Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Nghề dệt- Nét đẹp văn hóa của người Mường Phú Thọ

Hang Sơn Đoòng - điểm du lịch hot mùa dịch

Xóm Chiềng nằm ở trung tâm của xã Kim Thượng huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ thuộc vùng đệm của vườn Quốc gia Xuân Sơn, có 354 hộ với hơn 1.500 nhân khẩu, trong đó dân tộc Mường chiếm 97%.

Theo tập tục của người Mường, bất cứ một xứ Mường nào cũng có một làng tên gọi là Chiềng. Đó là trung tâm của xứ Mường, là nơi quan thổ tù ở và là nơi sinh hoạt chung của người dân.

Nghề dệt- nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường

Đại đa số người dân ở đây lấy sản xuất nông nghiệp làm nghề chính, buôn bán nhỏ, trồng và khai thác rừng còn hạn chế. Độc đáo nhất, trải qua nhiều thế hệ, người Mường nơi đây vẫn lưu giữ được nghề dệt thổ cẩm có từ rất lâu đời.

Những tấm thổ cẩm đầy màu sắc được dệt nên bằng sự cần mẫn, chăm chỉ của các mẹ, các chị, góp phần giữ gìn bản sắc riêng của Xóm Chiềng. Theo truyền thống, người con gái Mường trước khi lấy chồng phải tự tay mình dệt được những tấm vải đẹp từ 6 đến 12 chiếc chăn, đệm làm quà cho họ hàng nhà trai thì mới được đánh giá là người con gái giỏi giang.

Gắn liền với bề dày văn hóa truyền thống, người Mường Kim Thượng từng coi chăn đệm, túi áo thổ cẩm là thước đo sự giàu có, ấm no, sung túc của các gia đình.

Hoa văn trên đồ dệt thổ cẩm người Mường có màu sáng tươi sáng, họa tiết gắn liền với thiên nhiên, núi rừng, sông nước, cây cối, hoa lá.

Cứ độ xuân về Tết đến, những cô gái Mường lại xúng xính, duyên dáng trong những chiếc khăn, chiếc áo rực rỡ làm say lòng những chàng trai xứ Mường, làm nảy nở tình yêu đôi lứa hòa trong tình yêu núi rừng quê hương. Chính vì vậy, nghề dệt thổ cẩm không chỉ đơn thuần là dệt ra những mảnh vải đẹp để dùng trong cuộc sống và sinh hoạt mà nó còn chứa đựng cả linh hồn của người Mường gửi gắm vào đó.

Để tạo nên những tấm vải thổ cẩm lung linh sắc màu mất rất nhiều công đoạn. Hằng năm, cứ đến tháng 5 âm lịch, chờ ngày nắng đẹp, người dân bắt đầu thu hoạch bông phơi 2-3 ngày nắng. Múi bông sau khi phơi khô, dùng cung để tơi mịn, ép thành con để kéo sợi. Tiếp đến là công đoạn làm hồ, nguyên liệu chính là cơm trắng. Dẫm cho cơm nhuyễn, lấy sợi ra phơi khô rồi se thành ống. Sợi đã xe sẽ được cho vào dụng cụ xếp để xếp sợi dọc, đi sợi dài, số lượng tính vải làm nhiều hay ít, độ khổ rộng hay hẹp là tùy người sản xuất và mục đích sử dụng.

Hoàn tất các khâu chuẩn bị mới đến công đoạn dệt. Dệt vải trắng đơn giản thì mỗi ngày được khoảng 8 - 10m, còn dệt hoa văn, dệt chữ thì mỗi ngày chỉ được từ 1 - 2m.

Nghề truyền thống đang ngày càng bị mai một

Năm 2008, làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống xóm Chiềng của xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn được công nhận. Thế nhưng, nét văn hóa thổ cẩm dù đã được ghi nhận thì khát vọng đưa thổ cẩm vươn lên trở thành một sản phẩm có thương hiệu, có giá trị hàng hóa vẫn chưa thành hiện thực.

Nghề dệt thổ cẩm làng Chiềng ngày càng mai một bởi sự chưa năng động với cơ chế thị trường của những người làm nghề. Thổ cẩm làm ra bán rẻ như cho, mà cũng chẳng mấy người mua nên hầu như chẳng có ai còn làm.

Thanh niên lớn lên là đi ra ngoài làm công nhân hoặc các nghề khác, thu nhập vừa cao hơn lại ổn định.

Con gái làng Chiềng đi lấy chồng theo tục lệ vẫn mang theo các bộ chăn, nệm thổ cẩm nhưng ít người tự tay dệt lấy.

Người dân chỉ còn được tranh thủ dệt trong lúc nông nhàn hoặc khi mùa đông đến. Sản phẩm làm ra chủ yếu để phục vụ nhu cầu gia đình hoặc tặng cho người thân, thi thoảng đem trao đổi tại chợ phiên Xuân Đài.

Hy vọng một ngày nào đó, nghề dệt của người Mường sẽ vượt ra khỏi những nóc nhà sàn lọt thỏm giữa tứ bề rừng núi, mang lại cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân Mường, vốn bị cái đói, nghèo đeo bám hàng bao đời nay.

D.L 

Mạng Y Tế
Nguồn: Công luận (https://congluan.vn/nghe-det-net-dep-van-hoa-cua-nguoi-muong-phu-tho-post76637.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY