12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Ngộ độc khi lạm dụng paracetamol tự chữa COVID-19: Sai một ly, đi một dặm

Những ngày qua, tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị ngộ độc do lạm dụng paracetamol để chữa COVID-19. Vậy liều dùng paracetamol thế nào là an toàn

Hậu quả của việc lạm dụng paracetamol

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và việc phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM vừa đề nghị các bệnh viện chủ động rà soát các trường hợp F0 không triệu chứng, nếu đủ các điều kiện sẽ rời bệnh viện về cách ly tại nhà, trên mạng xã hội đã xuất hiện các hướng dẫn không rõ nguồn gốc về cách tự chữa COVID-19 tại nhà. Trong số đó có việc lạm dụng paracetamol để chữa trị triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau nhức…

Bạn biết không, paracetamol là thuốc không kê đơn giúp giảm đau, hạ sốt, điều này có nghĩa là bạn có thể tự mua ở các hiệu thuốc. Paracetamol có những dạng dùng và hàm lượng phổ biến như sau: Viên nén, dạng uống (325mg, 500mg); Gel dạng uống (500mg); Dung dịch dạng uống hoặc siro… Tuy thuốc khá an toàn, nhưng nếu dùng quá liều chỉ định sẽ bị ảnh hưởng đến chức năng gan, thận.

Dùng paracetamol quá liều chỉ định sẽ bị ảnh hưởng đến chức năng gan, thận - (Ảnh: Freepik)

Thực tế, tại Trung tâm Chống độc, tỷ lệ ngộ độc paracetamol đứng hàng thứ hai trong số các ca ngộ độc phải nhập viện tại đây. Ngộ độc thường không có biểu hiện ban đầu, tuy nhiên khi xét nghiệm sẽ thấy men gan tăng dần, bắt đầu từ ngày thứ 2 hoặc thứ 3 trở đi. Lâu dần sẽ gây nên tình trạng tổn thương gan, làm tăng nguy cơ bị suy gan, có thể dẫn tới co mạch, đau tim, gây mê sảng, ảo giác, táo bón, tắc ruột, loạn nhịp tim...

Vì thế, tốt nhất bạn cần dùng paracetamol với liều lượng theo đúng chỉ định và khuyến cáo. Cụ thể như sau:

- Sử dụng thuốc theo đúng liều lượng được in trên bao bì. Cụ thể, hàm lượng paracetamol tối đa với người lớn là không quá 3 gr/24 giờ và trẻ em 15mg/kg cân nặng cho mỗi lần.

- Paracetamol có thể sử dụng mỗi 4 -6 giờ một lần, nhưng không nên quá 4 lần/một ngày để tránh xảy ra ngộ độc do quá liều.

- Không dùng paracetamol tự điều trị cảm sốt, giảm đau quá 10 ngày ở người lớn và quá 5 ngày ở trẻ em, trừ khi được bác sĩ hướng dẫn.

- Đối với Paracetamol dạng dung dịch, hỗn dịch... cần đong, đo bằng các dụng cụ đi kèm khi mua thuốc để đảm bảo chính xác liều lượng, tránh quá liều thuốc.

- Không sử dụng nguyên viên thuốc hàm lượng 500mg của người lớn cho trẻ dùng, vì dễ dẫn tới suy gan cấp…

- Nên cho trẻ uống nhiều nước khi uống paracetamol.

- Với người thường xuyên uống rượu, không nên dùng bừa bãi paracetamol, vì sự kết hợp này sẽ làm tăng độ nguy hại cho gan lên nhiều lần.

Làm gì khi có dấu hiệu ho sốt trong mùa dịch COVID-19?

Nhìn chung, bạn không nên tự ý mua thuốc để dự trữ, tự điều trị tại nhà khi chưa có hướng dẫn chính thức từ Bộ Y tế. Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở nghi ngờ bản thân mắc COVID-19 bạn nên đeo khẩu trang ngay cả trong nhà, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi cần tiếp xúc và cách ly với người thân trong nhà. Tiếp đến, gọi điện ngay cho cơ sở y tế để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng và kịp thời.

Khi nghi ngờ bản thân mắc COVID-19 bạn cần đeo ngay khẩu trang cả khi ơ nhà, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi cần tiếp xúc và cách ly với người thân trong nhà - (Ảnh: Pinterest)

Nếu chỉ bị sốt và ho thông thường, bạn có thể dùng paracetamol đúng liều lượng, uống nhiều nước, mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát và bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C để tăng đề kháng và hạ sốt. Bên cạnh đó, khi nghi ngờ bản thân đang mắc COVID-19 bạn nên tuân thủ những lưu ý sau để đảm bảo an toàn cho bản thân và hạn chế lây nhiễm cho những người xung quanh:

- Dùng khăn vải hoặc khăn giấy để che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi

- Bỏ khẩu trang, khăn giấy sau khi sử dụng vào thùng rác có nắp đậy, túi rác và buộc kín miệng.

- Rửa tay thường xuyên với xà phòng, vệ sinh nhà cửa (nền nhà, tay nắm cửa, bàn ghế…) bằng các chất khử trùng hoặc chất tẩy rửa thông thường.

- Sử dụng riêng đồ dùng cá nhân như cốc uống nước, bát đũa…

- Thông báo với những người liên quan, người thân sống cùng.

Đặc biệt, không dùng theo các bài thuốc lan truyền không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội, không lạm ụng paracetamol, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cần xin ý kiến bác sĩ.

Ngọc Duyên

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/ngo-doc-khi-lam-dung-paracetamol-tu-chua-covid-19-sai-mot-ly-di-mot-dam-31514/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY