Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Mỹ - Anh rẽ hai ngả sau thành công tiêm chủng bước đầu

Sau thành công tiêm chủng bước đầu, Mỹ ồ ạt mở cửa nền kinh tế, Anh dè dặt hơn bởi biến thể từ Ấn Độ đe dọa.

Cuối tuần trước, trong Ngày Tưởng niệm, 135.000 người chen chúc trên khán đài xem giải đua xe Indianapolis 500. Các nhà hàng khắp cả nước chật cứng sau khi gỡ quy định đeo khẩu trang. Thông điệp từ chính quyền Tổng thống Joe Biden ngắn gọn: "Về cơ bản, nếu đã tiêm chủng đầy đủ, bạn tự do làm điều mình muốn".

Trong khi Mỹ cố gắng khép lại tấm màn đại dịch, Anh và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) có câu chuyện hoàn toàn khác.

Dù mức độ lây nhiễm giảm, số người tiêm chủng tăng, châu Âu duy trì lệnh giãn cách, tái áp đặt hạn chế đi lại và cân nhắc phong tỏa địa phương.

Tại Anh, sự lây lan của biến thể Delta lần đầu phát hiện tại Ấn Độ làm xáo trộn kế hoạch mở cửa trở lại ngày 21/6. Tuần trước, chính phủ siết quy định du lịch với cả người đã tiêm phòng đầy đủ.

Giới khoa học sôi nổi tranh luận liệu có nên gỡ phong tỏa ngày 21/6 tới hay không. Một số người lập luận chi phí kinh tế phải bỏ ra nếu hoãn mở cửa vài tuần vẫn nhỏ hơn nhiều so với thiệt hại mà biến thể Delta sẽ gây ra (nếu lây lan ồ ạt trước khi đất nước có miễn dịch cộng đồng).

Chương trình tiêm chủng châu Âu khởi đầu chậm chạp, song từ đó đến nay đã giúp giảm đáng kể ca nhiễm, giống với Mỹ. Tuy nhiên, quá trình nối lại hoạt động kinh tế, xã hội ở hai khu vực khác hẳn nhau.

"Chúng ta đang chứng kiến sự lây lan của một biến thể không rõ đặc tính. Chẳng có gì chắc chắn về tương lai", Theo Sanderson, chuyên gia Viện Wellcome Sanger, nhận định.

Hơn 135.000 người Mỹ tham dự giải đua xe Indianapolis 500 tại bang Indiana, ngày 6/6. Ảnh: NY Times

Trong đại dịch, anh trở thành phòng thí nghiệm của thế giới. các nhà khoa học đã giải trình tự gene tới 60% ca nhiễm ncov, giúp phân tích về sự chuyển biến của virus. nước này nhận ra dấu hiệu sớm nhất của các biến thể nguy hiểm. anh cũng là nơi báo hiệu những thách thức mà các quốc gia sẽ đối mặt khi phát hiện biến thể, dù đã tiêm chủng đại trà.

Khi các nhà khoa học tranh cãi về mối nguy mà biến thể Delta gây ra, nhiều người lo ngại Anh không kịp mở cửa trở lại, làm phí hoài các thành công về tiêm chủng bước đầu.

Tim Spector, giáo sư dịch tễ học di truyền tại King's College London, cho biết: "Người Anh lo lắng hơn bất cứ nước nào khác. Chúng tôi dường như dễ bước vào kịch bản ngày tận thế hơn nhiều so với Mỹ".

Kể từ khi biến thể Delta lan đến Anh vào tháng 3, nó nhanh chóng vượt xa các chủng virus khác, bao gồm biến thể Alpha (B.1.1.7). Số ca nhiễm cộng đồng một lần nữa tăng lên. Giáo sư Neil Ferguson, cố vấn khoa học hàng đầu của chính phủ, ước tính Delta có khả năng lây lan cao hơn khoảng 60% so với Alpha. Giới chức y tế cũng cảnh báo ca nhiễm biến thể Delta có nguy cơ chuyển nặng và nhập viện cao hơn, dù chưa chắc chắn.

Theo các nhà khoa học, chiến lược khác biệt của chính phủ Anh và Mỹ cũng phản ánh sự khác biệt trong quan điểm của họ về trách nhiệm với những người chưa tiêm chủng.

Nhiều bang Mỹ nới đáng kể hạn chế không lâu sau khi mở rộng quy mô vaccine cho toàn bộ người trưởng thành. Nền kinh tế mở cửa trở lại. Vaccine Mỹ hiệu quả cao trước biến thể Delta. Nước này khả năng hạn chế được sự lây lan của nó.

Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại biến thể sẽ len lỏi trong các cộng đồng thiểu số chưa tiêm chủng, phát tán và gây tỷ lệ Tu vong cao. Chính quyền Biden đến nay vẫn nỗ lực khắc phục tình trạng hoài nghi vaccine.

Ở Anh, 90% người 65 tuổi đã tiêm phòng đầy đủ. Song giới chức y tế phản đối việc mở cửa ồ ạt khi đang tìm cách đưa chương trình vaccine sang các khu vực thu nhập thấp, cộng đồng da màu.

"Chúng tôi biết virus chủ yếu tấn công nhóm người nghèo hơn, những người da màu lưỡng lự tiêm vaccine nhất. Chiến lược của Mỹ phản ánh ảnh hưởng sâu sắc từ chủ nghĩa cá nhân. Chương trình tiêm chủng của Anh được quản lý chặt chẽ, phản ánh ý thức bảo vệ cả cộng đồng", James Naismith, giám đốc Viện Rosalind Franklin, nói.

Năm ngoái, Anh quyết định lùi lịch tiêm liều vaccine thứ hai để tiêm liều đầu tiên cho càng nhiều người càng tốt. Điều này giúp đất nước vượt qua đợt bùng phát mùa đông, song cũng dễ khiến biến thể Delta tràn vào. Tuần trước, giới chức y tế cho biết đã có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy vaccine giảm hiệu quả với biến thể mới, biểu hiện rõ nhất ở những người mới tiêm một liều.

Giới chức kể từ đó tăng tốc tiêm liều thứ hai. Các nhà khoa học khuyến nghị chính phủ không mở cửa trở lại đến khi hiểu rõ hơn về tác động của biến thể.

Dù đã hoạt động trở lại, các nhà hàng chỉ tiếp những nhóm khách dưới 6 người. Câu lạc bộ đêm, tụ điểm nghe nhạc vẫn đóng cửa. Nhiều cơ sở kinh doanh, khách sạn lao đao.

Khách hàng đeo khẩu trang và ngồi giãn cách tại một thẩm mỹ viện ở London, tháng 6/2021. Ảnh: NY Times

Câu hỏi quan trọng là liệu các ca nhiễm gần đây có chuyển thành đợt bùng phát nghiêm trọng hay không. Điều này một phần phụ thuộc vào tốc độ tiêm chủng liều thứ hai. Giới khoa học ảnh báo vaccine Pfizer giảm tác dụng với biến thể Delta, đặc biệt ở người lớn tuổi, nhiều khả năng phải tiêm nhắc lại.

"Chúng tôi có lý do để hy vọng. Số người nhập viện không cao, nhưng đó là những ngày đầu. Nếu không có gì đột biến trước 14/6, chúng tôi có thể an tâm, không cần thấp thỏm", giáo sư Naismith nói.

Các nhà khoa học khác cho rằng biến thể Delta khó lây lan rộng, vì chúng chỉ giới hạn ở người trẻ tuổi. Trong khi người dễ bị tổn thương, người già hầu hết đã tiêm vaccine.

Tại EU, nơi mức độ tiêm chủng thấp hơn Mỹ và Anh, giới chức cũng tỏ ra cẩn trọng. Đức, Pháp, Áo nhanh chóng cấm hầu hết du khách từ Anh. Toàn khối bị ảnh hưởng bởi biến thể Alpha hồi mùa đông năm nay, ghi nhận tỷ lệ Tu vong cao nhất nhì thế giới. Chính phủ bị chỉ trích vì không tận dụng được lợi thế khi Covid-19 suy yếu vào mùa hè năm ngoái.

Trong khối, 47% dân số trưởng thành đã tiêm liều vaccine đầu tiên, theo CDC châu Âu, song chỉ 23% đã tiêm chủng đầy đủ. Dù số ca nhiễm giảm tới 80% vào giữa tháng 4, các nhà lãnh đạo châu Âu có nhiều lý do để cảnh giác.

Hans Kluge, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại khu vực, cảnh báo: "Các tiến bộ này rất mong manh. Chúng ta từng đạt được kết quả này rồi, nhưng cũng phạm sai lầm ở chính thời điểm này năm ngoái".

Hiện tình trạng nghẽn nguồn cung đã được cải thiện. Giới chức châu Âu tin tưởng sẽ tiêm chủng cho 70% người trưởng thành trong tháng 7. Một số nhà khoa học cho biết thách thức mà khu vực phải đối mặt là biến thể Delta. Khi nó vẫn lưu hành rộng rãi, biến thể nguy hiểm hơn sẽ tiếp tục xuất hiện, buộc các nước phải vật lộn giữa hai lựa chọn: phong tỏa lần nữa hay liều mình để virus lây lan trong cộng đồng chưa tiêm chủng.

Thục Linh (Theo NY Times)

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/my-anh-re-hai-nga-sau-thanh-cong-tiem-chung-buoc-dau-4290055.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY