Trichotillomania là một dạng rối loạn đặc trưng bởi sự thôi thúc không thể kiềm chế được phải kéo đứt lông, tóc trên cơ thể mới yên. Vì vậy, nó cũng được xếp vào dạng bệnh nghiện và phát triển âm thầm, nếu nặng có thể dẫn đến hói đầu và viêm nhiễm trầm trọng.
Trichotillomania là căn bệnh có tỷ lệ mắc bệnh thấp nên ít được quan tâm như những căn bệnh rối loạn tâm thần khác. Ví dụ, tại Mỹ có khoảng 200.000 người bị ảnh hưởng, những người này lại im lặng, hoặc sống âm thầm, cô lập, sợ xấu hổ nên tình trạng ngày càng tồi tệ hơn.
Nghiện nhổ tóc là một dạng của bệnh tâm thần |
1. Nguyên nhân gây bệnh
Nghiện nhổ tóc thường xuất hiện ở những người gặp phải những căng thẳng trong các mối quan hệ xã hội hay gia đình. Nhiều trường hợp cũng xảy ra do có sự bất hòa nghiêm trong giữa anh chị em ruột trong nhà hay mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái bị rạn nứt và có biểu hiện trì trệ trí tuệ.
Các bệnh lý rối loạn tâm tính, trầm cảm tiên phát cũng làm gia tăng tỷ lệ mắc phải của chứng này. Tật nhổ tóc có thể xuất hiện ở tuổi thanh niên và tuổi trưởng thành; khi xảy ra ở người lớn, thì một số nhà tâm thần phân loại nó như một rối loạn ám ảnh cưỡng bức.
Quá căng thẳng cũng là một nguyên nhân dẫn đến bệnh "nghiện nhổ tóc" |
Tỉ lệ mắc phải tật nhổ tóc dao động trong khoảng 0,6-13%. Bệnh này thường gặp nhất ở trẻ nhỏ, tuổi thanh thiếu niên, nữ giới mắc nhiều hơn nam (2,5: 1). Tuổi khởi phát trung bình từ 9-13. Tần suất gia tăng ở những người hay lo âu và dễ xúc động, y học gọi là dạng “thần kinh nghệ sĩ”. Người nhổ tóc luôn lo lắng bị phát hiện và ngại đi khám bệnh vì sợ bị chỉ trích về hành vi của mình.
2. Biểu hiện của người nghiện nhổ tóc
Đây là căn bệnh phát triển từ một thói quen vô tình. Ban đầu chỉ là thói quen nhẹ như xoắn tóc, vuốt lông mi, lông mày nhưng lâu dần tạo thành thói quen khó sửa, phải kéo và nhổ tóc thì mới dễ chịu. Khi đã phát bệnh, những thói quen này rất khó bỏ, thậm chí còn vượt quá tầm kiểm soát và hậu quả dẫn đến tóc bị thưa dần, thậm chí là hói đầu.
Người bệnh thường cảm thấy thỏa mãn khi nhổ tóc |
Khi đến cữ, người bệnh thường xoắn tóc vào ngón tay rồi nhổ cho được hoặc chà xát cho đến khi làm đứt sợi tóc đó. Họ có thể nhổ tóc ở bất kỳ vị trí nào tay với tới được, thường là tóc vùng trán, thái dương; nhưng cũng có khi nhổ cả lông mi, lông mày. Những đám tóc bị nhổ có bờ không đều và mật độ tóc giảm đáng kể nhưng không bao giờ rụng nhẵn thín như trong bệnh rụng tóc vùng. Những sợi tóc có độ dài từ 0.5-1cm thường được người bệnh dùng ngón út cuộn lại và nhổ ra.
Người nghiện nhổ tóc thường có cảm giác căng thẳng gia tăng ngay trước khi nhổ hoặc trong khi cố gắng cưỡng lại hành vi đó. Ngoài ra còn có cảm giác thú vị, hài lòng hoặc khuây khỏa khi nhổ được tóc là điểm đặc trưng nhất của tật kỳ lạ này.
3. Cách điều trị chứng nghiện nhổ tóc
Tật nhổ tóc tuy không nguy hiểm cho tính mạng, nhưng việc điều trị đòi hỏi rất nhiều công sức và quy trình. Những người xung quanh nên đánh lạc hướng sự tập trung của người bệnh khi nhổ tóc chẳng hạn như nói chuyện với họ, rủ họ đi ăn, đi chơi, tham gia các hoạt động ngoài xã hội...
Trichotillomania là căn bệnh hiếm gặp nên việc điều trị mang tính tình thế. Hiện tại, mới chỉ có một số cách điều trị như nhận thức hành vi trị liệu, như thôi miên và dùng một số thuốc nhất định, hoặc các loại dược phẩm có tác dụng trấn an người bệnh và ngăn chặn sự thôi thúc giật tóc.
Tối ưu nhất trong điều trị hội chứng Trichotillomania là kết hợp nhiều loại thuốc và liệu pháp khác nhau trong thời gian dài như ở hầu hết các loại bệnh rối loạn tâm thần mà con người mắc phải.
Ngân Trần
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: