Người dưng chung lối
Sau những năm tháng du học ở Anh, tôi vào làm cho một tập đoàn lớn với mức lương từng là niềm mơ ước của nhiều người. Sinh ra trong một gia đình nề nếp, lại sớm có công việc ổn định nên tôi luôn được nhiều chàng trai để mắt tới. Dù không quá xinh xắn nhưng vẻ nữ tính và quảng giao ở tôi đã hấp dẫn rất nhiều anh chàng. Nhưng trong thâm tâm, tôi luôn suy nghĩ, người có thể “hạ gục” trái tim mình chắc chắn phải hơn tôi “một cái đầu”. Không nhất thiết phải du học nước này nước nọ, cũng không cần là tiến sĩ để “ăn đứt” cái bằng thạc sỹ của tôi nhưng nhất định đó phải là người học rộng, biết nhiều.
Và anh xuất hiện. Giữa rất nhiều “vệ tinh” vây quanh, anh vẫn luôn nổi bật bởi vẻ lịch lãm, phong độ của một giám đốc thành đạt. Mặc dù quen nhau đã lâu, qua nhiều lần gặp mặt trao đổi công việc nhưng mối quan hệ giữa chúng tôi chỉ dừng lại ở các công văn, hợp đồng... Nhưng dần dà, anh, người đàn ông 35 tuổi, từ hai bàn tay trắng, xây nhà, mua xe và là “sếp” của mấy chục nhân viên đã dần chinh phục được tôi.
Đám cưới diễn ra sau 2 tháng chúng tôi hẹn hò, nhưng thực tế số lần đi chơi mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Chốn đi về của vợ chồng tôi là một căn nhà khang trang anh đã vun vén mua được trong vài năm làm ăn khấm khá. Có nhà, có xe riêng nhưng rất hiếm khi chúng tôi đi về cùng nhau. Phần vì công việc của anh quá bận, phần vì tôi sau khi lên chức trưởng phòng liên tục phải đi công tác cả trong và ngoài nước. Căn nhà rộng nhưng lúc nào cũng vắng bóng người. Ngay cả lúc tôi không phải đi công tác thì anh vẫn đi sớm về khuya, triền miên trong các cuộc tiếp khách không biết đến cuối tuần hay ngày nghỉ. Ai cũng bảo chúng tôi đẹp đôi, gia đình êm ấm, khá giả. Nhưng chỉ riêng tôi mới thấm cảm giác trống vắng khi trở về căn nhà lạnh lẽo, thèm da diết cái cảm giác được chiều chuộng, quan tâm hay đơn giản chỉ là một vòng tay ấm áp…
Nhiều lúc chợt nghĩ nếu tôi có “qua lại” với ai đó anh cũng chẳng quan tâm hoặc không mảy may hay biết. Sống với nhau được 3 năm như những người dưng đi về chung lối, chúng tôi quyết định ly hôn. Cuộc chia tay khá nhẹ nhàng vì vợ chồng tôi chưa vướng bận con cái, cũng không có mâu thuẫn hay bất đồng gì, chỉ là hai con người không thể chở che nhau dưới cùng một mái ấm.
Tròng trành trên bến đỗ bình yên
Hành trang bước vào tuổi 30 của tôi là những suy nghĩ hoàn toàn khác về đàn ông thành đạt. Tôi dè chừng với bất cứ ông sếp, giám đốc hay đối tác nào “có ý" với mình. Tôi có thừa khả năng để làm ra tiền, nên chẳng thiết kiếm tìm người chồng có thừa tiền bạc nhưng thiếu thời gian nữa. Không hẳn vì cú sốc ly hôn kia, mà bởi lúc này tôi thực sự cần một bến đỗ thật bình yên để nương tựa tâm hồn.
Tôi khao khát sau giờ tan sở được vui vầy trong bữa cơm gia đình ấm áp, được chuyện trò, cười đùa, được sẻ chia mọi buồn vui trong cuộc sống... Thế là hơn một năm sau, tôi tái hôn với anh, người ít hơn tôi hai tuổi, nhân viên một cơ quan nhà nước. Vượt qua mọi bàn tán của bạn bè, ngăn cản từ phía gia đình chúng tôi đến với nhau và “vỡ òa” trong niềm hạnh phúc khi tôi lần lượt cho ra đời hai thiên thần bé nhỏ.
Biết tôi bận rộn nên anh luôn phấn khởi động viên và tự “đưa lưng” gánh vác vai trò làm hậu phương vững chắc trong gia đình. Không có nhiều thời gian ở bên con, bù lại, tôi cố gắng hết mức để chúng có được cuộc sống vật chất đủ đầy nhất. Bố mẹ tôi mừng ra mặt và tỏ rõ sự quý mến con rể bởi anh không những chăm chỉ, chu đáo mà còn chăm lo hết mực cho các con. Nhìn thấy cảnh đó tôi càng cố gắng hết sức trong việc kiếm tiền. Cứ ngỡ như thế là để bù đắp cho chồng, cho con mà tôi không biết rằng, tôi càng bận rộn, càng kiếm được nhiều tiền thì anh càng khó chịu. Chuyện tôi đi sớm về khuya chỉ là khởi đầu cho chuỗi hằn học của anh, cái chính là anh khó chịu vì thu nhập quá chênh lệch của tôi so với đồng lương ba cọc ba đồng của anh.
Tích lũy được kha khá, tôi muốn chuyển nhà đến một chung cư cao cấp để thuận tiện cho việc học hành ở trường quốc tế của các con. Vừa được hỏi ý kiến, anh đã lạnh nhạt: “Tùy em quyết định, trước nay, em có bao giờ hỏi ý kiến anh”. Khi tôi ra sức giải thích thì anh càng trở nên cùn cáu và lờ sang chuyện khác. Rạn nứt trong mối quan hệ vợ chồng tôi cứ thế lớn dần lên, đặc biệt từ khi trong anh nảy sinh những nghi ngờ mối quan hệ giữa tôi với sếp, với đối tác hay thậm chí là bạn bè cũ. Một lần trở về sau 3 tháng công tác tại Anh, anh đặt sẵn lá đơn ly hôn trên bàn và đưa hai đứa con về bên nội. Dù khá bất ngờ nhưng tôi biết khi thấy được những rạn nứt trong gia đình cũng là lúc đã quá muộn để cứu vãn cuộc hôn nhân này.
Chắp vá hai mảnh đời vụn vỡ
Ngoài 40 tuổi, trải qua hai cuộc hôn nhân đổ vỡ, tôi tiếp tục đi về trong căn nhà khang trang không một bóng người. Chồng đã không đồng ý cho tôi nuôi bất cứ đứa con nào, đơn giản bởi anh lo lắng tôi tối mắt tối mũi với họp hành, công tác thì thời gian đâu chăm sóc con.
Ban ngày tôi xúng xính váy áo, lịch lãm trong những bộ đồ công sở bước đi trong ánh mắt ngưỡng mộ của biết bao người xung quanh, đêm đêm khi vò võ trong căn nhà trống, tôi hoang mang về cái hạnh phúc mong manh mãi chẳng thể níu giữ.
Công việc lại cuốn tôi vào những mối quan hệ mới, những cuộc gặp gỡ mới và rồi “anh” lại đến. Đồng cảm trước cảnh ngộ đổ vỡ hôn nhân, chúng tôi lặng lẽ dọn về sống chung với khát khao hàn gắn hai tâm hồn từng vụn vỡ. Gác bớt lại công việc, tôi “tập” quen với thiên chức của người phụ nữ gia đình chăm chồng, thương con.
Trớ trêu thay, con gái riêng của chồng không mấy gần gũi và hòa đồng với tôi. Ngay từ đầu, cháu đã phản đối cuộc hôn nhân của tôi nhưng nhờ sự an ủi của chồng, tôi vẫn luôn tin có thể xóa bỏ khoảng cách vô hình giữa mẹ kế - con chồng. Đặc biệt từ khi tôi sinh con gái, mối ghen tức, đố kỵ trong cháu dường càng lớn dần thêm, đẩy cuộc sống của vợ chồng tôi vào mớ bòng bong không lối thoát. Căn nhà thênh thang lại một lần nữa vắng bóng người.
Ngoài 50 tuổi, đằng sau cái vẻ ngoài trẻ trung của một phụ nữ lịch lãm, có nhà đẹp, xe sang, áo quần lộng lẫy, chẳng mấy khi phải bận tâm về cơm áo gạo tiền, ít ai biết rằng tôi đã bước qua 3 cuộc hôn nhân đổ vỡ. Thành đạt đấy, giàu sang đấy mà sao tôi cứ gặp phải nhiều đắng cay, bất hạnh?. Có cái “lý lơi” nào cắt nghĩa cho cuộc đời trớ trêu của tôi?
Theo chuyên đề
Sức khỏe gia đình (NXB Y học)
Chủ đề liên quan: