Mờ mắt, rối loạn vì miếng chống nôn
Chị Nguyễn Thị Lan ở Đồng Nai, do tính chất công việc thường xuyên phải di chuyển qua lại từ Đồng Nai về Tp.HCM, mà chị lại bị say tàu xe. Mỗi lần, lên thành phố về chị đều mệt lử, không muốn ăn uống gì, nên chị tìm đủ mọi cách để chống lại cơn say xe của mình.
Trước kia, chị Lan thường sử dụng viên thuốc chống say, thuốc rất hiệu quả nhưng đọc báo thấy uống nhiều thuốc chống say không tốt cho sức khỏe nên chị sợ, không dám dùng tiếp. Nghe nói đến loại cao dán chống say xe mới, chỉ dán ở sau tai là có thể tỉnh táo bình thường, không mệt mỏi chị rất tò mò. Mua về dùng thử thì thấy loại này rất hiệu quả, phần nữa đinh ninh “dán ở ngoài da chắc cũng không có tác dụng phụ” nên đi đâu xa bằng ô tô chị cũng mang theo “phòng thân”. Nhưng không hiểu sao thời gian gần đây chị thường xuyên nhìn không rõ, mắt mờ dần, hay choáng váng, sợ mình có bệnh chị Lan vội vàng đến Bệnh viện Mắt, Tp.HCM khám thử. Các bác sỹ cho biết sức khỏe của chị Lan vẫn bình thường, việc chị bị mờ mắt, hay choáng váng là do tác dụng phụ của miếng dán chống nôn gây ra.
Cũng giống như chị L, em Lê Thị N. ở Đồng Tháp, 7 tuổi được mẹ cho lên Tp.HCM chơi. Trên đường đi sợ con mình say xe, mẹ N đã dán cho bé một miếng dán chống nôn sau tai, kết quả là suốt đường đi cháu ngủ li bì. Đến thành phố cháu than nhức đầu, người vẫn lừ đừ, không tỉnh táo, không nhận ra người thân, sau đó thì có hiện tượng miệng nói nhảm, la hét, đập phá… Cháu N. được gia đình chuyển vào khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, Tp.HCM, tại đây các bác sỹ cho biết cháu bị mắc chứng rối loạn hành vi do tác dụng phụ của cao dán chống nôn.
Giải thích điều này, DS. Huỳnh Văn Trung, Công ty Dược phẩm Trung ương 1 cho biết: “Miếng dán chống nôn có chứa chất sacopolamin (một chất dùng để dẫn chất gây mê, điều trị bệnh anticholinergic chuyển động hoặc hỗ trợ trong điều trị loét tá tràng và dạ dày) có tác dụng chống lại sự co thắt, giảm các kích thích, hóa giải cơn buồn nôn khi đi tàu xe. Tuy nhiên, chất sacopolamin này có tác dụng phụ là làm khô miệng, khó khăn trong việc nói và nuốt, đồng tử giãn, tim đập nhanh, mất tập trung, nhạy cảm với ánh sáng khiến mắt bị mờ, đỏ tấy da, khô da, đau ngực, chóng mặt…
Sử dụng miếng dán đúng cách
Miếng dán chống nôn tuy dán ngoài da những không chỉ có tác dụng tại chỗ mà còn có tác dụng toàn thân. Khi dán miếng chống nôn này lên da khoảng 30 phút chất sacopolamin sẽ từ từ thẩm thấu vào da làm giảm sự kích thích giúp chống nôn hiệu quả.
Vì trong miếng dán chống nôn cũng chứa dược học, có thể xem như một loại thuốc dùng ngoài da nên việc sử dụng cũng phải rất thận trọng.
Bạn không nên sử dụng quá thường xuyên, tối đa 2-3 lần/tuần. Không dùng cho phụ nữ đang mang thai, đang cho con bú, trẻ em dưới 8 tuổi. Với trẻ từ 8-15 tuổi chỉ dùng ½ miếng dán. Nên dán miếng dán vào vùng da khô, trước khi lên ô tô khoảng 4 giờ là hiệu quả nhất.
Khi dán miếng dán lên thấy có triệu chứng bất thường như mắt mờ nhìn không rõ, chóng mắt, khó thở… thì cần ngưng sử dụng ngay. Sau khi dùng xong cần gỡ bỏ miếng dán ra ngày, nên rửa tay thật sạch để tránh vương sang mắt, hoặc những vùng da nhạy cảm gây dị ứng.
Đông Thảo
Chủ đề liên quan: