Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa có chủ trương thống nhất mở tuyến tàu cao tốc kết nối Cà Mau với đảo Nam Du và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) để phát triển du lịch. Công ty Cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc sẽ thực hiện khai thác tuyến du lịch này.
Cà Mau đưa ra giải pháp trước mắt sẽ mở tạm bến thủy nội địa tại thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) để tuyến du lịch đường biển này đi vào hoạt động trong năm 2020. Về lâu dài, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng cảng biển dài khoảng 500m tại bờ Nam Sông Đốc để khai thác.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau , từ vị trí của bến tàu này, du khách sẽ dễ dàng đến và trải nghiệm, khám phá các điểm du lịch trọng điểm khác của tỉnh Cà Mau như: Đầm Thị Tường, Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Khu di tích Hòn Đá Bạc… Do đó, tuyến du lịch đường biển Cà Mau - Nam Du - Phú Quốc sẽ giúp du khách dễ dàng về tham quan các điểm du lịch của tỉnh Cà Mau nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung."Huyện đảo Phú Quốc hay Nam Du là những địa điểm du lịch nổi tiếng, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Do đó, khi tuyến du lịch được mở ra sẽ tạo cho du khách nhiều sự lựa chọn, từ đó dễ dàng đến thăm các địa danh nổi tiếng trong khu vực.
Tuyến du lịch đường biển Cà Mau kết nối Nam Du - Phú Quốc khi đi vào hoạt động sẽ là tuyến du lịch đường biển đầu tiên của tỉnh Cà Mau, không những thu hút du khách đến Cà Mau, mà còn tạo thuận lợi cho du khách trải nghiệm du lịch đường biển. Với tuyến du lịch này, ngành chức năng tỉnh Cà Mau kỳ vọng sẽ tạo đột phá, không chỉ nâng tầm cho du lịch Cà Mau phát triển nhanh hơn mà còn góp phần kích cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Sở Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) vừa ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Ngành Du lịch (9/7/1960 – 9/7/2020) với chủ đề "Du lịch BR-VT an toàn, thân thiện, vì sức khỏe cộng đồng".
Theo đó, các hoạt động sẽ diễn ra trong 1 tuần, từ ngày 3 đến 9/7 với điểm nhấn là chương trình kích cầu tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm du lịch BR-VT với mức giảm giá từ 10 đến 70% tất cả các dịch vụ phục vụ du lịch. Tiếp đó, trong 2 ngày 4 và 5/7 sẽ diễn ra giải chạy bộ với 1.500 VĐV hệ đội tuyển, phong trào, du khách tham gia. Chiều 5/7 là hoạt động biểu diễn diều, diễu hành thuyền buồm và mô tô nước, thả đèn trời tại khu vực Bãi Sau và Bãi Trước; tối cùng ngày Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Ngành Du lịch sẽ diễn ra tại Công viên tam giác Bãi Trước. Kết thúc chuỗi hoạt động kỷ niệm là Ngày hội hiến máu tình nguyện vào ngày 6/7. Đối tượng tham gia hiến máu là công chức, viên chức, lao động trong ngành du lịch, du khách và người dân nhằm huy động 600 đơn vị máu.
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ, phương án và dự toán cắm mốc giới khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh (trừ Côn Đảo).
Theo đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 48 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Thời gian qua, nhiều di tích bị xâm lấn chiếm đất, chiếm dụng mặt bằng. Việc quản lý di tích chủ yếu trên giấy tờ mà không rõ ranh giới thực địa gây khó khăn trong công tác bảo vệ, trùng tu và phát huy giá trị. Việc cắm mốc khoanh vùng nhằm xác định chính xác phạm vi, ranh giới các khu vực bảo vệ di tích với các khu vực tiếp giáp trên thực địa, biên bản và bản đồ khoanh vùng khu vực bảo vệ trong hồ sơ xếp hạng di tích. Quy mô diện tích được khoanh vùng cắm mốc hơn 600ha. Tổng kinh phí dự toán hơn 8,2 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Thời gian thực hiện 12 tháng, bắt đầu từ Quý II/2020. Sở VH-TT làm chủ đầu tư. Sở Xây dựng là cơ quan thẩm định và trình UBND tỉnh hồ sơ nhiệm vụ, phương án và dự toán kinh phí.
Chủ đề liên quan:
cà mau du lịch kết nối Nam Du ngành du lịch phát triển du lịch phú quốc tàu cao tốc tỉnh Bà Rịa tỉnh cà mau tỉnh kiên giang