Là kế toàn trưởng của một công ty truyền thông, chị Hoài Thu (Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên phải tiếp xúc nhiều với máy tính. Dù mắt lúc nào cũng phải chăm chăm nhìn những con số nhảy múa trên màn hình, nhưng chị luôn tự hào với bạn bè và đồng nghiệp của mình về đôi mắt sáng, không bị cận và làm việc lúc nào cũng chuẩn xác.
Thế nhưng, thời gian gần đây, cảm giác mờ mắt, nhức mắt khiến chị gặp nhiều khó khăn trong công việc. Mặc dù đã tích cực uống thuốc bổ mắt, thậm chí, sử dụng cả thuốc nhỏ mắt nhân tạo nhưng tình trạng này vẫn không hề thuyên giảm. Cuối cùng, chị quyết định đi khám bệnh thì được bác sĩ kết luận: có dấu hiệu bệnh tiểu đường.
Ảnh minh họa |
Cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm
Trao đổi với phóng viên của Sức khỏe gia đình về tình trạng bỗng dưng mờ mắt này, bác sĩ Đặng Văn Quế - Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Quốc tế - DND cho biết: “Mờ mắt là tình trạng nhìn không rõ, hay còn gọi là giảm thị lực. Hiện nay, nó đang diễn ra khá phổ biến, nhất là những người làm việc văn phòng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến mờ mắt, trong đó bao gồm: ảnh hưởng của môi trường sống, tính chất công việc, vệ sinh đôi mắt kém...”.
“Những người thường xuyên sử dụng kính áp tròng hay bệnh nhân bị thấp khớp có dùng các loại thuốc như corticoid… cũng dễ bị mờ mắt. Đặc biệt, với những người ở nông thôn, vào mùa gặt thường bị bụi, mày lúa bay vào mắt gây xước mắt, hoặc tay bẩn dụi mắt dẫn đến viêm loét giác mạc, mờ mắt. Hoặc những người bị bệnh lông quặm (hậu quả của đau mắt hột vì không giữ vệ sinh, sử dụng nguồn nước bẩn làm cho lông mi bị đẩy vào trong) cũng dễ bị mờ mắt”, bác sĩ Quế cho biết thêm.
Vẫn theo bác sĩ Quế, với những người bị tiểu đường, tình trạng mờ mắt cũng thường xuyên xảy ra. Bởi lẽ, nồng độ đường trong máu tăng cao sẽ làm cho dòng máu chảy chậm hơn trong động mạch, đồng thời đường kích thích vào các mao mạch nhỏ gây xơ hóa các mao mạch này, từ đó gây tổn thương đáy mắt. Hay nói cách khác, máu không cung cấp đủ để nuôi dưỡng các khu vực thần kinh thị giác, đĩa đệm, làm cho các mạch máu bị xơ hóa, từ đó dẫn đến mờ mắt, nếu tình trạng bệnh càng nặng thì khả năng bị đục thủy tinh thể càng nhanh.
Không chỉ có tiểu đường, những người bị huyết áp cao cũng dẫn đến triệu chứng mờ mắt. Nếu đi chụp đáy mắt để kiểm tra các mao mạch vùng này, các bác sĩ sẽ phát hiện tình trạng xơ vữa động mạch, thậm chí có những người còn bị xuất huyết. Điều này có thể dẫn dẫn đến nhồi máu cơ tim, xuất huyết não...
BS. Đặng Văn Quế (Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Quốc tế - DND) |
Phát hiện sớm, tránh mù lòa
Mờ mắt là triệu chứng của nhiều bệnh nguy hiểm, nhưng không phải ai cũng cũng nhận thức được mức độ nguy hiểm của nó. Nhiều người thường cho rằng khi mờ mắt chỉ cần uống thuốc bổ và sử dụng thuốc nhỏ thì tình trạng sẽ được cải thiện.
Tuy nhiên, bác sĩ Quế khuyến cáo: “Bởi không ai biết mình bị mờ mắt là do nguyên nhân gì nên khi gặp phải hiện tượng này, bạn cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được chuẩn đoán và điều trị kịp thời, đúng lúc. Đặc biệt, với những người bị mờ mắt mà kèm theo nhức đầu nhiều thì rất có thể họ bị bệnh “thiên đầu thống”. Bệnh này nếu để lâu, áp lực trong mắt ngày càng tăng lên, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến mù lòa”.
Với những người đang sử dụng kính áp tròng, bác sĩ Quế khuyến cáo nên hạn chế tối đa bởi nó không phù hợp trong môi trường nhiều bụi, khói, ô nhiễm của nước ta. Thực tế cho thấy, việc hàng ngày phải tháo ra lau rửa và lắp vào có thể gây chấn thương nhẹ, hoặc viêm nhiễm ảnh hưởng đến thị lực. Do đó, nếu phải đeo kính, nên đeo kính có gọng.
Để bảo vệ mắt, bác sĩ Quế khuyên những người làm việc văn phòng ngoài có chế độ ăn uống đầy đủ, giàu dưỡng chất và vitamin A, cần thực hiện vệ sinh mắt sạch sẽ, cũng như có chế độ luyện tập cho mắt, để mắt được nghỉ ngơi, thư giãn thường xuyên. Cụ thể, sau mỗi 45-50 phút làm việc, bạn nên bỏ ra 5 phút để nhìn vào bóng cây xanh giúp làm dịu mắt, hoặc có thể dùng hai tay xoa vào nhau rồi chườm vào mắt cho đỡ mỏi.
Lam Lê
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: