Tình yêu và giới tính hôm nay

Muốn hạnh phúc, hãy hy sinh vừa đủ

Đức hy sinh- sức nặng của mỹ từ ấy nên được san sẻ bớt trên đôi vai của người đàn ông trong gia đình. Bởi nếu muốn hạnh phúc, phụ nữ nên tự mình tập cách sống hạnh phúc hơn là gồng mình lên để hy sinh, hy sinh và hy sinh.

Câu chuyện từ quán mì quảng

Cuối tuần, tạt vào một quán mì quảng quen, tình cờ gặp hai vợ chồng trẻ và một đứa bé khoảng 2 tuổi đi xe máy đến dừng trước cửa quán.

Ông bố trẻ treo cái mũ lên xe, rồi lẳng lặng đi vào ngồi phịch xuống ghế. Bà mẹ còn lúng túng với đủ thứ phụ kiện như mũ bảo hiểm, chân váy che nắng, khẩu trang, nên chưa thể bế con xuống để vào quán!

Bế được con xuống rồi, bà mẹ trẻ còn phải mở cốp xe cất cái này cái kia. Làm xong hết mọi thứ, hai mẹ con vào ngồi xuống ghế thì nghe ông bố cằn nhằn: "Hai mẹ con lề mề quá!".

Người phụ nữ trẻ im lặng, rồi lấy đũa muỗng chuẩn bị đút cho con ăn. Một loáng người chồng đã ăn xong, với tay lấy tờ báo ngấu nghiến mặc cho vợ đang vật lộn với đứa con nhỏ nũng nịu, và tô mì của cô trên bàn đã nở ra hết cỡ. Khi đứa con vừa ăn xong miếng cuối cùng, người chồng cũng vội gọi tính tiền, nhấc đít một mạch ra chỗ để xe. Người phụ nữ ăn vội vàng mấy miếng, lại tất tả ẵm con, lại khoác lên đủ thứ nón áo cho con, lại nghe người chồng cằn nhằn: “Hai mẹ con lề mề quá”.

Xã hội Việt Nam tôn vinh người phụ nữ hay đang ép buộc họ phải quên mình vì người khác để từ đó, một hệ quả kéo theo là những người khác trong gia đình sẽ nhận lấy sự hi sinh đó như một lẽ tất nhiên nên hóa thành vô cảm? Người đàn ông trong câu chuyện trên, anh ta cảm thấy “những việc cỏn con” là bổn phận của vợ, còn người vợ, dường như cũng ý thức đó là việc-phải-thuộc-về-đàn-bà nên không mảy may mở lời nhờ sự phụ giúp của chồng.

Ảnh minh họa

Cách đây mấy tháng, câu chuyện người vợ đột tử, chồng tái hôn 6 tháng sau đó cũng gây “sốt” trên các diễn đàn. Người chia sẻ câu chuyện kể rằng, người bạn mà cô đã viết tâm sự trên Facebook là một người sống quá vì chồng con. Bạn cô rất giỏi trong công việc ở công ty nước ngoài, đã từng tốt nghiệp nhiều bằng đại học, một lúc làm hai, ba việc. Hai con của cô học trường quốc tế, tài chính gia đình chủ yếu một vai cô gánh vác. Ngay cả việc nhà, dù đã thuê giúp việc nhưng đến bữa cơm, cô cũng tự tay vào bếp. Để chu toàn cả hai vai, cả công việc kiếm tiền ngoài xã hội, cả công việc gia đình nên lúc nào cô cũng chỉ biết làm việc và làm việc, không một giờ nào dành cho bản thân… Tuy nhiên, sau khi đột tử, còn một ngày nữa mới giỗ đầu thì chồng cô ấy đã kịp tái hôn vào 6 tháng trước

Từ xưa tới nay, phụ nữ hy sinh sự nghiệp vì một người đàn ông thì người ta sẽ nói rằng cô ấy thật cao cả. Nhưng nếu đàn ông hy sinh sự nghiệp vì một người phụ nữ, mọi người sẽ mỉa mai anh ta... Trong văn thơ, đức hy sinh được ca ngợi như một phẩm chất quý giá cần có của người phụ nữ đúng chuẩn theo quan niệm truyền thống, và dĩ nhiên vẫn vắt sang xã hội hiện đại.

Ánh hào quang trong lời khen ngợi về đức hy sinh của người đời liệu có giúp cho những người phụ nữ được hạnh phúc? Nhưng trong xã hội hiện đại, những quy chuẩn lỗi thời đang là chiếc gông nặng vô hình đè lên vai những người phụ nữ vốn không chỉ còn làm những việc "nhỏ".

Người phụ nữ phải nhẫn nhịn che giấu những điều không vừa ý trong cuộc sống bởi sự ràng buộc của câu châm ngôn "xấu chàng hổ ai". Hoặc ngay cả những người phụ nữ trong cuộc cũng bị "ru ngủ" bởi những lời tung hô sáo rỗng, để rồi dùng cả cuộc đời mình miệt mài hy sinh cho một điều gì đó, mong giữ lại sự yên ấm cho ngôi nhà mình. Khi còn trẻ, các cô tự biến mình thành người giúp việc không công của bạn trai, nấu nướng, giặt giũ, quét dọn cho anh ta mỗi ngày. Khi lấy chồng, họ nhường đàn ông cơ hội lập nghiệp, chấp nhận ở nhà đầu bù tóc rối. Đến một ngày, người đàn ông mà họ vốn coi là cả thế giới nhẫn tâm quay lưng bỏ đi, họ mới oán trách tại sao những hy sinh của mình lại không được đền đáp.

Đừng nhầm lẫn hy sinh và chia sẻ

Trong bài phát biểu trên TEDtalks, chuyên gia tư vấn Yves Morieux có một ví dụ rất hay:

Ở nhà tôi có 2 cái tivi, vợ 1 cái và tôi 1 cái, chính là để tôi với vợ không phải hợp tác với nhau, để không phải đánh đổi với nhau. Vì sao tôi không muốn phải đánh đổi với vợ, chính là vì tôi yêu vợ tôi. Nếu tôi không yêu vợ thì một cái tivi là đủ: “Em sẽ xem trận bóng yêu thích của anh, nếu em không thích, em có thể chọn quyển sách hoặc cánh cửa”.

Chúng tôi càng thích nhau, càng muốn mối quan hệ trở nên vững bền hơn, thì chúng tôi sẽ càng cố tránh những đánh đổi như thế với nhau. Hoặc chúng tôi mua thêm 1 cái tivi nữa, hoặc những quyết định kiểu trọng tài như thế sẽ leo thang.

Đàn ông Việt thử hỏi mấy ai hình thành được thói nghĩ như thế. Còn phụ nữ Việt do bị ràng buộc "Tam tòng tứ đức" nên chưa dám nghĩ đến một gia đình hạnh phúc khi người phụ nữ "ngang hàng" với đàn ông.

Trong một gia đình, người mẹ hạnh phúc thì gia đình mới hạnh phúc. Sự yên ấm của một mái nhà nên do mọi thành viên cùng vun đắp, chứ không phải dựng nên từ sự hy sinh của người vợ, người mẹ. Nếu cán cân cho - nhận cứ nghiêng dần về một phía, một ngày nào đó mái nhà ấy sẽ đổ sụp vì chẳng ai chịu nổi gánh nặng mà nó đè lên.

Khi phụ nữ cảm thấy không hạnh phúc, đã không phân định sự mất cân bằng giữa cống hiến cho gia đình và chăm sóc bản thân, để cuối cùng lẫn lộn giữa sự hy sinh và chia sẻ, rồi đổ hết lỗi lên người đàn ông trong gia đình.

Yêu thương nên là điều nhẹ nhõm nhất trong đời, đừng khoác lên nó bài tính khổng lồ giữa cho và nhận. Người phương Tây cho rằng đừng tạo áp lực cho người bạn đời bởi sự hy sinh của bạn, và cũng đừng khiến ai phải vì mình mà hy sinh.

“Chồng vẫn có thể phản bội mình, con cái vẫn có thể bất hiếu, dù mình có hi sinh cả cuộc đời cho họ. Vì thế mình phải biết yêu lấy bản thân mình, mình sống cho mình, đừng âm thầm chịu đựng, hi sinh”, nhà văn Tâm Phan chia sẻ.

Yêu thương nên là điều nhẹ nhõm nhất trong đời, đừng khoác lên nó bài tính khổng lồ giữa cho và nhận.

Hiểu Đan

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/muon-hanh-phuc-hay-hy-sinh-vua-du-21274/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY