12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Ngồi không cũng mệt!

Có những người từng sống rất khỏe mạnh và tràn đầy sinh lực nay bỗng nhiên suy nhược nặng nề, luôn cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu, đau khớp… dù được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng.

Ảnh minh họa

Đã mấy tháng nay, sáng nào chị Minh Hà (43 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cũng thức dậy trong tình trạng uể oải dù công việc văn phòng của chị rất nhẹ nhàng và chị luôn đi ngủ sớm. Cảm giác mệt mỏi triền miên cứ theo chị suốt ngày này qua ngày khác.

Thấy vậy, gia đình tạo điều kiện cho chị Hà nghỉ ngơi nhiều hơn, không phải làm việc nhà, tẩm bổ đủ thứ sơn hào hải vị mà tình trạng cũng không cải thiện là bao. Đã thế, thỉnh thoảng chị lại đau ốm, lúc đau họng, khi đau đầu, rồi đau nhức xương… đau đâu chữa đó, toàn là thuốc đắt tiền nhưng bệnh vẫn hoàn bệnh. Đến bệnh viện khám mấy lần nhưng cũng chưa xác định được rõ ràng chị mắc bệnh gì.

Chỉ đến khi đến khám tại khoa Thần kinh, Bệnh viện 103 (Hà Nội), sau những thăm khám tỉ mỉ, bác sĩ mới phát hiện được chị đang mắc chứng bệnh mệt mỏi mãn tính – một hội chứng luôn tạo ra nhiều tranh cãi trong giới y khoa với tên khoa học là CFS.

Bác sĩ cũng bị đánh lạc hướng

Trường hợp của chị Minh Hà (sau một năm đã tìm ra bệnh) được coi là phát hiện sớm. Đa phần các bệnh nhân mắc hội chứng này cứ nghĩ mình làm việc căng thẳng, áp lực, hay sức khỏe không được tốt nên toàn thân mới mệt mỏi như thế.

Do đó, họ không cho đó là bệnh và chỉ cần nghỉ ngơi, giảm tải áp lực là được. Ngay cả bác sĩ nhiều khi cũng bị “đánh lạc hướng” vì triệu chứng kèm theo quá đa dạng của bệnh, ngoài đau nhức mình mẩy, mỏi mệt, có bệnh nhân còn bị sốt, nổi hạch…

Cũng có khi, sự mệt mỏi này chỉ là trạng thái nhất thời, là hệ quả của một bệnh lý khác. Do đó, chỉ khi loại trừ các nguyên nhân bệnh lý thực thể mới khẳng định được bệnh nhân mang hội chứng này.

Các bệnh lý thường được chẩn đoán dựa trên các tiêu chuẩn lâm sàng và xét nghiệm. Song với hội chứng CFS, bác sĩ chẩn đoán chủ yếu dựa trên kinh nghiệm đối với các dấu hiệu lâm sàng. Chính vì thế, trong giới y học vẫn có ý kiến hoài nghi về sự tồn tại của nó, coi nó là căn bệnh thuộc thể chất hay là tâm lý và nhận thức về nó cũng chưa được đầy đủ.

Đến bệnh viện ngay nếu:

Khi bạn bị suy nhược mệt mỏi không giải thích được kéo dài 6 tháng trở lên với ít nhất 4/8 triệu chứng dưới đây thì hãy gặp bác sĩ ngay lập tức:

+ Mất khả năng tập trung công việc, suy giảm trí nhớ.

+ Đau cổ họng.

+ Các hạch lympho ở cổ, nách to (vừa) và đau.

+ Đau nhức chuyển từ khớp này đến khớp khác mà không có dấu hiệu viêm khớp như sưng, nóng, đỏ, đau.

+ Đau cơ không giải thích được nguyên nhân.

+ Rối loạn giấc ngủ.

+ Có thể nhức đầu nặng.

+ Kiệt sức mau chóng chỉ sau những công việc bình thường.

=> Hội chứng CFS dễ bị nhẫm với bệnh nhiễm virus thông thường. Tuy nhiên, nhiễm virus thông thường triệu chứng sẽ giảm dần trong vài ngày hay 1-2 tuần, trong khi CFS kéo dài vài tháng đến vài năm, có thể xuất hiện thường xuyên không có dấu hiệu báo trước.

=> Bệnh hay gặp ở tuổi lao động sung sức nhất (25-40 tuổi), khi những áp lực cuộc sống hiện hữu rõ ràng hơn. Bệnh gặp nhiều ở nữ hơn nam với tỉ lệ khoảng 2:1 do hoạt động nội tiết ở nữ giới giai đoạn này rất mạnh mẽ.

“Cứu tinh” là chính bạn

Với hội chứng CFS, bệnh nhân không thể điều trị tại nhà mà phải đến cơ sở thần kinh điều trị bằng thuốc. Phác đồ điều trị được đưa ra thường từ 3 tuần đến 1 tháng, với các bước như: Dùng thuốc (thuốc trị đau nhức, thuốc an thần và điều hòa tâm trạng..); Áp dụng tâm lý trị liệu (giúp bệnh nhân lấy lại thế chủ động, không để bệnh điều khiển ư tưởng và hành động của mình, hợp tác với bác sĩ).

Bạn có biết?

- Có đến 800.000 người dân Mỹ đang phải chịu ảnh hưởng của CFS (Theo Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật Mỹ).

- Hầu hết những người mắc bệnh này nằm trong độ tuổi từ 20-40. Nó cũng xảy ra ở cả thanh thiếu niên.

Song nếu chỉ điều trị với sự giúp đỡ trực tiếp từ bác sĩ cũng không loại trừ được triệt để hội chứng này. Điều quan trọng nhất là mỗi bệnh nhân phải tự làm “bác sĩ” cho chính mình, bằng cách chủ động tìm hiều về bệnh, lên kế hoạch để “ứng phó”, bao gồm:

1. Thay đổi lối sống: Duy trì một lối sống lành mạnh, hạn chế rượu, cà phê, thuốc lá. Tránh hoặc giảm stress tâm lý và sinh lý, nhằm tiết kiệm năng lượng cho những hoạt động cần thiết trong công việc hay ở nhà.

2. Rèn luyện thân thể, tập thể dục đều đặn. Cố gắng đi bơi, đi bộ hoặc đi xe đạp. Điều này giúp tăng lưu lượng ôxy cho não và cơ bắp, tăng dần sức chịu đựng của cơ thể. Tuy nhiên, ngoài hoạt động thể chất cũng cần các hoạt động rèn luyện tinh thần (ví dụ như thiền, yoga…) để kiểm soát cuộc sống dễ dàng hơn.

3. Ngủ đủ giấc là hết sức cần thiết. Hãy tập thói quen ngủ cùng giờ mỗi ngày.

4. Điều chỉnh chế độ ăn: Ăn nhiều trái cây tươi cao vitamin C và các loại rau lá xanh. Các vitamin C sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch của bạn và làm cho cơ thể bạn thêm khả năng chống nhiễm trùng. Ngoài ra, việc bổ sung đa dạng các nhóm vitamin và một số axit béo như omega-3, omega-6 sẽ trợ lực rất nhiều cho bài thuốc điều trị.

16 triệu chứng khác của CFS:

• Đau bụng.

• Đau ngực.

• Phù.

• Ho kéo dài.

• Tiêu chảy hoặc táo bón.

• Chóng mặt.

• Khô môi, mắt.

• Nhịp tim không đều.

• Đau tai.

• Đau hàm, mỏi hàm.

• Buồn nôn.

• Đổ mồ hôi trộm ban đêm.

• Thở nông, mệt.

• Cảm giác.

• Sụt cân.

• Thay đổi tâm lý, như trầm cảm, dễ cáu kỉnh, lo âu...

Nguyên nhân gây bệnh CFS rất mơ hồ

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây bệnh CFS. Các nghiên cứu hiện nay đang nhắm đến có khả năng những người mắc bệnh CFS do những bất thường trong trao đổi chất và các yếu tố nguy cơ khác như các rối loạn gene, tuổi tác, giới tính, tiền sử bệnh, môi trường và cả stress.

Ngoài ra, cũng có giả thiết cho rằng đó là do các nhân tố: bệnh thiếu sắt trong máu, lượng đường trong máu thấp, dị ứng với môi trường, nhiễm trùng men khắp cơ thể, bệnh tâm thần hay các vấn đề liên quan đến thần kinh.

Thiên Kim

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/ngoi-khong-cung-met-17176/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY