Mẹ khổ, con yếu vì đồ ngọt
Trao đổi với phóng viên Sức khỏe Gia đình, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Thai phụ ăn nhiều đồ ngọt sẽ gây tăng cân và đường trong máu tăng cao, lâu ngày sẽ có nguy cơ mắc bệnh rối loạn dung nạp đường huyết và đái tháo đường.
Trong khi mang thai, lượng đường hấp thụ nhanh vào máu của bạn và để điều chỉnh lượng đường này, cơ thể bạn đòi hỏi một lượng lớn insulin được tiết ra bởi tuyến tụy. Nếu bạn ăn quá nhiều đường, tuyến tụy sẽ rất khó khăn để tiết ra đủ lượng insulin đáp ứng. Khi đó lượng đường trong máu của bạn sẽ tăng cao gây nên đái tháo đường thai kỳ. Có những trường hợp, sua thai kỳ, bệnh vẫn tiếp diễn thành đái tháo đường mạn tính.
Cũng theo bác sỹ Lâm, bà bầu ăn nhiều đồ ngọt sẽ có nguy cơ tăng cân nhanh trong thời kỳ mang thai, dẫn tới thừa cân béo phì sau này.
Mẹ ăn nhiều đường sẽ khiến thai nhi to dẫn tới khó sinh thường, phải sinh mổ. Ngoài ra, những đứa trẻ này còn có nguy cơ cao mắc bệnh béo phì. Người mẹ trong quá trình mang thai nếu bị đái tháo đường, thừa cân cũng dễ ảnh hưởng tới quá trình phát triển thai nhi, dễ dẫn đến hiện tượng sinh non, lưu thai… Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường ĐH. Auckland, New Zealand trên chuột cũng cho thấy nhau thai của chuột mẹ ăn nhiều đường sẽ nhỏ hơn ở chuột mẹ ăn ít đường. Vì thế các chuyên gia đều khuyên thai phụ nên tiết giảm đồ ngọt trong thai kỳ.
Kiểm soát lượng đường trong thai kỳ
Theo bác sỹ Lâm, mỗi thai phụ chỉ nên sử dụng không quá 20g đường ngọt tinh chế/ngày bao gồm tổng số đường có trong bánh, kẹo và đường tinh luyện.
Khi uống sữa, nước hoa quả, không nên cho thêm đường kính hoặc chọn các sản phẩm đóng gói không đường.
Các sản phẩm đóng gói thường có đường ở các dạng khác nhau, nếu không đọc kỹ bạn sẽ tưởng như chúng không có đường. Vì vậy, bạn nên đọc nhãn mác để hạn chế các sản phẩm có thành phần kết thúc bằng "ose” như Fructose, dextrose và glucose.
Trong bữa ăn thông thường, thai phụ nên hạn chế thực phẩm có đường cao. Thực phẩm có lượng đường cao gồm các món ăn chế biến từ đường và các loại ngũ cốc. Thực phẩm có lượng đường thấp bao gồm: rau xanh, hoa quả và các loại thịt. Thực phẩm không đường gồm các món ăn từ dầu thực vật.
Hiền Hậu
Chủ đề liên quan: