Sức khỏe hôm nay

Mối nguy hại khi trẻ mắc viêm tai giữa

Viêm tai giữa là căn bệnh khá phổ biến, thường gặp ở trẻ em. Bệnh viêm tai giữa nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách rất để lại những biến chứng nguy hiểm.

Bệnh viêm tai giữa thuộc nhóm bệnh viêm đường hô hấp trên. Bệnh dễ gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là các bé dưới 6 tuổi.

Việc phát hiện và điều trị kịp thời viêm tai giữa có ý nghĩa quan trọng đối với việc phục hồi của trẻ, phòng ngừa các biến chứng và hậu quả lâu dài có thể xảy ra.

I. Thế nào là bệnh viêm tai giữa?

Viêm tai giữa dễ gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là các bé dưới 6 tuổi.

Viêm tai giữa là một nhóm các bệnh ở tai giữa, là sự tổn thương và viêm nhiễm xuất hiện trong tai giữa do các loại vi khuẩn sinh sôi và phát triển trong tai hoặc từ bên ngoài môi trường xâm nhập vào gây nên.

Có hai dạng chính là viêm tai giữa cấp tính và viêm tai giữa có dịch tiết.

- Viêm tai giữa cấp:

Đây là một dạng bệnh nhiễm trùng, khởi phát đột ngột và nhanh chóng trong thời gian ngắn với biểu hiện chính là đau tai.

Vùng tai giữa xuất hiện sự ứ đọng dịch, kèm theo các dấu hiệu nhiễm trùng tai. Màng nhĩ bị phình ra, gây đau đơn, có thể thủng màng nhĩ và gây chảy mủ.

- Viêm tai giữa có dịch tiết:

Là tình trạng tai giữa xuất hiện dịch tiết nhưng không gây nhiễm trùng trong hơn 3 tháng. Loại bệnh này không có những triệu chứng nổi bật mà bệnh nhân thường chỉ có cảm giác đầy và nặng tai.

- Viêm tai giữa sinh mủ mạn tính:

Là bệnh viêm tai giữa kéo dài hơn hai tuần và tình trạng này phải gây ra nhiều đợt chảy mủ ra lỗ tai. Đôi khi nguyên nhân là biến chứng từ viêm tai giữa cấp. Bệnh nhân thường hiếm khi thấy đau tai.

II. Cấu tạo cơ học của tai giữa

Vùng tai giữa gồm có màng tai và một hốc xương gọi là hòm tai. Màng tai là một màng mỏng có hình bầu dục, lõm ở giữa, nằm hơi nghiêng ra phía sau, ngăn cách toàn bộ ống tai ngoài và tai giữa.

Màng tai có lớp xơ ở giữa tương đối chắc, nhưng lại rất dễ bị thủng nếu bị viêm nhiễm hoặc có sự ứ đọng dịch.

Màng tai cũng dễ bị thủng hay chấn thương do tác động cơ học (chọc, ngoáy vào tai), chấn thương do áp lực lớn (khi lặn sâu, bị tát vào tai, sức ép do bom đạn...) hoặc chấn thương âm.

Tai giữa là bộ phận trọng yếu đối với chức năng thính giác, đặc biệt là hệ thống màng nhĩ và xương con. Chính vì thế những tổn thương ở vùng tai giữa có thể ảnh hưởng tới thính lực và để lại những di chứng nặng nề.

III. Nguyên nhân gây bệnh viêm tai giữa ở trẻ em

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm tai giữa ở trẻ.

- Do sức đề kháng của trẻ còn yếu nên dễ bị tấn công bởi các loại vi khuẩn gây nhiễm trùng ở tai, dẫn đến viêm tai giữa.

- Do cảm lạnh.

- Sống trong môi trường phải tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá.

- Ô nhiễm không khí.

- Các tác động cơ học như chọc, ngoáy tai, lấy ráy tai...

- Các tác động do áp lực khi lặn sâu, bị tát hay sức ép từ bom đạn...

- Do chất xuất tiết ở mũi họng lan lên tai giữa khiến tai giữa bị viêm nhiễm.

IV. Những biểu hiện của bệnh viêm tai giữa ở trẻ

Biểu hiện của bệnh viêm tai giữa có thể đi từ nhẹ đến nặng với các triệu chứng:

- Khi dịch trong tai giữa ứ đọng nhiều sẽ tạo áp lực thúc ép lên màng nhĩ gây ra cảm giác đau nhức ở vùng tai. Khi đó, trẻ lớn sẽ kêu đau tai, còn trẻ nhỏ thường có biểu hiện kéo giật tai mạnh, khó chịu và quấy khóc.

- Khi nằm, ăn hoặc bú có thể khiến tai đau nhiều hơn do có sự thay đổi áp suất ở trong tai giữa. Vì thế trẻ thường ăn ít hơn và khó ngủ, ngủ không sâu giấc, trẻ nhỏ thường quấy khóc khi nằm ngủ.

- Nếu áp suất từ dịch tích tụ quá nhiều, nó có thể làm thủng màng nhĩ, dẫn tới rò rỉ dịch trong tai. Hiện tượng này sẽ làm giảm áp suất dưới màng nhĩ, khi đó trẻ sẽ bớt đau hơn.

- Tình trạng ứ đọng dịch trong tai giữa cũng khiến đường truyền âm thanh bị cản trở, khiến trẻ có thể bị khó nghe tạm thời. Vì thế, phụ huynh nên nghi ngờ mắc bệnh nếu trẻ có những biểu hiện như:

+ Không có phản ứng với những âm thanh nhỏ

+ Thường bật TV hoặc radio với mức âm lượng lớn

+ Nói to hơn

+ Thường mất tập trung khi học.

Ngoài ra, ở nhiều trẻ còn xuất hiện một số biểu hiện khác như sốt, buồn nôn, nôn, hoa mắt, chóng mặt.

Bệnh viêm tai giữa có liên quan chặt chẽ với các bệnh về đường hô hấp trên, do đó khi mắc bệnh trẻ cũng có thể có những triệu chứng như ho, sổ mũi, nghẹt mũi...

V. Điều trị bệnh viêm tai giữa

Nếu nghi ngờ trẻ mắc bệnh viêm tai giữa, phụ huynh nên sớm đưa con tới các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán đúng tình trạng của bệnh.

Khi khám, bác sĩ sẽ sử dụng một ống soi tai để nhìn rõ màng nhĩ. Tùy thuộc vào mức độ của bệnh và thể trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra một phác đồ điều trị nhất định.

Không phải bất cứ trường hợp viêm tai nào cũng cần thiết phải sử dụng đến kháng sinh. Thực tế có nhiều trường hợp bệnh sẽ tự khỏi sau 4-7 ngày. Khi đó, bác sĩ sẽ xem xét kê thuốc giảm đau thay vì kháng sinh.

Tuy nhiên, với những trẻ đã bị viêm tai nhiều lần và tình trạng bệnh nặng sẽ cần sử dụng kháng sinh để điều trị. Liệu trình được khuyến cáo kéo dài 7 ngày.

Việc điều trị viêm tai giữa bao gồm điều trị triệu chứng đau tai và điều trị chống nhiễm khuẩn bằng kháng sinh.

- Thuốc giảm đau

Một số loại thuốc giảm đau thường được kê để giảm cơn đau tai là paracetemol hoặc ibuprofen. Trường hợp sử dụng 1 loại thuốc không đạt hiệu quả giảm đau, có thể sử dụng cùng lúc cả 2 thuốc.

Bên cạnh đó việc chườm nóng bằng khăn ấm áp vào vùng tai cũng có tác dụng giảm đau.

- Kháng sinh

Tùy theo mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm trùng các bác sĩ sẽ chỉ định liều kháng sinh phù hợp. Phụ huynh nên cho con dùng đủ số ngày thuốc theo đơn kê của bác sĩ, ngay cả khi bé đã cảm thấy đỡ các triệu chứng sau 2, 3 ngày điều trị.

Việc dùng đủ liều lượng thuốc rất cần thiết, bởi nó sẽ ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng quay trở lại.

Các kháng sinh thường được sử dụng bao gồm: Amoxicillin, Augmentin, Azithromycin, các Cephalosporin thế hệ I, II, III. Trường hợp có rách màng nhĩ, bác sĩ có thể kê đơn thuốc nhỏ tai gồm kháng sinh và hydrocortisone, giúp ống tai lành tốt hơn.

Thông thường bác sĩ sẽ bắt đầu điều trị với kháng sinh Amoxicillin đơn thuần. Bởi việc sử dụng thường xuyên kháng sinh loại mạnh có thể dẫn tới tình trạng kháng kháng sinh, khiến việc điều trị nếu bị tái phát khó khăn hơn rất nhiều.

VI. Khi nào cần dùng kháng sinh liều mạnh?

- Sau 48 đến 72 giờ sử dụng kháng sinh, các triệu chứng sốt và quấy khóc ở trẻ không được cải thiện thì cần sử dụng liều kháng sinh mạnh hơn.

- Trường hợp amoxicillin không có tác dụng trong 2-3 lần điều trị trước đó thì lần tiếp theo có thể sử dụng kháng sinh liều mạnh ngay.

- Nếu lần điều trị trước đó đã sử dụng amoxicillin điều trị, nhưng nhiễm trùng tái phát trở lại trong vòng 6 tuần thì có thể vi khuẩn đã kháng lại amoxicillin và cần dùng tới loại kháng sinh khác.

- Trường hợp dị ứng với amoxicillin cũng sẽ được kê loại thuốc khác.

- Nếu tình trạng bệnh vẫn không khỏi hẳn sau một đợt điều trị amoxicillin thì bác sĩ sẽ kê sang loại kháng sinh mạnh hơn.

VII. Chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa như thế nào?

Chế độ vệ sinh

Cần giữ vệ sinh tai sạch sẽ để tránh bị viêm tai giữa.

- Vệ sinh tai: Nếu tai trẻ chảy dịch mủ làm sạch tai cho trẻ bằng que tăm bông loại nhỏ, không nên lau quá sâu, không dùng bông nút kín tai. Nên để dịch thoát ra ngoài tự nhiên, không nên để nước vào tai.

- Vệ sinh mũi: Rửa mũi cho trẻ 2-3 lần/ ngày bằng nước muối sinh lý ấm.

+ Nếu trẻ đã biết hỉ mũi: Người nhà xịt/nhỏ nước muối vào mũi mỗi bên 3 nhát (đối với bình xịt) hoặc 3 giọt (đối với bình dạng nhỏ) cho trẻ. Sau đó bịt một bên mũi hỉ một bên và ngược lại.

+ Đối với trẻ nhỏ chưa biết hỉ mũi: Người nhà xịt/nhỏ nước muối vào mũi mỗi bên 3 nhát (đối với bình xịt) hoặc 3 giọt (đối với bình dạng nhỏ) cho trẻ. Sau đó dùng dụng cụ hút mũi để hút sạch mũi cho bé. Bịt một bên mũi và hút bên còn lại. Và làm ngược lại với bên đối diện. Khuyến cáo sử dụng các dụng cụ hút mũi, không nên dùng miệng để hút mũi cho bé gây mất vệ sinh.

Chế độ ăn uống, sinh hoạt

- Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu.

- Cho trẻ ăn theo nhu cầu, chia nhiều bữa trong ngày và uống thêm các loại nước hoa quả.

- Đối với trẻ dưới 6 tháng bú mẹ hoàn toàn cho trẻ bú tăng số lần lên.

Dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sỹ

Ngoài ra khi trẻ sốt:

- Chườm ấm cho trẻ, mặc quần áo mỏng, thấm mồ hôi.

- Ở phòng thoáng mát, không đóng kín cửa kết hợp dùng thuốc hạ sốt, giảm đau nếu trẻ sốt >38.5 độ C hoặc đau nhiều, cách nhau 4 – 6h theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám ngay?

Khi trẻ có 1 trong các biểu hiện sau:

- Trẻ đau tai tăng lên.

- Sốt cao liên tục dùng thuốc hạ sốt và chườm ấm không đỡ.

- Trẻ quấy khóc nhiều, bỏ ăn, bỏ bú.

- Trẻ nôn nhiều đi ngoài phân nhiều lần trong ngày.

- Các dấu hiệu bệnh của trẻ không tốt lên sau 2 ngày điều trị.

VIII. Phòng tránh viêm tai giữa cho trẻ

Loại trừ những yếu tố không thể thay đổi như tiền sử gia đình hay cơ địa thường xuyên bị viêm tai, thì có thể phòng tránh bệnh viêm tai giữa cho trẻ bằng một số cách dưới đây:

- Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu. Điều này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng viêm tai giữa từ sớm. Trường hợp bú bình, luôn giữ cho bé ở một góc nghiêng vừa phải thay vì bú nằm.

- Hạn chế tối đa việc cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá.

- Áp dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp trên để loại bỏ nguyên nhân gây viêm tai giữa thường xuyên.

- Duy trì thói quen rửa sạch tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh cho trẻ. Bản thân bố mẹ cũng cần giữ thói quen này khi chăm sóc bé để hạn chế nguy cơ truyền bệnh.

Phong Vũ

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/moi-nguy-hai-khi-tre-mac-viem-tai-giua-34454/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY