Sức khỏe hôm nay

Nếu đang đau đầu vì con quá bướng bỉnh, áp dụng những tuyệt chiêu sau đảm bảo trẻ sẽ biết kiềm chế hơn nhiều

Những hành vi bướng bỉnh của trẻ xảy ra vì nhiều lý do, nhưng có một lý do phổ biến nhất là chúng cảm thấy chán. Trẻ sẽ nhận ra rằng hành vi của chúng có hiệu quả, đặc biệt nếu trẻ làm theo cách của mình và đạt được những gì chúng muốn.

Đôi khi ham muốn quyền lực cũng là lý do đằng sau sự nghịch ngợm của chúng vì đây là cách để trẻ cố gắng và khẳng định khả năng kiểm soát. Vì vậy, muốn cuộc sống làm cha mẹ của bạn dễ dàng hơn một chút, hãy thực hiện một số cách dưới đây để ngăn ngừa những cơn giận dữ khó chịu từ sự bướng bỉnh của trẻ.

1. Cho trẻ thấy cách tiếp cận tình huống bình tĩnh hơn

Trẻ em thường thích học theo cha mẹ, vì vậy chúng ta nên làm mẫu cho hành vi và hành động của trẻ bằng cách dạy trẻ bình tĩnh. Nếu trẻ nổi cơn thịnh nộ và bạn bắt đầu la mắng, đó là điều sẽ trở nên bình thường đối với chúng. Vì vậy, bạn hãy chỉ cho trẻ một cách khác để đối phó với cảm xúc của chúng.

Nếu trẻ nổi cơn giận, đừng la mắng mà hãy chỉ cho trẻ cách tiếp cận bình tĩnh hơn, dần dần bạn sẽ thấy con bớt bướng bỉnh.

2. Đưa ra các lựa chọn để trẻ quyết định những gì chúng muốn làm

Các chuyên gia tâm lý cho biết, để cho con bạn lựa chọn sẽ giúp thỏa mãn nhu cầu cảm thấy được kiểm soát của chúng. Vì vậy, nếu trẻ phải thu dọn đồ chơi và sau đó đánh răng, hãy hỏi trẻ xem chúng muốn làm cái nào trước.

3. Mang theo đồ ăn nhẹ

Đôi khi hành vi xấu hoặc thái độ không tốt là do đói. Vì vậy nếu bạn và con đang ở bên ngoài, việc mang theo đồ ăn nhẹ sẽ giúp bạn tránh được cơn giận dữ và giữ cho con bạn có tâm trạng vui vẻ.

4. Tạo thói quen ở nhà mà trẻ phải tuân theo và thưởng khi chúng hoàn thành

Giúp trẻ hình thành thói quen tốt như không xem TV sau một thời gian nhất định, dọn dẹp bát đĩa, đánh răng và đi ngủ vào giờ thích hợp.

Và tốt nhất, hãy lập bảng công việc cho cả tháng. Nói với trẻ rằng nếu chúng làm theo thói quen đó trong cả tháng hoặc trong 1 hay 2 tuần, trẻ sẽ nhận được một số phần thưởng do chúng lựa chọn.

5. Đưa ra những hình phạt khi vi phạm các quy tắc

Hậu quả logic gắn liền với một hành vi sai trái cụ thể. Chẳng hạn, nếu con bạn không muốn ăn rau xanh, bạn sẽ không cho chúng ăn tráng miệng bằng bánh hoặc đồ ưa thích. Hoặc nếu chúng không muốn nhặt đồ chơi của mình, đừng để chúng chơi với món đồ chơi đó trong thời gian còn lại trong ngày.

Bạn nên đưa ra các hình phạt khi con vi phạm quy tắc nhưng hãy nhớ, không áp dụng các hình phạt quá nặng.

Điều này rất tốt cho những đứa trẻ đang gặp khó khăn với những nhiệm vụ cụ thể. Tuy nhiên, hãy tránh những trừng phạt quá nặng, chẳng hạn như nếu chúng không muốn ăn thức ăn của mình, bạn đừng bắt chúng phải dọn nhà vệ sinh.

6. Chuyển hướng sự chú ý của trẻ

Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, đôi khi trẻ có thể cư xử sai vì chúng cảm thấy nhàm chán hoặc không biết làm gì hơn. Vì vậy, tìm cho chúng một việc gì đó để làm, một việc gì đó để giúp chúng tham gia và giải trí để chuyển hướng sự chú ý của chúng thay vì nghịch ngợm.

7. Cố gắng tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra giải pháp cho các vấn đề

Bạn hãy hỏi xem trẻ gặp vấn đề gì hoặc có điều gì làm phiền chúng. Nếu có điều gì đó không ổn, bạn nên ngồi lại và nói chuyện với chúng.

Hiểu rõ vấn đề trẻ đang gặp phải và tìm cách giải quyết sẽ giúp trẻ thoải mái, bớt bướng bỉnh hơn.

Cố gắng tạo điều kiện cho trẻ tự đưa ra các giải pháp để giải quyết vấn đề. Nếu chúng không có câu trả lời, bạn hãy giúp chúng, nhưng hãy đảm bảo làm cho trẻ cảm thấy như chính chúng đang giải quyết được vấn đề của mình.

8. Thừa nhận những cảm xúc mà trẻ đang cảm nhận

Thay vì hành động như thể chúng xấu hoặc nghịch ngợm, bạn hãy cho trẻ thấy rằng bạn hiểu cảm xúc của chúng. Vì cảm xúc đóng một vai trò quan trọng trong hành vi của trẻ, nên việc ghi nhận chúng là một điều tốt.

Bạn nên nói: “Bố biết con rất thất vọng vì chúng ta không thể đi chơi công viên hôm nay, nhưng thời tiết không tốt. Hãy cùng nhau làm điều gì đó khác để bù đắp ”. Điều này có thể sẽ giúp con bạn giảm bớt cảm xúc tiêu cực và bớt bướng bỉnh hơn.

Nhiều bậc phụ huynh đau đầu vì con bướng bỉnh, dễ nổi loạn và nhiều khi còn có thái độ chống đối lại bố mẹ. Tuy nhiên, nếu thực sự hiểu con bực mình vì vấn đề gì và từ từ áp dụng các biện pháp như trên, chắc chắn bạn sẽ thấy con bớt bướng hơn nhiều.

Ánh Dương

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/neu-dang-dau-dau-vi-con-qua-buong-binh-ap-dung-nhung-tuyet-chieu-sau-dam-bao-tre-se-biet-kiem-che-hon-nhieu-30254/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY