Trở về từ tâm dịch Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Thành, 54 tuổi, ở xã Tử Du, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) bày tỏ: “Sống chung với dịch bốn tháng nay, cho nên giờ được về quê an toàn, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Cảm ơn sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã giúp đỡ người dân chúng tôi”...
Ông Nguyễn Văn Thành chỉ là một trong số hơn 1.000 công dân được hỗ trợ về quê bằng máy bay. Từ ngày 30/9 đến 9/10, được Chính phủ cho phép, tỉnh Vĩnh Phúc đã thuê nhiều chuyến bay để đưa hơn 1.000 công dân của tỉnh từ miền nam về quê. Quy trình được tổ chức chặt chẽ, tỉ mỉ; ưu tiên trẻ em và cha, mẹ hoặc người giám hộ; công dân từ 60 tuổi trở lên; phụ nữ đang mang thai; phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi; người có hoàn cảnh khó khăn… Tỉnh hỗ trợ toàn bộ chi phí vé máy bay, phương tiện đi lại, sinh hoạt, ăn ở trong thời gian cách ly tập trung. Đại diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến tận sân bay đón người dân trở về an toàn. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cho biết: “Vĩnh Phúc đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện, con người và các cơ sở cách ly, xét nghiệm, điều trị, bảo đảm tuyệt đối chu đáo, an toàn cho người dân”.
Khi chúng tôi tới chốt kiểm dịch số 6, thôn Tiền Phong, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên (Yên Bái), đúng lúc anh Lại Phương Tuyến và Phạm Ngọc Phú công tác tại Tỉnh đoàn Yên Bái mang đồ hỗ trợ miễn phí đến ủng hộ chốt trực. Nước suối đóng chai, mì tôm, sữa tươi, bánh mì… được các nhà hảo tâm trong tỉnh đóng góp, nhằm hỗ trợ dòng người đi xe máy từ vùng dịch phía nam trở về quê hương. Thiếu tá Lê Quang Trung, chốt trưởng cho biết: Trong mấy ngày qua, cao điểm nhất là ngày 7/10 có 310 người đi xe máy từ tỉnh Bình Dương qua chốt, trong số đó có nhiều công dân của tỉnh Lào Cai, Lai Châu. Sau khi nghỉ ngơi, ăn uống, kiểm dịch và khai báo y tế, công dân các tỉnh Lai Châu, Lào Cai được cơ quan chức năng Yên Bái dùng ô-tô chở người và xe máy, có xe của cảnh sát giao thông dẫn đường qua địa bàn tỉnh để bàn giao cho tỉnh bạn.
Công dân hồi hương khai báo y tế tại chốt kiểm soát liên ngành Khe nước lạnh, thuộc tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: MAI LUẬN
Đến thời điểm này, có 1.294 người từ các tỉnh phía nam đăng ký về tỉnh Yên Bái. UBND tỉnh đã có kế hoạch đón công dân trở về bằng máy bay. Trước mắt tỉnh sẽ đón 460 người vào ngày 14/10. Đây là những người có hộ khẩu ở Yên Bái đang tạm trú/lưu trú tại TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai... có nguyện vọng trở về quê do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tỉnh Yên Bái sẽ bảo đảm sức khỏe cho người dân trong quá trình di chuyển. Ưu tiên người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, người đi khám, chữa bệnh, người thăm thân; người đi công tác bị mắc kẹt vì dịch; lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo; lao động là thân nhân của người có công với cách mạng, lao động đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội hằng tháng. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh, toàn bộ chi phí đón, sinh hoạt của người dân trong khu cách ly được ngân sách địa phương hỗ trợ.
Từ sau ngày 30/9, hàng nghìn người đã chở theo đồ đạc, nối đuôi nhau di chuyển từ các tỉnh phía nam ra bắc, qua tỉnh Phú Thọ để về quê Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu. Theo Công an tỉnh Phú Thọ, từ ngày 5 đến ngày 9/10, đã có gần 6.000 công dân các tỉnh di chuyển qua các chốt kiểm dịch tại Phú Thọ. Riêng chốt cầu Trung Hà, huyện Tam Nông có khoảng hơn 4.000 người di chuyển qua đây bằng xe khách và xe máy về quê. Mặc dù số lượng người dân qua chốt đông, song tỉnh Phú Thọ đã bố trí đầy đủ lực lượng, phương tiện, thực phẩm, nước uống... Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang yêu cầu các lực lượng chức năng, các địa phương tạo điều kiện hỗ trợ người dân. Trong quá trình thực hiện, tùy vào hoàn cảnh cụ thể để đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp, vừa bảo đảm an toàn phòng dịch, vừa tạo thuận lợi để công dân qua chốt.
Sau đợt thứ nhất đón được 603 người về quê bằng tàu hỏa hôm 5/10, ubnd tỉnh ninh bình vừa có văn bản số 682/ubnd-vp6 đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ở tp hồ chí minh, bình dương, đồng nai quan tâm tạo mọi điều kiện hỗ trợ tỉnh đón người dân về quê. các đợt tiếp theo này, ninh bình đều đón những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người có công với cách mạng, người mắc bệnh hiểm nghèo, phụ nữ đang mang thai, trẻ em dưới sáu tuổi, người khuyết tật nặng, người già yếu...trước đó, tỉnh chủ động giao cho các ngành chức năng họp bàn thống nhất phương án phối hợp với các tỉnh bạn, phối hợp với hội đồng hương là con em quê hương ninh bình, rà soát số người có nguyện vọng trở về; thống nhất lựa chọn phương tiện vận chuyển người dân về quê là bằng tàu hỏa. tàu xuất phát từ ga sài gòn, đến ga dĩ an (bình dương), biên hòa (đồng nai)... rồi về ninh bình khá thuận lợi. chị phạm thị sen từ tỉnh đồng nai về ninh bình cho biết: “trên chuyến tàu “không đồng”, mọi người được chăm lo chu đáo từng bữa ăn”.
Tuần qua, trung bình mỗi ngày có hơn 1.000 người dân đi xe máy từ các tỉnh phía nam để về quê ở các tỉnh phía bắc trên quốc lộ 11. Chia sẻ vất vả với các công dân trên hành trình, các tỉnh miền trung sớm thành lập bộ phận đón, tiếp, trợ giúp người dân. Từ ngày 4/10 đến nay, Cảnh sát giao thông tỉnh Thanh Hóa cùng lực lượng chức năng trong tỉnh đã tổ chức đón, tiếp, cung ứng hàng hóa thiết yếu, dẫn 24 đoàn, gần 7.000 công dân quê ở các tỉnh phía bắc hồi hương qua địa bàn tỉnh. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu lãnh đạo các huyện kết nối điện thoại, cử cán bộ cùng phương tiện trực tiếp đến đón, nhận, trợ giúp, quản lý công dân.
Tính từ ngày 27/4 đến nay, Thanh Hóa có hơn 200 nghìn người lao động hồi hương, trong đó 35% người có giao kết hợp đồng với chủ sử dụng lao động, sẽ trở lại làm việc khi tỉnh bạn kiểm soát được dịch bệnh; 26.800 người có nhu cầu tìm việc tại tỉnh. Tỉnh chủ động khảo sát, nghiên cứu, ban hành phương án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trở về. Theo đó, tỉnh hỗ trợ đào tạo sơ cấp nghề, dạy nghề dưới ba tháng, tạo điều kiện cho lao động hồi hương được vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm; đẩy mạnh truyền thông, tư vấn, giới thiệu các doanh nghiệp trong tỉnh Thanh Hóa cần tuyển 33.700 lao động. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, Vũ Thị Hương cho hay: Các huyện đang triển khai phương án tạo thêm cơ hội sinh kế cho lao động hồi hương và 1.300 người có nhu cầu đào tạo nghề, 25.500 có nhu cầu việc làm. Bước đầu, 710 lao động tìm được việc làm tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện. Sở đang tích cực phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức ngày hội việc làm, sàn giao dịch việc làm, kết nối cung-cầu giữa các doanh nghiệp với người lao động; Sở phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương, các ngành, đơn vị liên quan nhằm huy động thêm nguồn lực tổ chức đào tạo nghề, tạo điều kiện cho lao động hồi hương có thêm cơ hội, được vay vốn giải quyết việc làm, ổn định đời sống tại quê hương.