Người Sài Gòn thường chọn vào các ngày rằm, mùng một, dịp lễ Phật đản... Có rất nhiều trường phái ở Sài Gòn: Những người trường, những người thực dưỡng theo phương pháp Osawa, người theo đạo Hòa Hảo, nhóm theo kiểu Huế, theo kiểu người Hoa...
Món chay đặc trưng và phổ biến rộng rãi khắp Sài Gòn phải kể đến món hủ tiếu chay. Nhà thơ Trần Tiến Dũng hồi tưởng, món hủ tiếu chay có tiếng từ lâu phải kể đến xóm Giá (nay là hẻm 702 Hồng Bàng, quận 11), bán rộng rãi ở Sài Gòn từ trước 1975. Lúc đầu có một người bán, sau cả xóm cùng bán món này vì phục vụ cho người dân hay đi lễ Phật các chùa gần đó.
Hủ tiếu chay có hai loại: hủ tiếu mềm xào chay và hủ tiếu nước. Nước dùng hủ tiếu nấu từ củ cải ngọt (cà rốt), củ cải trắng và củ sắn. Khi múc ra tô thì bỏ thêm tàu hũ ky chiên giòn, tàu hũ chiên giòn, chả chay, hoành thánh chiên, giá đậu xanh, rau húng hoặc rau ngò gai.
Món hủ tiếu xào chay đặc trưng Sài Gòn |
Chị A Thủy (quận 11) chia sẻ, món hủ tiếu mềm xào chay có lẽ bắt nguồn từ món hủ tiếu mềm của người Hoa (món mặn). Còn hủ tiếu chay nước có nơi nấu bằng hủ tiếu mềm, có nơi nấu bằng sợi hủ tiếu dai (như hủ tiếu Nam Vang), loại nào ăn cũng ngon và hợp vị. Riêng hủ tiếu xào chay phải dùng loại hủ tiếu mềm, to bản, xào bằng chảo sâu lòng kiểu người Hoa, xào lửa lớn, có mùi khen khét đặc trưng mới là đúng vị.
Theo đầu bếp Võ Quốc, một vài năm gần đây người Sài Gòn lại ưng ăn món kho quẹt chay và mắm nấm hương chay. Thậm chí, mắm kho quẹt chay lại còn ngon hơn kho quẹt mặn. Từ ý tưởng món mặn và cộng với trào lưu ăn chay của người Sài Gòn ngày một nhiều, các món chay đã ra đời và được người Sài Gòn mở rộng vòng tay đón nhận nhiệt tình.
Món kho quẹt chay của đầu bếp Võ Quốc |
Mắm nấm hương chay |
Tại nhiều quán chay ở Sài Gòn hiện đang thịnh hành một món ăn vô cùng hấp dẫn, đó là nem chua chay từ cùi bưởi, món ăn do người miền Tây sáng tạo và mang lên Sài Gòn. Đây là món nem cực độc đáo, làm từ cùi bưởi giã nhuyễn, làm chua bằng cách vắt nước khế vào, trộn với đu đủ hườm hườm mỏ vịt (đu đủ gần chín), rau răm, tiêu hạt, tỏi, đường... và gói lại cho lên men hai ba ngày là ăn được. Thậm chí, khi ăn, người ta đều có cảm giác ngỡ ngàng vì không biết đây là món chay hay món mặn nữa.
Nem chay cùi bưởi miền Tây phổ biến ở Sài Gòn |
Lần đầu tiên ở Sài Gòn có một món lẩu từ trái cây, mà lại là sầu riêng, có mặt vào đúng dịp lễ Phật Đản. Chị Võ Ngọc Huyền Dung, chủ quán chay Mộc Hương Các (quận Tân Bình) chia sẻ: "Món ăn độc đáo này tôi tự nghĩ ra sau khi được ăn món gốc là lẩu sầu riêng nấu với món mặn.
Sầu riêng chín cây loại ngon hầm cho ngọt nước, không bỏ bất cứ một gia vị nào kể cả muối hay bột nêm chay, chỉ cho thêm một nhúm hạt kỷ tử, sau đó khi ăn nhúng rau mùng tơi, các loại nấm vào, tạo ra một vị lẩu ngon và độc đáo chưa từng có. Vì nước lẩu chưa có gia vị nào nên các loại rau, nấm khi ăn sẽ chấm với chao hoặc tương để đậm đà hơn".
Loại lẩu này dành cho những ai thích vị ngọt thanh, không bị lệ thuộc vào gia vị thì sẽ vô cùng thích thú. Nước lẩu rất ngọt và đặc biệt thơm mùi sầu riêng thanh thoát.
Món lẩu sầu riêng ở Mộc Hương Các |
Hoa Sa la (còn gọi là vô ưu) nở trong mùa Phật đản |
Trong mùa dịch Covid-19 ở Sài Gòn, có rất nhiều người làm từ thiện bằng cách tặng các món ăn chay, hay mua món chay ủng hộ những hoàn cảnh đặc biệt. Trên mạng xã hội, nhiều người đã kêu gọi nhau mua đồ chay ủng hộ sư cô Nhân Trúc, mái ấm Hương Từ Bi (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai).
Một mình sư cô làm đủ việc để nuôi 8 đứa con, bên cạnh sự giúp đỡ hảo tâm của nhiều người. Tuy nhiên, để luôn có tiền nuôi những đứa trẻ, sư cô Nhân Trúc đã làm thường xuyên các món chay như đậu hũ, chân nấm xào mè, mắm ruốc chay, dưa mắm chay mang lên Sài Gòn bán.
|
Món chân nấm xào mè ngon xuất sắc của sư cô Nhân Trúc |
Những ai đã mua đồ chay của sư cô Nhân Trúc đều ngạc nhiên vì món chay của cô làm rất ngon và vừa miệng, món đậu hũ làm tự nhiên, có mùi thơm rất đặc trưng mà không hàng đậu hũ nào làm được hương vị này. Món chân nấm xào mè thì ngon xuất sắc, ăn với cháo trắng hoặc cơm ngon đặc biệt. Không ai ngờ, một người phụ nữ mảnh mai mà lại có nghị lực phi thường, mỗi đêm đều thức khuya làm đủ món chay để nuôi các con của mình khôn lớn.
Ăn chay để phát sinh lòng từ bi. Tấm lòng người Sài Gòn càng thể hiện sự rộng mở, từ bi hơn nữa trong mùa dịch Covid-19 qua những món chay thiện nguyện và san sẻ đến đủ mọi thân phận con người.
Sư cô Nhân Trúc bán đồ chay để nuôi 8 trẻ mồ côi |
Chủ đề liên quan:
ăn chay Đầu bếp Võ Quốc độc đáo hủ tiếu chay lẩu sầu riêng món chay Người Sài Gòn Phật Đản 2020 sài gòn sư cô