12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Ngành y tế TP.HCM đưa ra cảnh báo về di chứng tim phổi, rối loạn tâm thần hậu COVID-19 đang có tỷ lệ gia tăng

Chúng ta không biết được liệu sẽ còn bao nhiêu biến chủng mới có thể xuất hiện trong tương lai, kèm theo tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều hỗn loạn, việc phát triển các biện pháp nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến di chứng hậu COVID-19 là vô cùng quan trọng, nhằm giảm bớt gánh nặng cho các y bác sĩ khi điều trị COVID-19.

Mới đây, tại buổi hội nghị “Triển khai nhiệm vụ phát triển Kinh tế - Xã hội” năm 2022, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - ông Tăng Chí Thượng cho biết không nên chủ quan với việc phòng, chống và dập dịch, dựa vào nhận định của WHO rằng: đại dịch vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn trước năm 2023. Bên cạnh đó, ông cũng cho biết thêm, một vấn đề mới phát sinh rằng TP.HCM bắt đầu ghi nhận các trường hợp gặp nhiều di chứng về sức khỏe sau khi mắc COVID-19, bao gồm mệt mỏi, di chứng phổi, di chứng tim mạch, rối loạn tâm thần… Trước tình hình dịch bệnh vẫn chưa thể nới lỏng này lại xuất hiện nhiều trường hợp không mấy khả quan do di chứng hậu COVID-19, Ngành y tế TP.HCM cho biết họ rất quan ngại vì tình trạng như vậy nếu không được giải quyết sớm thì khả năng vỡ trận cho quá tải chỉ còn là vấn đề thời gian. Vì vậy, Sở Y tế TP.HCM xem đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm, là nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2022.

Có thể nói, di chứng hậu COVID-19 cũng là điều không thể xem thường sau việc nhiễm bệnh. Các bác sĩ chịu trách nhiệm điều trị cho những bệnh nhân gặp biến chứng sau khi lây nhiễm cho biết: hội chứng hậu COVID-19 có thể diễn ra sau 3 tháng sau bệnh nhân xuất viện. Nằm viện càng lâu bệnh càng nặng và di chứng hậu COVID-19 càng cao, bên cạnh đó tuổi càng lớn hậu COVID-19 càng rõ và kéo dài.

Một số trường hợp hậu COVID-19 có hiện tượng xơ phổi và có nguy cơ trở thành xơ hóa vĩnh viễn. Xơ phổi sẽ dẫn đến suy hô hấp, tăng áp lực động mạch phổi dẫn đến tâm phế mạn (tim phải phì đại do bệnh mạn tính ở phổi). Đến nay các thuốc điều trị cho bệnh nhân bị xơ hóa vẫn chưa có, vẫn đang trong quá trình nghiên cứu.

Bên cạnh đó, các di chứng tâm lý, tâm thần hậu Covid-19 cũng là vấn đề phổ biến và đáng quan tâm hiện nay. Một khảo sát đã được thực hiện tại một bệnh viện tuyến đầu và đưa ra những con số rất đáng quan ngại, có đến 53,3% bệnh nhân ở mức độ trung bình và nặng bị mắc chứng rối loạn lo âu, 16,7% stress và 20% trầm cảm. Những bệnh nhân từng thở oxy lưu lượng cao (HFNC), thở oxy qua mặt nạ, hoặc thở máy, tỷ lệ trầm cảm và rối loạn lo âu lên tới 66,7%. Khoảng 67% bệnh nhân mong muốn được tư vấn, hỗ trợ tâm lý trong điều trị và sau khi xuất viện.

Rất có thể, cú sốc về mặt tâm lý như mất người thân do đại dịch, chứng kiến các đồng bệnh qua đời, bản thân bị bệnh tật giày vò, phải đối mặt với cái chết, cô đơn khi đi điều trị một mình... nhưng không thể điều hòa được cảm xúc về bình thường sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn tâm lý, mất ngủ, trầm cảm... ở F0 khỏi bệnh - (Ảnh: Internet).

Những biện pháp giúp hạn chế hoặc khắc phục các di chứng hậu COVID-19

Để không cho bản thân hoặc người nhà gặp tình trạng “di chứng hậu COVID-19” hoặc khi đã gặp thì không để nó trở nặng , hãy lưu ý những điều sau trong chế độ ăn uống hoặc sinh hoạt:

1. Trong chế độ sinh hoạt:

- Đầu tiên, nếu là bệnh nhân đã khỏi sau tình trạng trung bình hoặc nặng, cần luyện tập một số biện pháp (tự làm hoặc có người hỗ trợ) giúp duy trì thời gian ngủ nghỉ hợp lý, chủ yếu ngủ nhiều vào ban đêm, hạn chế ngủ nhiều vào ban ngày để thực hiện các công việc phục hồi sức khỏe khác như vận động nhẹ nhàng ( đi bộ chậm, tập thể dục nhẹ, đạp xe đạp rất chậm (nếu có thể), tập dưỡng sinh…).

- Cần chú ý tập thở (hít vào, thở ra chậm, hít sâu dần dần và thở ra nhẹ nhàng không vội vã và nhịp độ tăng lên từng ngày). Bên cạnh đó cần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ít nhất 30 phút/ngày (có thể vào buổi sáng sớm hoặc nắng chiều, chia thành 3-4 lần, mỗi lần 5-10 phút là vừa), việc làm này sẽ giúp cho điều hòa nhịp sinh học của cơ thể.

- Khuyến khích tham gia các hoạt động cùng với người thân nhằm quay lại trạng thái sinh hoạt thường ngày.

- Đối với người cao tuổi mắc bệnh, người trong gia đình cần trò chuyện, chia sẻ nhiều hơn với bệnh nhân để động viên, giúp làm giảm sự lo lắng, nhằm kích thích hoạt động não sau khi khỏi bệnh COVID-19.

2. Trong chế độ ăn uống:

Người nhà của bệnh nhân nên lưu ý, sau khi bệnh nhân vừa xuất viện, nên chia bữa ăn thành 3-5 bữa mỗi ngày tùy theo sức ăn của họ và kết hợp đa dạng thực phẩm trong khẩu phần ăn (tùy theo điều kiện từng gia đình), nên tăng cường nhiều chất xơ, hạn chế muối mà hãy ăn thanh đạm, uống đủ lượng nước hàng ngày, ngoài ra nên uống thêm nước ép trái cây, uống thêm sữa (nếu người có bệnh đái đường nên uống loại sữa không đường, không ăn các loại bánh kẹo, nước giải khát có đường). Để bổ sung các loại vi chất bị thiếu hụt do tổn hại của bệnh COVID-19 như canxi, kali, sắt, kẽm, nên cho người bệnh ăn các loại thực phẩm có nhiều vi chất như tôm, cua, cá. Để bổ sung kali nên ăn thêm chuối chín, bổ sung kẽm nên ăn hàu, sò, cá…

Di chứng hậu COVID-19

đang có tỷ lệ gia tăng buộc các y bác sĩ phải nỗ lực nhiều hơn để điều trị song song với việc nhiễm bệnh COVID-19. Để hạn chế những rủi ro cho sức khỏe của bản thân đồng thời giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế nước nhà, hãy luôn chủ động phòng, chống dịch, không lơ là chủ quan và luôn tuân thủ quy tắc 5K. Nếu không may nhiễm bệnh, hãy nghe theo hướng dẫn của y bác sĩ, tự cách ly tại nhà và luôn giữ tâm thế bình tĩnh, tránh gây ra các hệ quả cho tâm lý.

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/nganh-y-te-tphcm-dua-ra-canh-bao-ve-di-chung-tim-phoi-roi-loan-tam-than-hau-covid-19-dang-co-ty-le-gia-tang-33365/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY