Bệnh nhân là cụ T.N.T (84 tuổi; ngụ quận 5, TP HCM) bị khối u ngã ba ống gan (một dạng khối u ở nơi hợp lưu ống gan phải và ống gan trái). Khối u chèn ép gây hẹp, tắc nghẽn ống gan chung.
Tháng 8/2020, tại một bệnh viện ở TP HCM, cụ T. đã được đặt một stent nhựa bằng phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP). Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 1 tuần, cụ lại phải nhập viện do nhiễm trùng đường mật, điều trị bằng kháng sinh.
10 ngày sau đó, các bác sĩ phải tiến hành can thiệp ercp rút bỏ stent nhựa cũ, đặt stent nhựa mới do stent cũ đã bị tắc gây nhiễm trùng. 5 ngày sau khi đặt stent lần 2, cụ lại tiếp tục có các biểu hiện của nhiễm trùng đường mật do tắc stent nhựa (sốt, vàng da) nên được người thân đưa đi nhập viện.
Lần này, cụ được can thiệp đặt 2 ống dẫn lưu ống gan phải và ống gan trái giải áp đường mật bằng phương pháp dẫn lưu đường mật xuyên gan qua da. Thế nhưng, tình hình vẫn không cải thiện, cụ xuất hiện tình trạng sốt run, vàng da, hạ đường huyết, thể trạng suy giảm nhiều.
Cụ bà qua nguy kịch sau đặt stent sau cùng
Mới đây, cụ vào Bệnh viện Gia An 115 trong tình trạng vàng da, ăn uống rất kém, khó tiêu, không tự ngồi dậy được, sốt lạnh run từng cơn. Các kết quả cận lâm sàng cho thấy khối u đường mật trong gan kích thước 25x30x45 mm gây chèn ép tắc ống gan chung, giãn đường mật trong gan phải và trái, ống túi mật giãn, tắc không hoàn toàn đường mật… Bệnh nhân sau đó tiến hành can thiệp nội soi mật tụy ngược dòng ERCP rút bỏ stent nhựa cũ đã tắc, đặt một stent kim loại mới…
Sau 2 ngày, bệnh nhân đi lại bình thường, ăn uống tốt, không sốt, không vàng da, các chỉ số xét nghiệm hoàn toàn ổn định, tự sinh hoạt bình thường sau đó.
ThS-BS Nguyễn Thế Toàn, Phó Khoa Ngoại - Bệnh viện Gia An 115, cho biết bệnh nhân bị nhiễm trùng đường mật, nhiều khả năng stent đã bị tắc, nếu không can thiệp ngay thì có thể chuyển sang nhiễm trùng huyết, nguy cơ tử vong rất cao…
Theo Người lao động