Mẹ nôn nóng, con “chịu tội”
Ngay từ khi con gái vừa mới ra đời, chị Lan (Ngõ 37, phố Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) đã thấy “chân của bé không được thẳng lắm, nói đúng ra là hơi cong. Còn nhỏ thì không sao nhưng lớn mà chân cứ khuỳnh khuỳnh ra như vậy thì xấu lắm”. Lo lắng cho ngoại hình của con, lại được người quen mách nước nên ngày nào chị cũng chịu khó nắn cho chân cho con. Chị Lan cũng đã tính đến chuyện nếu nắn không hiệu quả, chị sẽ cho con đi tập vật lý trị liệu, thậm chí cả bó bột miễn là chân con được thẳng và đẹp.
Thực tế, không riêng gì con gái chị Lan, chân cong là hiện tượng thường gặp ở nhiều trẻ em. Giải thích điều này, BS.Trương Anh Mậu, Khoa ngoại Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng 2, Tp.HCM cho biết: “Trẻ bình thường sinh ra thì 2 chân bé đã bị cong do tư thế bào thai.
Tuy nhiên, cơ thể sẽ tự điều chỉnh dần theo thời gian. Lúc trẻ khoảng 18 tháng, chân vòng kiềng (còn gọi là chân chữ O) sẽ được điều chỉnh dần về tư thế hơi vẹo ngoài. Đến 3-4 tuổi, một số trường hợp xương chân điều chỉnh quá mức lại tạo thành chân chữ X. Ở độ tuổi 5-6 tuổi, chân chữ X của trẻ sẽ được điều chỉnh dần về trục cơ học bình thường”. Và như vậy, sự nôn nóng và can thiệp quá sớm của người lớn có thể phá vỡ quá trình phát triển sinh lý bình thường của bé.
Bạn cũng đừng hy vọng, chân của bé sẽ thẳng bằng cách nắn chân. Theo BS. Hà Thị Kim Yến, Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi đồng I, Tp.HCM “việc nắn chân hoàn toàn không có tác dụng làm thẳng. Lực nắn chỉ có tác dụng xoa bóp, massage giúp bé dễ chịu mà thôi”. Trong trường hợp bé bị viêm cơ thì nắn chân thậm chí còn có thể để lại dị tật cho trẻ.
Tự nhiên hay điều trị?
Theo bác sĩ Mậu, trong trường hợp chân cong do sinh lý thì “chân vòng kiềng nói chung không cần điều trị gì đặc hiệu nhưng cần theo dõi bé đến 5-6 tuổi”. Vấn đề điều trị chỉ đặt ra khi có nguyên nhân khác ngoài vấn đề sinh lý: như nhuyễn xương do thiếu vitamin D, suy dinh dưỡng, u, nhiễm trùng xương, chấn thương xương, đặc biệt là vùng sụn tiếp hợp khiến sự phát triển không đều... Ngoài ra, việc tập cho trẻ đứng, đi sớm khi hệ xương chưa hoàn thiện cũng ảnh hưởng đến hình dáng và chức năng của chân.
Trong trường hợp chân cong vì thiếu vitamin D, canxi, việc điều trị chỉnh hình sẽ kết hợp với bổ sung các chất trên vào chế độ ăn hàng ngày. Còn nếu là một dạng còi xương do di truyền, lúc này, bé cần được khám và điều trị tại các chuyên khoa nội tiết. Nếu là chân vòng kiềng do bẩm sinh, gây mất thẩm mỹ do chân quá cong, làm xấu tướng đi, bác sĩ sẽ có giải pháp để cải thiện về mặt thẩm mỹ như bó nẹp hoặc bó bột hoặc phẫu thuật sắp lại xương (nếu các biện pháp khác không hiệu quả).
Ngoài ra, cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu, cho bé tắm nắng đúng cách và ăn uống đầy đủ dưỡng chất, canxi và vitamin D cũng là một cách để phòng tránh chân vòng kiềng cho bé.
Theo chuyên đề
Sức khỏe gia đình (NXB Y học)
Chủ đề liên quan: