Những ngày này, bên ngoài cửa khóa của các nhà hàng, quán ăn, cửa hiệu… đều dán những tấm biển "Thông báo tạm nghỉ chống dịch COVID-19 và sẽ mở cửa đến khi Hà Nội an toàn"… Đặc biệt là kể từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16 về cách ly xã hội 15 ngày, từ 0h ngày 01/4/2020 trên phạm vi toàn quốc, các tuyến phố trở nên vắng lặng.
Đặc biệt, việc cách ly xã hội thực hiện theo nguyên tắc gia đình cách ly gia đình, xã/phường cách ly với xã/phường. Người dân ở tại nhà và chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, Thu*c men hay đi cấp cứu… Chính bởi vậy, từ khi Chỉ thị 16 có hiệu lực, chị Lương Thúy Quỳnh (28 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) đã bình tĩnh và sẵn sàng thực hiện các biện pháp mạnh nhằm đảm bảo an toàn trước dịch COVID-19.
Chị Quỳnh cho biết: "Khi nghe tin phải giãn cách xã hội 15 ngày, bản thân tôi cũng không có gì là quá lo lắng, bởi vì công ty tôi đã cho nhân viên làm việc tại nhà hơn 3 tuần nay. Vì vậy, ngoài công việc đang diễn ra khá trơn tru, bản thân tôi cũng thấy an toàn hơn khi làm việc, sinh hoạt tại nhà.
Để thực hiện tốt nhất việc giãn cách xã hội, từ ngày 1/4 đến nay, tôi và mẹ đã 2 lần đến siêu thị để mua thực phẩm, nhu yếu phẩm. Tôi mua nhiều hơn những ngày thường và đủ dùng trong khoảng 4 ngày để thực hiện tốt nhất Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội. Tôi chỉ tính toán làm sao mỗi khi đi siêu thị hay đi mua thực phẩm có thể mua nhiều hơn để dùng trong thời gian tới để làm sao hạn chế ra ngoài đường, hạn chế tiếp xúc nơi đông người nhất có thể. Bản thân tôi cũng không lo lắng về việc khan hiếm hàng hóa hay các cửa hàng thực phẩm, hàng thiết yếu… đóng cửa".
Anh Hoàng Tùng, chủ một chuỗi cửa hàng Pizza ở Hà Nội cho biết, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các cửa hàng do anh Tùng làm chủ đã chuẩn bị các phương án phòng, chống dịch theo tinh thần của Chính phủ và thành phố, như tạm dừng toàn bộ các hoạt động kinh doanh trực tiếp tại cửa hàng. "Tôi thấy yêu cầu người dân cách ly xã hội trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp như thời điểm này là hết sức cần thiết và hữu ích. Đây là một biện pháp cứng rắn để kiềm chế dịch bùng phát trong cộng đồng".
Từ khi Chỉ thị số 16 của Chính phủ chuẩn bị có hiệu lực, chị Lại Thu Lương (33 tuổi, ở Đại Từ, Hoàng Mai) đã tranh thủ thay chiếc tủ lạnh có dung tích hơn 100 lít bằng chiếc tủ lạnh 2 cánh, có dung tích chứa thực phẩm lớn hơn. Đồng thời, chị Lương mua các đồ thiết yếu để đáp ứng nhu cầu sử dụng của gia đình trong tối thiểu 1 tuần.
Chị Lương cho biết: "Tôi mua thêm một chiếc nồi rán không dầu qua kênh bán hàng online của siêu thị và mua sắm thực phẩm cho gia đình sử dụng trong 1 tuần. Vì vậy, từ khi thực hiện giãn cách xã hội, ngoài thời gian hoàn thành công việc tại nhà thì tôi tự học làm bánh, làm các món nướng cho gia đình. Tôi cho rằng đây không phải là tích trữ hàng hóa, là người nội trợ của gia đình, tôi chỉ muốn tất cả các thành viên hạn chế ra nơi đông người nhất có thể".
Là một người kinh doanh, cũng là một công dân Thủ đô, từ khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, anh Hoàng Tùng đã quyết định đóng cửa các cửa hàng Pizza do anh làm chủ, đồng thời chuyển toàn bộ dịch vụ qua kênh online.
Anh Tùng cho biết: "Ngoài những cửa hàng phải đóng cửa thì tôi chỉ mở một số cửa hàng ở những điểm quan trọng, gần khu trung tâm như điểm bán ở đường Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng) hoặc là phía Bắc thành phố thì mở điểm Kim Mã (quận Ba Đình). Khi có các đơn hàng, 2 điểm này cũng dễ dàng phục vụ mạng lưới khách hàng ở đầu thành phố".
Anh Tùng cho biết, những cửa hàng phục vụ khách qua kênh online luôn mở một phần cánh cửa. Bên ngoài cửa hàng luôn treo 2 tấm biển thông báo ngưng bán tại chỗ và chỉ phục vụ đến lấy mang về hoặc ship đi. Không chỉ vậy, để đảm bảo khoảng cách cho người đến lấy hàng, cửa hàng Pizza của anh Tùng đã vẽ ký hiệu điểm đứng cho khách hàng, mỗi điểm cách nhau tối thiểu là 2 mét.
Anh Tùng cho biết: "Những ngày qua, chủ yếu là người giao hàng đến nhận thực phẩm để giao cho khách. Đây cũng là tín hiệu tích cực để giảm việc tiếp xúc giữa cửa hàng với khách hàng. Cá nhân tôi mong muốn việc tiếp xúc này càng ít càng tốt, kể cả với người giao hàng. Tuy nhiên, những ngày vừa qua, người đến nhận hàng tại cửa hàng đều thực hiện nghiêm túc việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi giao tiếp, nhận hàng. Trên tinh thần dịch bệnh ngày càng phức tạp như thế này, tôi cũng đang cân nhắc về việc cho nhân viên nghỉ và đóng thêm cửa hàng. Nếu dịch bệnh nghiêm trọng nữa thì có thể là ngừng hoạt động kinh doanh trong 14 ngày".
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết: "Mặc dù các ca bệnh liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai cơ bản đã được kiểm soát tốt, đây là tín hiệu tích cực, tuy nhiên việc không xác định được nguồn lây nhiễm chính đã khiến chúng ta có lý do để lo lắng rằng, ở ngoài cộng đồng có thể sẽ có các ca lây lan từ chính các nguồn lây nhiễm chưa thể xác định này. Vì vậy, người dân phải thực hiện đúng theo tinh thần của Chỉ thị số 16 là cách ly xã hội".
"Yêu cầu cách ly xã hội của Chính phủ là để ngăn người bệnh tiếp xúc với người chưa nhiễm bệnh. Dịch cũng giống như một đám cháy, đám cháy nhỏ thì hoàn toàn có thể dập được và cách ly xã hội tốt thì dịch sẽ không bùng lên.
Tuy nhiên, nếu dịch lan rộng, không thể khoanh vùng thì sẽ tạo sức ép rất lớn lên hệ thống y tế. Khi đó, tỷ lệ Tu vong sẽ tăng cao do bác sĩ không thể dồn sức, tập trung cứu chữa. Vì vậy, thực hiện tốt cách ly xã hội sẽ chặt đứt đường lây nhiễm. Khi đó, các ca lây nhiễm chưa hoặc không thể xác định có ẩn trong cộng đồng cũng được cô lập, kiểm soát", PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay.
Chủ đề liên quan:
bình tĩnh covid 19 Dịch Covid 19 giãn cách Giãn cách xã hội làm việc online người dân thực hiện viêm đường hô hấp xã hội