12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Người ngủ kém dễ bị đái tháo đường

Sự gia tăng đến mức báo động tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 trên toàn thế giới hiện nay được cho là do béo phì và sự già hóa dân số. Tuy nhiên có nhiều yếu tố khác cũng góp phần quan trọng như: Mất ngủ mãn tính.

Cảnh báo

Thời gian ngủ cần thiết của con người rất khác nhau. Trung bình một người cần ngủ 7,5h mỗi đêm, nhưng nó có thể dao động từ 4 đến 11h tùy từng người. Ngoài thời gian thì chất lượng giấc ngủ cũng rất quan trọng, nhất là phải đạt được giấc ngủ sâu.

Một số nghiên cứu nhận thấy, giảm chất lượng giấc ngủ có thể gây rối loạn chuyển hóa glucose và rối loạn sự thèm ăn, hậu quả là làm tăng nguy cơ béo phì và đái tháo đường.

Ảnh minh họa

Giấc ngủ sâu có vai trò rất quan trọng đối với việc duy trì kiểm soát đường huyết bình thường và giảm chất lượng giấc ngủ sâu sẽ có ảnh hưởng đáng kể và ngay trực tiếp đến độ nhạy của insulin, kéo theo là dung nạp glucose.

Theo các nghiên cứu, một người có hơn 100 cơn ngừng thở mỗi đêm sẽ làm tăng đáng kể nồng độ cortisol trong máu, đủ khả năng gây ra kháng insulin như trong bệnh đái tháo đường.

Một nghiên cứu tại Trung tâm Rối loạn Giấc ngủ tại Minnesota, Mỹ, cho thấy phản ứng của cơ thể đối với mất ngủ có thể gây ra tình trạng kháng insulin. Chúng ta đều biết insulin là chất duy nhất trong cơ thể có khả năng làm giảm đường huyết, vì vậy khi insulin bị đề kháng sẽ dẫn đến tăng đường huyết.

Kiểm chứng từ khoa học

Cơ chế ngủ kém gây đái tháo đường còn nhiều tranh cãi. Để kiểm chứng, tại Đại học Chicago, Mỹ, các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu trên 9 người khỏe mạnh gồm 5 nam và 4 nữ, tuổi từ 20-31. Những người này bị tác động bởi những âm thanh về đêm khiến thời gian giấc ngủ sâu của họ bị giảm tới 90% trong 3 đêm liên tiếp.

Khi kết thúc nghiên cứu họ được cho làm test dung nạp glucose để đánh giá khả năng bị đái tháo đường. Kết quả là độ nhạy của insulin ở những người này bị giảm tới 25%, và đường huyết tăng lên đến 23%.

Tiến sĩ Nader Botros của Trường Đại học Yale thì cho rằng: mất ngủ là 1 dạng stress đối với cơ thể, và khi đáp ứng với stress này cơ thể sẽ giải phóng ra một số các hormone, trong đó có adrenalin và cortisol (là những hormone tuyến thượng thận). Chính những chất này gây đề kháng insulin dẫn đến đái tháo đường.

Các nhà ngiên cứu cũng chỉ ra một rối loạn giấc ngủ khác có liên quan đến đái tháo đường là chứng ngừng thở khi ngủ. Nguyên nhân thường do người bệnh quá béo, tích trữ mỡ xung quanh đường hô hấp trên, làm tắc nghẽn đường thở. Một nguyên nhân khác là do dị dạng (như lệch vách ngăn mũi), viêm phì đại amidan … Vì vậy, những người có thừa cân hoặc béo phì, ngủ ngáy cần đi khám bác sĩ để được phát hiện sớm đái tháo đường.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người có thể đã bị đái tháo đường rồi mà không biết (thường là tiểu đường tuýp 2), do vậy họ không được điều trị, hậu quả là đường huyết không được kiểm soát tốt cũng sẽ bị mất ngủ.

Lý do là đường huyết cao dẫn đến nồng độ đường trong nước tiểu cũng cao, khiến bệnh nhân phải đi tiểu nhiều cả ngày lẫn đêm, có thể phải đi tiểu đêm 2-4 lần/ngày. Tình trạng mất ngủ này sẽ nặng hơn nếu người đó ăn nhiều, nhất là vào bữa tối, sẽ kích thích làm đường huyết cao hơn.

BS. Nguyễn Quang Bảy

Khoa Nội tiết-Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/nguoi-ngu-kem-de-bi-dai-thao-duong-18543/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY