Ông Tạo - người mang nguồn tri thức về với người dân quê |
Về xã Tam Hồng – Huyện Yên Lạc - Vĩnh Phúc hỏi ông Tạo lùn ai cũng biết, vì ông là cha đẻ của thư viện lớn nhất nhì ở miền Bắc. Những tưởng là cha đẻ của thư viện lớn như thế thì nhà của ông cũng phải hoành tráng mới tương xứng. Nhưng không, trong khi ông hồ hởi đón tiếp chúng tôi tại căn nhà nhỏ cấp bốn nằm sâu trong ngõ của mình thì chúng tôi lại tần ngần vì quá đỗi ngạc nhiên.
Chỉ cần một tấm lòng
Không để ý đến sự ngạc nhiên về chuyện nhà cửa của chúng tôi, khi nghe nhắc đến việc ông một mình lặn lội khắp nơi để xin sách lập thư viện, ông đã cười hà hà bảo: “Tôi thì có công trạng gì to tát đâu. Chỉ vì yêu sách, thương học trò không có sách học nên bỏ công chạy nơi này nơi kia, ai có nhiều sách không dùng thì thầy trò xin mang về. Gọi là tích gió thành bão mà thôi. Tôi không dám cho mình là người giàu có về tiền bạc, nhưng nếu gọi tôi là người giàu về tấm lòng thì tôi có thể tự tin xin nhận”.
Nói về dáng dấp thấp bé của mình ông Tạo kể: “Năm 6 tuổi do chơi đùa với chúng bạn mà tôi bị ngã bất tỉnh, cú ngã đó khiến tôi bị rối loạn hooc môn sinh trưởng từ bấy đến giờ tôi không cao thêm được một chút nào nữa. Thôi thì trời không bắt tôi đi cũng may rồi”.
Ông Tạo có một niềm đam mê sách vở từ nhỏ, đặc biệt là sách lịch sử. Khi còn trẻ, ông chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ theo nghề thư viện. Nhưng dường như niềm đam mê sách trong ông đã gieo mầm cho sự nghiệp thư viện của ông hiện nay. Ông đã tự đọc sách, tự học để trở thành thầy giáo làng. Năm 1969, ông xung phong đi học Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật của tỉnh với giấc mơ trở thành nhà biên kịch.
Năm 1971, học xong lớp biên kịch trở về làng ông được hợp tác xã tín nhiệm giao cho ông cái chân thủ thư. Lúc ban đầu tủ sách cả làng chỉ vỏn vẹn 104 cuốn các loại. Trong khi số lượng sách quá ít thì người đọc lại rất đông khiến anh thủ thư Tạo ngày đó cứ trăn trở câu hỏi làm sao để mọi người có thể đọc được sách một cách thoải mái? Thế là nghĩ ra cách đi mượn sách.
Ông Tạo đạp xe lên thư viện huyện để xin được mượn sách theo mỗi tháng và mỗi quý. Cũng phải mất vài ba lần lóc cóc đạp xe ông mới mượn được sách. Ông Tạo kể lại: “Ngày mang được hơn 100 cuốn sách huyện cho mượn về, tôi hạnh phúc đến rơi nước mắt, lòng cứ thầm hỏi thế là mình đã gây được văn hóa đọc trong quần chúng?!”.
Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì ông lại phải đối mặt với khó khăn mới. Chỉ có thêm 100 cuốn sách đi mượn mà thư viện của ông đã không còn chỗ để chứa. Suy đi tính lại mãi cũng không nghĩ ra cách, sau cùng ông đành phải mang sách về nhà, dọn căn buồng của gia đình để làm nơi chứa sách. Sợ sách bị hỏng, rách nát, ông lại hì hục rắc bột kiến khắp trong buồng và đánh bả chuột để bảo vệ sách.
Và cứ thế, ông Tạo ngày ngày vừa lo quản mớ sách trong thư viện bé của thôn vừa lo chăm bẳm bảo quản mớ sách chứa trong nhà. Mãi cho đến năm 1979 thì thư viện của xã mới được xây dựng. Thực ra đó chỉ là một ngôi nhà tạm, gọi là thư viện chỉ là gọi cho oai. Với nhiều người thì đó là việc bình thường thôi nhưng ông Tạo thì vui mừng lắm vì thế là bước đầu đã hình thành được một thư viện làng xã.
Sách mượn thư viện chưa thể đáp ứng đủ, ông lại lặn lội đi xin sách báo. Nghe thấy thông tin ai có sách cho là ông lại lóc cóc đạp xe đi xin. Nhiều khi ông đi lên tận Việt Trì, xuống Hà Nội để xin sách. Có chuyến đi xa thì ông phải thuê xe máy đi để chở sách. Mọi khoản chi phí ông tự bỏ tiền túi ra chi trả. Tất cả chỉ vì một niềm đam mê truyền bá tri thức về làng xóm.
Ông say sách đến mức hễ có ai bắn tin người này người kia có sách là tôi không dừng lại được phải đi ngay cho bằng được. Niềm đam mê sách kỳ lạ đó đã khiến ông không ít lần gặp rắc rối. Vì thường xuyên lặn lội đi hết nơi này nơi kia xin sách, bỏ cả việc đồng áng cho vợ con nên ông hay bị vợ cằn nhằn. Vợ ông vẫn hay than phiền bảo ông “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, không giúp vợ con được gì…” rồi bà chỉ có biết ngồi khóc vì chẳng biết làm gì hơn. Vì sách đã ngấm vào máu của ông rồi, nếu bỏ nó có khác gì việc ông phải cắt một phần máu thịt của mình.
Thư viện xã Tam Hồng to đẹp nhất miền Bắc |
Ước mơ thành sự thực
Không chỉ cất công đi xin sách giúp cho số lượng sách ngày càng tăng lên, ông còn tự mình đi xin ngân sách cấp trên để xây cho thư viện đoàng hoàng. Năm 1994 thư viện xã Tam Hồng chính thức được xây dựng chỉ là căn nhà cấp 4 hai gian, ông lại tiếp tục nuôi giấc mơ thu lượm tri thức.
Khởi đầu từ một tủ sách chỉ vèn vẹn 104 cuốn đến năm 1994, thư viện của ông Tạo đã đã có tới 5.675 cuốn và 22 đầu báo. Ông bảo: “Vui lắm các cô các chú ạ. Mỗi ngày được nhìn thấy bọn trẻ làng ngồi đọc sách, tôi lại thấy hả lòng, thế là mình đã làm việc có ích cho cộng đồng”. Nhưng vui chưa hết lại tới lo, thư viện cấp 4 dần xuống cấp. Những tháng mùa mưa ông phải căng áo mưa trông sách cả đêm, mưa tạnh, nắng lên ông lại phải đem số sách bị ướt ra phơi ông bảo: “có khi phải ăn cùng sách ngủ cùng sách”.
Như “nước chảy đá cũng mòn”, qua bao nhiêu tháng ngày bỏ công lặn lội đạp xe lên tỉnh xin ngân sách xây thư viện, cuối cùng đến năm 2003 tỉnh Vĩnh Phúc đã đồng ý cấp ngân sách 600 triệu đồng giúp ông xây dựng thư viện khang trang to đẹp nhất vùng nông thôn Bắc bộ.
Năm 2006 được sự giúp đỡ của các ban nghành đoàn thể, ông Tạo 9 lần thuê xe về Hà Nội xin sách cho thư viện và mang về cho thư viện gần 3 nghìn cuốn. Hiện nay số lượng sách của thư viện đã tăng hàng vạn cuốn, không chỉ đáp ứng cho nhu cầu đọc sách của nhân dân, học sinh trong xã mà các xã bạn cũng tới mượn sách về đọc.
Hiện tại ông Tạo đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn thường xuyên ghé qua thư viện. 30 năm đóng góp xây dựng thư viện khi về ông không nhận được một đồng lương hưu, nhưng ông không hề thấy buồn lòng ông chỉ bảo: “Chỉ cần thấy các cháu đỗ đại học, thành người hữu dụng là tôi vui lắm rồi”.
Nghe ông kể, chúng tôi thật sự khâm phục ý chí của ông, một người “lùn” nhưng ý chí không hề “lùn”. 7 người con của ông giờ ai cũng thành đạt cả. Cả 7 người đều thành “người nhà nước” như lời ông nói và thật hạnh phúc là trong sự thành đạt ấy có những bài học tri thức được mang lại từ cái “thư viện” mà cha họ tâm huyết xây dựng.
Lê Ngọc
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: