Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Người nhiễm và nghi nhiễm virus corona sẽ được điều trị ở bệnh viện nào?

(MangYTe) - Trước diễn biến của dịch virus corona ngày càng phức tạp, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh do virus corona gây ra.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẵn sàng tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; phân luồng và bố trí buồng khám riêng đối với người bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt...); đặc biệt lưu ý khi có yếu tố dịch tễ của người bệnh sống hoặc đến từ Trung Quốc trong vòng 14 ngày.

Các đơn vị nghiêm túc bảo đảm tổ chức thường trực cấp cứu thường xuyên, liên tục; sẵn sàng tiếp nhận, thu dung điều trị, quản lý ca bệnh theo phân tuyến điều trị.

Khi có người bệnh nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp tính do chủng mới của virus corona được tiếp nhận và theo dõi cách ly triệt để tại địa phương (tại Khoa truyền nhiễm, bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh).

Khi có diễn biến nặng hoặc được xác định dương tính với chủng virus corona mới sẽ chuyển người bệnh tới bệnh viện tuyến cuối theo phân tuyến điều trị.

Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2) là nơi tiếp nhận người bệnh từ Hà Tĩnh trở ra

Theo đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Kim Chung) tiếp nhận người bệnh từ Hà Tĩnh trở ra. Trường hợp hết cơ số giường bệnh dự phòng của bệnh viện thì người bệnh sẽ được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận người bệnh khu vực các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (từ Quảng Bình đến Phú Yên).

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận người bệnh thuộc các tỉnh từ Khánh Hòa trở vào. Trường hợp hết cơ số giường bệnh dự phòng của bệnh viện, người bệnh sẽ được chuyển đến các bệnh viện Chợ Rẫy, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng TP.HCM.

Các cơ sở tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ và gửi tới Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang và Viện Pasteur TP.HCM.

Bộ Y tế cầu các bệnh viện bảo đảm nguyên tắc cách ly triệt để người nghi ngờ theo 3 khu vực lưu: khu người bệnh nghi ngờ, khu người bệnh đã được chẩn đoán xác định và khu người bệnh trước khi xuất viện.

Đồng thời thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cho các cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám, điều trị, chăm sóc người bệnh, không để xảy ra hiện tượng lây nhiễm sang cán bộ y tế. Chuẩn bị sẵn sàng phương án mở rộng khả năng thu dung người bệnh, huy động nguồn lực bệnh viện để kịp thời ứng phó khi dịch bệnh bùng phát lan rộng.

Bộ Y tế và WHO khuyến cáo người dân:

1. Tránh đi du lịch nếu đang có sốt, ho hoặc khó thở. Đến ngay cơ sở y tế khi có triệu chứng nghi ngờ. Đồng thời chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế.

2. Tránh tiếp xúc với người sốt ho. Thường xuyên rửa tay xà phòng, tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng.

3. Khi ho, hắt hơi hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau khi, sử dụng khăn giấy bỏ vào thúng rác rồi rửa tay.

4. Nếu thấy có dấu hiệu ốm khi đi lại, du lịch thông báo ngay cho nhân viên hàng không, đường sắt, ô tô và tìm đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

5. Chỉ sử dụng các loại thực phẩm chín.

6. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Tránh tiếp xúc gần với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã.

7. Đeo khẩu trang khi tới chỗ đông người hoặc khi tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh.

Để chủ động phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona phù hợp với diễn biến tình hình dịch, Bộ Y tế đã đưa vào hoạt động đường dây nóng phòng dịch với số máy: 19003228, hoạt động 24/7 để tiếp nhận mọi thông tin liên quan đến công tác phòng chống dịch.

Các thông tin mới về tình hình dịch bệnh liên tục được cập nhật trên Báo điện tử Congly.vn. Mời độc giả cập nhật TẠI ĐÂY.

Thảo Nguyên

Mạng Y Tế
Nguồn: Công lý (https://congly.vn/xa-hoi/suc-khoe/nguoi-nhiem-va-nghi-nhiem-virus-corona-se-duoc-dieu-tri-o-benh-vien-nao-329780.html)

Tin cùng nội dung

  • Phần lớn những tác dụng phụ liên quan đến việc ăn uống do điều trị ung thư sẽ biến mất sau khi kết thúc quá trình điều trị. Vài lời khuyên cho một chế độ ăn uống tốt sau trị liệu ung thư.
  • Cơ thể cần thêm năng lượng và chất dinh dưỡng để lành vết thương, chống nhiễm trùng và phục hồi sau phẫu thuật. Nếu bệnh nhân bị thiếu hoặc suy dinh dưỡng trước khi mổ, quá trình hồi phục có thể gặp trở ngại.
  • Khi ung thư hay việc điều trị ung thư gây ra tác dụng phụ ảnh hưởng đến việc ăn uống bình thường, những thay đổi là cần thiết để cung cấp đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân. Thu*c có thể được dùng để kích thích khẩu vị.
  • Doxycycline là một kháng sinh nhóm cycline, từ lâu được dùng để điều trị bệnh trứng cá đỏ, viêm tiết niệu, viêm dạ dày - ruột, nhiễm Chlamydia...
  • Cao huyết áp là một chứng bệnh về tim mạch của người cao tuổi, nhất là hiện nay chế độ ăn uống đầy đủ, số người béo phì xuất hiện nhiều. Bệnh này là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ và để lại nhiều di chứng nặng nề.
  • Trong các phương pháp điều trị bệnh cao HA, bên cạnh việc dùng Thuốc có những phương pháp mang tính cổ truyền có thể giúp mọi người phòng ngừa và điều trị tốt bệnh này.
  • Viêm bàng quang, niệu đạo là một bệnh lý rất thường gặp với các triệu chứng sốt, đau tức bụng dưới, táo bón, đái dắt, đái khó, đái buốt, đái đục hoặc có mủ,…
  • Đối với YHCT, ra mồ hôi trộm hay còn gọi là chứng Đạo hãn, nguyên nhân phần lớn do âm huyết không đầy đủ hoặc hoạt động công năng của khí bị cản trở. Bài viết cung cấp các thể điển hình của đạo hãn và một số phương pháp chữa trị.
  • Điều trị ung thư ảnh hưởng đến tất cả bộ phận của cơ thể, trong đó có răng miệng.
  • Viêm thanh khí phế quản là một bệnh thông thường gây ảnh hưởng đến đường dẫn khí làm cho trẻ khó thở. Thường biến ở trẻ biết đi và tuổi từ 6 đến 12 tháng tuổi
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY