máy, vợ chồng chị hoa hết cả mắt vì có rất nhiều loại máy và giá thành. Loại bình dân nhất là thiết bị lọc nước sử dụng cọc than hoạt tính, các cọc than hoạt tính này được ép từ than hoạt tính dạng bột có trộn thêm chất liên kết và một số phụ gia như gốm chống khuẩn, giá chỉ dưới 1 triệu đồng.
Với các loại máy có thương hiệu thì cao hơn nhiều: Máy lọc nước Kanguru với 5-6 lõi lọc có giá từ 3,5-4 triệu đồng; Thiết bị lọc Mantensui được quảng cáo là nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật với 7 lớp lọc được tích hợp vào trong duy nhất một lõi lọc nhỏ gọn, có thể lắp trực tiếp vào vòi nước ở bồn rửa, có giá hơn 3 triệu đồng; Máy lọc nước Myota (2,5-4,5triệu đồng); Coway của Hàn Quốc (5-17,5 triệu đồng)... Sau một hồi chọn lựa, vợ chồng chị Oanh chọn máy lọc nước hiệu Kanguru với giá gần 4 triệu đồng.
Loại bớt độc tố cho thực phẩm
Không chỉ có nguồn nước, mà rau củ quả mua ngoài chợ cũng khiến chị không yên tâm. Bởi thế khi nghe chị em làm cùng công ty nói về máy khử độc rau quả bằng khí ozone, chị tìm hiểu ngay thì được biết: Máy khử độc hoa quả bằng khí ozone có tác dụng phân hủy hoàn toàn thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản thực phẩm trên rau và hoa quả cũng như vi khuẩn và khử mùi hôi tanh trên thực phẩm.
Ngoài công dụng đối với các thực phẩm tươi sống, máy còn có khả năng khử mùi hôi, mùi hóa chất, ôxy hóa các tạp chất độc hại trong nước, làm cho nước uống trong suốt và tinh khiết gần như tuyệt đối, phân giải i-on kim loại nặng trong nước.
Hiện nay, trên thị trường có hàng chục loại máy tạo khí ozone với xuất xứ và giá bán khác nhau. Các loại máy có xuất xứ từ Trung Quốc có giá từ 350-650 ngàn đồng/chiếc; máy Việt Nam từ 600-900 ngàn đồng/chiếc; máy Nhật Bản, Hàn Quốc có giá từ 2,2-4,5 triệu đồng/chiếc; máy của Đức, Pháp có giá trên 10 triệu đồng/chiếc.
Nhờ các nhân viên tư vấn chị đã chọn được máy khử độc rau quả Nonan KD-06. Với chế độ hẹn giờ chính xác, cơ chế hoạt động giống máy giặt giúp tự điều chỉnh mức nước và số lần xả, xối nước làm sạch bằng lực quay li tâm. Mật độ tạo ozone khá cao, lên tới 1.000 mg/giờ. Chiếc máy có giá 2,3 triệu đồng. Thế là từ nay chị Thu không phải vất vả đi siêu thị mang vác nặng nề mà vẫn có đồ ăn sạch sẽ, ngon lành.
Tiến sỹ vật lý Nguyễn Văn Khải: Hiểu đúng về tác dụng của ozone Máy khử độc bằng ozone sẽ giúp bạn loại bỏ một phần độc tố chứ không phải loại bỏ hoàn toàn các độc tố có trong thực phẩm. Đối với các chất độc đã ngấm sâu vào thực phẩm thì chúng hoàn toàn “bất lực”. Trong quá trình hoạt động tạo ozone, loại máy này sẽ hút ẩm từ không khí, sinh ra nhiều oxit ni-tơ có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì thế, không phải cứ máy đắt tiền là an toàn mà bạn cần chú ý cấu tạo của nó, có thiết bị khử ẩm hay không. Để kiểm tra máy tạo khí ozone có thiết bị khử ẩm hay không, bạn có thể sục khí ozone vào trong nước để đo độ pH. Nếu máy có chất lượng tốt, độ pH sẽ là trung tính và ngược lại. Cũng có thể dùng giấy quỳ để thử, nếu máy tốt (độ pH trung tính), giấy sẽ giữ nguyên màu vàng, ngược lại giấy sẽ chuyển thành màu hồng hoặc đỏ. Trong quá trình sử dụng máy ozone, các bà nội trợ cũng cần đặt máy ở những nơi khô ráo và thoáng mát để các khí độc được lưu thông một cách dễ dàng. |
Theo chuyên đề
Sức khỏe gia đình (NXB Y học)
Chủ đề liên quan: