Ông Tr.V.T (40 tuổi; ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) chia sẻ lo lắng trước thông tin một số người nhiễm bệnh Covid-19 do virus corona chủng mới SARS-CoV-2 rồi nhưng vẫn có thể bị lại. Đem thắc mắc hỏi bác sĩ (BS), ông bất ngờ khi nhận được câu trả lời: "Chuyện thường mà, như tay chân miệng năm kia con anh bị vẫn có thể bị lại, lo đề phòng!".
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho rằng suy nghĩ các bệnh do nhiễm virus "bị một lần là khỏi lo" là hoàn toàn sai lầm. Khả năng miễn dịch sau bệnh là suốt đời hay chỉ một vài mùa còn tùy vào bệnh.
"Bệnh do virus có thể chia thành 4 nhóm. Nhóm 1 là các bệnh mà virus đi vào cơ thể là ở lại luôn như HIV. Nhóm 2 là các bệnh virus đi vào cơ thể, "ngủ" một thời gian rồi sau đó mới phát bệnh như viêm gan siêu vi B, nhóm herpes. Nhóm 3 là các bệnh đã bị 1 lần là miễn nhiễm suốt đời như sởi và thủy đậu. Nhóm 4 là các bệnh bị nhiều lần trong đời, như tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm, bệnh do phế cầu... và cả Covid-19 do virus corona chủng mới" - BS Khanh phân tích.
Tuy nhiên, sau một bệnh do virus nhóm 4 gây nên, một người khỏe mạnh thường có thể miễn nhiễm với nó một vài mùa bệnh. Ví dụ như đứa trẻ mới bị tay chân miệng thì không thể bị lại ngay trong mùa đó, mà đến các năm sau, khi lại có dịch, mới có nguy cơ. Tương tự với bệnh cúm hay Covid-19.
Nếu thấy trẻ sốt cao, ho… thì nên đưa trẻ đi bệnh viện ngay. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: TẤN THẠNH
Về một số bệnh nhân mắc Covid-19 được cho là tái nhiễm ngay trong mùa, BS Khanh cho biết đây là điều hiếm gặp và chỉ gặp ở những người bị suy giảm miễn dịch nặng, ví dụ người bệnh HIV, người đang điều trị ung thư…, khiến cơ thể họ thậm chí không đủ khả năng tạo được kháng thể để bảo vệ bản thân khỏi phần còn lại của mùa dịch.
Nguy cơ này cũng gặp phải ở cả các bệnh khác, vì vậy người bị suy giảm miễn dịch nặng luôn cần chăm sóc kỹ. Ngược lại, nếu bạn hay con bạn là người bình thường, hệ miễn dịch khỏe mạnh thì không cần lo lắng quá.
"Tôi từng điều trị cho những em bé mắc tay chân miệng đến 3 lần. Bệnh này có ít nhất 12 chủng virus gây nên, năm nay có kháng thể với chủng này nhưng năm sau có thể bị sang chủng khác. Rồi sốt xuất huyết cũng có 4 chủng dengue, nên bị chưa đủ 4 lần vẫn có thể bị lại" - BS CK II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), cho biết.
Với bệnh cúm, BS Trương Hữu Khanh giải thích: "Có thể mắc nhiều lần cùng một loại virus cúm, bởi nó liên tục biến đổi. Đó là lý do tiêm ngừa cúm năm nào cũng phải tiêm lại". Ngoài ra, ông cũng lưu ý một sai lầm thường gặp: Lầm tưởng Covid-19 là cúm. Covid-19 không phải cúm, vì vậy dù có chích ngừa cúm, vẫn phải tuân thủ các hướng dẫn phòng bệnh Covid-19.
Theo BS Nguyễn Minh Tiến, vì các lý do trên, cho dù bạn đã bị tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm... lần nào hay chưa, đều không được lơ là việc phòng bệnh.
Rửa tay thường xuyên là điều đầu tiên nên nhớ, vì nó vừa giúp phòng các bệnh lây qua giọt bắn đường hô hấp như Covid-19, cúm mà cũng phòng các bệnh lây qua đường tiêu hóa như tay chân miệng, tiêu chảy... Ngoài ra còn cần vệ sinh các bề mặt, tránh đám đông trong các mùa có bệnh lây đường hô hấp, mùa sốt xuất huyết thì cần chống muỗi, diệt lăng quăng...
BS Nguyễn Minh Tiến lưu ý rằng không phải cứ tiêm vắc-xin là khỏi lo mắc bệnh. Đừng tưởng vắc-xin là "áo giáp", ông lấy ví dụ bệnh sởi: Với người từng bệnh thì miễn dịch hoàn toàn nhưng với người chỉ miễn dịch bằng vắc-xin mà ở trong một cộng đồng quá ít người tiêm thì bảo vệ chỉ tương đối, nếu tiêm lúc nhỏ thì khoảng 95%, nếu tiêm khi trưởng thành thì có thể thấp hơn. Đó là lý do với vắc-xin phòng các bệnh nguy hiểm như sởi, người ta cần vận động toàn dân tiêm để có miễn dịch cộng đồng. Hay như vắc-xin viêm gan siêu vi B, nhiều người sau một thời gian sẽ hết kháng thể, phải tiêm lại. Cúm thì năm nào cũng phải tiêm.
Vì vậy, nên nhớ 2 điều: Thứ nhất, nên tiêm vắc-xin, bởi đã tiêm mà lỡ mình có rơi vào tỉ lệ thấp vẫn mắc bệnh thì bệnh cũng nhẹ hơn nhiều; thứ hai, đừng cho rằng tiêm vắc-xin rồi là đã có "áo giáp" mà chủ quan, xem nhẹ các biện pháp phòng bệnh cơ bản. Với các vắc-xin không thể bảo vệ bạn suốt đời thì cần nhớ tiêm lại khi cần thiết.
Theo BS Nguyễn Minh Tiến, cần lưu ý trong nhóm bệnh “có thể mắc lại”, nếu gặp phải triệu chứng giống như lần đã mắc trước, ví dụ cơn sốt cao khó hạ của tay chân miệng; các triệu chứng của bệnh cúm… thì đừng chần chừ hay chủ quan mà hãy đưa trẻ đi bệnh viện ngay.
ANH THƯChủ đề liên quan:
bệnh lây qua đường tiêu hóa bệnh viện nhi đồng 1 chủ quan khả năng miễn dịch miễn dịch sốt xuất huyết suy giảm miễn dịch tay chân miệng trương hữu khanh viêm gan siêu vi viêm gan siêu vi b