Sức khỏe hôm nay

Nên ăn gì khi ốm nghén để vừa có lợi cho mẹ bầu lẫn thai nhi?

Nhiều phụ nữ có thai thường xuyên bị nôn, sợ mùi thức ăn và thậm chí không ăn được gì trong những tuần đầu của thai kỳ.

Nghén là triệu chứng hầu hết chị em phụ nữ đều gặp phải khi mang thai. Biểu hiện ốm nghén thường thấy đó là: đau đầu chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn, có người nôn quá nặng đến mức không dám ăn uống gì, ốm nghén thường xảy ra vào buổi sáng sau khi thức dậy và sau mỗi bữa ăn.

Thông thường, tình trạng ốm nghén chỉ xảy ra trong 12 tuần đầu của thai kỳ, nhưng cũng có không ít chị em phải chịu đựng cơn nghén này trong suốt 9 tháng 10 ngày. Mức độ của ốm nghén ở mỗi bà bầu cũng rất khác nhau, có người nghén nặng, có người chỉ nghén thoáng qua một vài lần.

Tuy nhiên, việc chú trọng vào chế độ dinh trương trong 3 tháng đầu thai kì có thể giúp mẹ bầu cải thiện tình trạng ốm nghén. Dưới đây là những thực phẩm mẹ bầu nên bổ sung trong thực đơn để hạn chế việc ốm nghén:

Thơm (dứa)

Dứa chứa vitamin C giúp tăng cường và bảo vệ hệ miễn dịch cho mẹ bầu. Dứa cũng chứa gần 70% lượng mangan cần thiết cho cơ thể, có vai trò quan trọng trong việc phát triển xương và các mô liên kết. Đặc biệt chất xơ trong dứa còn giúp ngăn ngừa táo bón. Trong một số trường hợp, ăn dứa có thể giúp mẹ bầu giảm bớt triệu chứng nghén khi mang thai.

Nước mía

Bà bầu bị nghén nặng cần chuẩn bị: 300g mía tím, 5g gừng tươi.

Cách làm: mía tím nướng cho nóng, bỏ vỏ ép lấy nước. Gừng giã nhỏ cho vào nước mía quấy đều, chắt lấy nước bỏ bã, chia làm 3 lần uống trong ngày, uống trước khi ăn 30 phút, uống liên tục từ 3 - 5 ngày.

Cam, quýt, bưởi

Cam, quýt, bưởi không chỉ giàu chất dinh dưỡng cho bà bầu, mà ngay cả vỏ cam, quýt, bưởi cũng có tác dụng chống nôn khá tốt. Cách chống nghén tốt nhất cho bà bầu là hãm vỏ quýt, cam với nước sôi uống hàng ngày. Nếu không, bà bầu có thể ngửi mùi từ vỏ cam cũng có thể khiến các mẹ bầu không còn cảm giác bị ốm nghén trong những ngày đầu mang thai này nữa.

Nước ô mai

Mẹ bầu chuẩn bị: Ô mai 20 quả, gừng tươi 5g, đường đỏ 30g. Cho tất cả vào nồi, thêm 400ml nước đun sôi kỹ chắt lấy nước thuốc đặc, chia 3 lần uống trong ngày trước khi ăn 20 phút. Cần uống liền 3 - 5 ngày.

Chuối

Chuối giàu vitamin C và B6, chất xơ và kali. Đây là những dưỡng chất cần thiết giúp mẹ bầu khỏe mạnh, đối phó với chứng táo bón hiệu quả trong thai kỳ. Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng vitamin B6 có tác dụng giúp giảm những cơn buồn nôn khó chịu khi mang thai.

Me, sấu ngâm gừng

Chuẩn bị: 200g quả me, 200g quả sấu, 10g gừng, 30g đường trắng. Quả me, quả sấu cạo bỏ vỏ ngoài đem đồ chín, quả me bóc bỏ vỏ cứng. Gừng cạo sạch, giã nhỏ, trộn với đường, cho vào cùng quả me, sấu trộn đều đến khi đường tan hết là được.

Bánh mì, bánh quy

Bánh mì, bánh quy là lựa chọn hấp dẫn cho những bà bầu ốm nghén. Các loại bánh này có tác dụng làm quên cảm giác bị buồn nôn, chúng có vị mặn trung hòa acid trong dạ dày, làm giảm đi cơn đói gây cồn cào khiến bà bầu cảm thấy không buồn nôn nữa. Đây cũng là loại thực phẩm bà bầu có thể ăn trong suốt thời gian mang thai dài.

Cháo ý dĩ

Chuẩn bị: 15g ý dĩ, 100g gạo, 100g gừng, 20g đường đỏ. Ý dĩ, gạo xay thành bột, gừng giã nhỏ cho vào nồi, thêm nước đun trên lửa nhỏ cho sôi kỹ, đến khi cháo chín nhừ cho đường đỏ vào khuấy đều, cháo sôi lại là được. Ăn nóng, ngày 2 lần lúc đói. Bà bầu bị nghén nặng ăn liên tục 3 ngày.

Tía tô

Theo Đông y, tía tô có tính ấm, có tác dụng an thai, hạn chế triệu chứng buồn nôn ở phụ nữ mang thai. Những bà bầu ốm nghén có thể dùng lá tía tô hãm nước sôi uống hàng ngày hoặc chế biến kết hợp với các món ăn khác trong bữa ăn, hiệu quả sẽ rất rõ rệt.

Củ cải

Củ cải là một loại rau củ có vị mát, có công dụng thanh nhiệt, hóa đàm, giải trừ buồn nôn và rất hợp với bà bầu. Có rất nhiều cách để chế biến củ cải, các mẹ có thể ép lấy nước củ cải uống hoặc chế biến thành các món ăn trong bữa ăn hàng ngày. Để có tác dụng hiệu quả mẹ bầu nên giã nát hoặc ép lấy nước củ cải sắc với mật ong uống hàng ngày từng ít một.

Bí đao

Bí đao có vị ngọt, tính mát với tác dụng thanh nhiệt, bài trừ đàm và hạn chế tình trạng buồn nôn rất tốt. Bà bầu có thể ép lấy nước uống, phơi khô hãm thành trà uống thay nước mỗi ngày.

Khoai lang, khoai tây

Trong củ khoai lang rất phong phú các loại vitamin như: vitamin B6, viatmin C, folate, photpho… Vì vậy, việc ăn khoai lang không chỉ cung cấp dưỡng chất tốt cho mẹ và bé mà còn giúp các mẹ bầu giảm chứng buồn nôn và chán ăn. Một củ khoai tây nhỏ nướng vừa chín tới cũng có thể giải quyết sự khó chịu trong dạ dày cho mẹ bầu. Tinh bột có trong khoai tây sẽ bổ sung chất bột cho cơ thể đồng thời làm giảm lượng axit dư thừa trong dạ dày, giúp mẹ bầu nhanh chóng quên đi cơn buồn nôn kéo đến.

Ánh Dương

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/nen-an-gi-khi-om-nghen-de-vua-co-loi-cho-me-bau-lan-thai-nhi-28488/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY