Sức khỏe hôm nay

Mùa hè cho trẻ đi bơi, cha mẹ lưu ý điều sau để tránh hậu quả đáng tiếc

Mùa hè đến mang theo sự oi bức, trẻ nhỏ thường sẽ được cha mẹ cho đi bơi để giải nhiệt. Tuy nhiên, gần đây báo đài liên tiếp đưa thông tin về các vụ đuối nước khiến nhiều người hoang mang, chuyên gia chỉ ra nguyên nhân đến từ những sai lầm tai hại sau.

Những sai lầm cần tránh mỗi khi đi bơi để hạn chế sự nguy hiểm cho trẻ nhỏ

Ăn quá no trước khi bơi

Sau khi ăn no, dạ dày rất cần một khoảng thời gian tương đối để tiêu hoá hết thức ăn. Tuy nhiên, trẻ nhỏ thường hiếu động nên sẽ không chờ đến khi bớt no, mà sẽ nhảy xuống hồ bơi ngay sau khi ăn xong. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, đặc biệt là dạ dày, mà còn có thể làm tăng cao nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, việc ăn quá no còn khiến máu dồn hết về dạ dày để tiêu hóa thức ăn nên khiến lượng máu lên não và các cơ quan khác bị thiếu hụt, dễ gây choáng váng, mất ý thức, chuột rút… điều này cũng được xem là một trong những nguyên nhân gây ra đuối nước.

Do đó, cha mẹ cần lưu ý, trước khi bơi ít nhất 45 phút thì không nên cho trẻ ăn gì để bảo đảm an toàn (Ảnh: Internet).

Không khởi động kỹ trước khi bơi

Rất nhiều người lớn thường không nhắc nhở trẻ, thậm chí chủ quan mà bỏ qua luôn bước khởi động đầu tiên mà nhảy ngay xuống hồ bơi. Thế nhưng, khởi động không chỉ giúp làm nóng người mà còn hỗ trợ kéo căng cơ, thư giãn các khớp để khi xuống hồ bơi thì bạn không bị nhanh oải, đuối cơ, chuột rút…, giúp hạn chế nguy cơ đuối nước.

Mặt khác, cũng đừng tập những động tác khởi động quá kỹ mà chỉ cần bỏ ra vài phút xoay cổ tay, cánh tay, vai, cổ chân, khớp gối, xoay hông, cúi gập người, vươn vai… là được (Ảnh: Internet).

Không uống nước đầy đủ

Cơ thể ta hoàn toàn có thể ra mồ hôi kể cả khi tiếp xúc với nước, đặc biệt là trong quá trình bơi phải sử dụng nhiều sức. Trong đó, dấu hiệu đổ mồ hôi thường khó nhận biết nên hầu như ít người quan tâm đến việc bổ sung nước đầy đủ cả trước, trong và sau khi bơi. Thế nên, cha mẹ hãy chuẩn bị sẵn một chai nước mang theo để bổ sung nước kịp thời cho trẻ, và tránh tình trạng cơ thể mất nước, gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.

Không đeo kính, mũ bơi, bịt tai đầy đủ

Cha mẹ có biết rằng, nước ở hồ bơi chỉ được thay theo định kỳ nên nó cũng có một độ bẩn nhất định. Do đó, sau khi đi bơi về thì khả năng cao bạn sẽ gặp phải tình trạng bị viêm tai, đau mắt xảy ra do không bảo vệ kỹ các bộ phận như đầu, mắt, tai…

Các dụng cụ như kính bơi, mũ bơi và bịt tai có thể giúp trẻ tránh gặp phải các vấn đề này nên cần nhớ sử dụng trước khi xuống hồ bơi (Ảnh: Internet).

Không tắm gội sạch sau khi lên bờ

Nước ở hồ bơi cũng không thật sự tốt cho da hay tóc của trẻ nhỏ nên sau khi bơi, cha mẹ cần tắm gội sạch sẽ ngay cho trẻ để da và tóc đỡ bị khô. Ngoài ra, sau khi từ bể bơi về, cha mẹ cần thực hiện hoặc yêu cầu trẻ thực hiện vệ sinh vùng kín kỹ càng. Do khu bể bơi vốn tập trung đông người - là nơi dễ bị nhiễm vi khuẩn, hóa chất, mầm bệnh ẩn nấp nhất từ nước hồ tắm, từ đó là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại bệnh nguy hiểm cho sức khỏe.

Lưu ý khi đi bơi mùa nóng để đảm bảo an toàn

- Theo các chuyên gia, muốn đảm bảo an toàn, cha mẹ cần sử dụng khả năng quan sát để phát hiện và tránh các bể bơi có nguồn nước bị vẩn đục hoặc có mùi hóa chất khử trùng đặc trưng trước khi cho trẻ xuống bể bơi.

- Khi số lượng người tham gia bơi quá đông, trước khi bước xuống bể bơi cần giữ ý thức tắm sạch và hạn chế mồ hôi, mùi mỹ phẩm trên cơ thể để không gây ô nhiễm bể bơi.

- Thời điểm thích hợp nhất để tắm tại bể bơi là từ 5h đến 7h sáng. Thời gian sớm này có ít người tắm nên nước trong hồ sẽ sạch hơn so với bình thường.

- Lưu ý khi đi bơi mùa nóng đối với các bể bơi ngoài trời không nên tắm tại bể khoảng 11h đến 15h vì thời gian này nắng nóng dễ gây hại cho da và dễ khiến bạn bị cảm nắng.

- Tự trang bị đầy đủ các vật dụng cần thiết như kem chống nắng toàn thân, kính bơi, mũ để bảo vệ tóc và mắt,… để bảo vệ bản thân khi đi bơi.

Tuy rằng đi bơi là bộ môn thể thao được nhiều người yêu thích, nhờ việc giúp tăng cường sức khỏe, cũng như khiến cơ thể được dẻo dai săn chắc hơn, nhưng vẫn được đánh giá là một hoạt động nguy hiểm với những ai không nắm rõ những sai lầm tai hại cần tránh mỗi khi đi bơi như đã được liệt kê phía trên. Mong rằng bài viết này sẽ mang lại những kiến thức bổ ích, giúp cha mẹ hạn chế được mọi nguy hiểm cho trẻ khi tham gia hoạt động dưới nước này.

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/mua-he-cho-tre-di-boi-cha-me-luu-y-dieu-sau-de-tranh-hau-qua-dang-tiec-34288/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY